Đôi chân ba đi qua mùa bão dữ

Thứ Sáu, 30/08/2019, 07:51 [GMT+7]
In bài này
.

Đi qua tuổi mười tám, con mới nhận ra nỗi nhọc nhằn vương trên vầng trán chằng chịt vết nhăn của ba. Con thấy cả sự lo âu hiện hình trong ánh mắt, trong cái phong thái ba ngồi nhả khói thuốc lúc chiều tà. Con từng viết về người cha lam lũ trong những bài làm văn thời phổ thông nhưng dường như con chỉ hiểu một phần nhỏ bé trong cuộc đời ba. Nói sao cho hết được sự nhọc nhằn của đấng sinh thành, khi ngay từ còn niên thiếu, ba đã làm rất nhiều việc để giúp đỡ gia đình: chăn trâu, gánh lúa, xây nhà...

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Những ngày bão về quê mình, con mới hiểu ba hy vọng như thế nào khi cõng anh và con đi trong dòng nước xiết, cho chúng con mỗi ngày thong dong đến trường làng. Đôi chân gầy guộc ấy vững chắc đến lạ thường, chiến thắng trong bao cơn mưa bão. Bởi ba luôn muốn chúng con ăn học thành tài để gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo, nên dù có khó nhọc mấy, ba cũng cam chịu. Khu xóm nhỏ chẳng mấy ai được học hành đầy đủ như con và anh, đó là điều làm ba hãnh diện. Anh hay trốn học, lơ đễnh, suốt ngày bị điểm kém, ba giận lắm, bắt anh nằm xuống thềm nhà và lấy chiếc roi tre ra. Con sợ hãi, lẻn vào một góc, đưa ánh mắt hồn nhiên nhìn lén. Thú thật, ngay cả khi ba giận dữ thì gương mặt vẫn lộ rõ vẻ hiền lành và thánh thiện biết nhường nào. Ba cầm roi vậy thôi, ba không đánh. Nhưng những lời căn dặn của ba lại thấm vào trong từng khúc ruột, tâm can, chẳng đau bởi đòn roi mà nước mắt chúng con cứ trào ra, nghẹn đắng.

Ở nhà, con vẫn thường gần gũi với ba nhất. Những hôm ba đi vác lúa ngoài đồng xa tít, con lững thững chạy theo sau ba. Sợ đôi chân non nớt như búp sen hồng của con trầy xước, ba khom người xuống bế con lên. Vừa vác lúa, vừa ẵm con nhưng ba không một tiếng thở dài vì mỏi mệt. Rồi con chợt nhận ra đôi vai của ba bao giờ cũng để dành nâng đỡ chúng con. Từ ngày bé, đôi vai vạm vỡ, thô ráp đã cho con một điểm tựa gối đầu bình yên mỗi lần say ngủ. Rồi đôi vai ấy đã gồng gánh, lao động để nuôi sống cả gia đình. Hồi nhỏ con hay vô tư hỏi: “Sao vai ba hôi mùi nắngcháy  khét lẹt vậy ba?”. Ba cười dỗ dành: “Đó là mùi lao động cần cù đấy con ạ!”.

Mẹ là người nóng tính nhất nhà, mẹ hay cáu gắt, chuyện từ chợ, cơn giận dồn đuổi theo mẹ về tới tận nhà. Rồi mẹ la rầy con và anh, mẹ nặng lời với ba. Nhưng bao giờ ba cũng nhẫn nhịn. Mẹ vậy đó, nóng tính một tí rồi nguội ngay, nếu không hiểu ý thì sẽ dễ bất hòa. Con thường hay tự hỏi, nếu ba cũng cáu gắt với mẹ, thì liệu rằng ngôi nhà nhỏ có còn ấm cúng? Con cảm ơn ba đã cảm thông và bao dung với mẹ, ba đã lắng nghe và hiểu mẹ của con cả những khi mẹ giận. Mẹ cứ hay bệnh rề rà hoài, nằm cong queo như con tôm luộc. Và ba lại là người ở bên mẹ chăm sóc chu đáo, từ chén cháo đến giấc ngủ sâu. Sự yêu thương của ba đã giúp mẹ vượt qua những cơn đau bệnh, sống vui vẻ cùng gia đình.

Mỗi năm bão dữ vẫn ghé thăm quê mình. Nhưng giờ, ba không còn cõng con băng trong dòng nước xiết đến trường. Con bước vào giảng đường đại học với sự hy vọng, vui mừng của ba mẹ. Hôm đưa con ra bến xe lên thị thành nhập học, ba vuốt tóc bảo: “Lên đó ráng nghe lời anh con, học hành cho tốt. Ba mẹ luôn đặt niềm tin vào hai thằng con trai của ba đó”. Rồi ba dúi vào tay con món tiền học phí, kèm theo lời căn dặn: “Nhớ nhét kỹ túi trước để không bị kẻ xấu móc ví”. Nhìn ánh mắt ba đỏ hoe, bất giác con cũng rơi nước mắt. Cảm ơn ba thật nhiều, ba yêu của con. Ba chính là trụ cột vững chắc của gia đình, làm cho tổ ấm của chúng ta không bao giờ đổ ngã, dù có bất kỳ cơn bão dữ nào đi qua.

HOÀNG DUY

 

;
.