Thái Thanh, Diva một thuở
Danh xưng diva gần đây được nhắc nhiều trong nhạc Việt đương đại để gọi những nữ ca sĩ có giọng hát thiên phú làm lay động lòng người, có kỹ thuật trình diễn điêu luyện và còn có sắc vóc sáng sân khấu.
Danh ca Thái Thanh và nhạc sĩ Phạm Duy. |
Cũng vì những tiêu chí đòi hỏi gần như “hoàn hảo” đó, nên danh xưng diva vẫn luôn là chủ đề gây tranh luận mãi không thôi. Nhưng một giọng ca đã mặc nhiên được giới mộ điệu công nhận vào hàng diva của tân nhạc Việt Nam từ những năm 50 - 60 thế kỷ trước với chất giọng vút cao cùng những luyến láy đầy mê hoặc, đó chính là nữ danh ca Thái Thanh. Nhiều nhạc phẩm kinh điển của nhạc Việt gắn liền với tên tuổi Thái Thanh như: Giọt mưa thu, Con thuyền không bến, Buồn tàn thu, Đàn chim việt, Thiên thai, Đưa em tìm động hoa vàng, Mùa Thu chết…
XUẤT THÂN CON NHÀ NÒI
Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, SN 1934 tại Hà Nội, trong một đại gia đình gắn liền với âm nhạc. Thái Thanh là em ruột của ca sĩ Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy) và là em gái kế của nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Đình Chương. Bà còn có một người anh cùng cha khác mẹ khác là Phạm Đình Viêm (ca sĩ Hoài Trung). Họ đã cùng nhau dựng lên ban hợp ca Thăng Long vang danh một thời. Thời kỳ đầu, Thái Thanh theo Thái Hằng tham gia kháng chiến, chuyên biểu diễn phục vụ ở các chiến khu. Nghệ danh Thái Thanh bắt đầu từ đó.
Năm 1951, bà theo gia đình chị Thái Hằng - Phạm Duy vào Sài Gòn lập nghiệp và tiếp tục ca hát. Thái Thanh nổi tiếng với những ca khúc tiền chiến được đông đảo công chúng yêu thích, đặc biệt là giới trí thức. Tiếng hát của bà thống trị phần lớn các chương trình phát thanh, truyền hình và phòng trà ở Sài Gòn suốt hơn 2 thập niên, dường như không có đối thủ cạnh tranh. Năm 1956, Thái Thanh kết hôn với Lê Quỳnh, một trong số nam diễn viên nổi tiếng thuộc lớp đầu tiên của điện ảnh miền Nam. Năm 1965, Thái Thanh ly dị Lê Quỳnh sau khi đã có chung với nhau 3 con gái và 2 con trai. Người con gái đầu là Lê Thị Ý Lan (ca sĩ Ý Lan) SN 1957, hiện là ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại, thường về biểu diễn và tham gia các chương trình truyền hình tại Việt Nam. Thái Thanh ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì sang Hoa Kỳ định cư.
XỨNG DANH DIVA MỘT THUỞ
Thời đó, Việt Nam chưa có trường nhạc nên Thái Thanh không được học qua trường lớp âm nhạc chuyên nghiệp nào. Từ nhỏ, bà đã tự luyện giọng theo lối hát dân ca của đồng bằng Bắc Bộ và tự học kỹ thuật hát trong sách tiếng Pháp. Những điều ấy cộng với chất giọng thiên bẩm, đã tạo nên một giọng ca đặc biệt kết hợp giữa opera phương Tây và dân ca phương Đông rất đặc trưng. Điểm rõ nét nhất là chất dân ca Bắc Bộ phảng phất lối hát ả đào, chầu văn… định hình nên một “phong cách Thái Thanh” riêng biệt.
Nhắc đến Thái Thanh, không thể không nhắc đến Phạm Duy - người tri kỷ trong âm nhạc và là anh rể của bà. Những sáng tác của Phạm Duy đã mang Thái Thanh đến gần với công chúng. Phạm Duy là người bạn, cũng là người thầy trong âm nhạc của nữ danh ca. Họ cùng nhau hòa quyện giữa sáng tác và trình diễn những bản trường ca - tình ca bất hủ, mà nổi bật là những nhạc phẩm: Tình ca, Ngày xưa Hoàng Thị, Cô hái mơ, Mùa Thu chết, Con đường tình ta đi… “Hỡi người tình học trò/hỡi người tình năm xưa/Bóng người từng in dấu trên đường mờ/Có thuộc vạn nẻo đường/có ngại ngùng nên quên/Nhớ hoài con đường cũ không tên” (Con đường tình ta đi).
Phạm Duy chia sẻ khi đứng cùng Thái Thanh trên sân khấu: “Trong suốt quá trình 60 năm của tân nhạc, tôi là người có cái may mắn là lúc nào cũng hiện diện. Cái may mắn thứ hai là lúc nào tôi cũng có một giọng ca đặc biệt Việt Nam, từ cách nhấn chữ, cho đến luyến láy đều hoàn toàn Việt Nam, hết sức dân tộc, vì vậy dễ đi vào lòng người. Và nếu không có Thái Thanh thì không có Phạm Duy!”.
Tuy không qua trường lớp về âm nhạc, nhưng Thái Thanh có kỹ thuật hát vô cùng tinh tế. Nghe Thái Thanh hát, khán thính giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: Vừa liêu trai vừa gần gũi, vừa phóng khoáng hồn nhiên vừa hàn lâm, sang trọng. Bởi vậy, tâm trạng người nghe cũng thật đa chiều, phong phú. Có lẽ do xuất thân từ một gia đình đúng chất nghệ sĩ gốc Hà Nội, cuộc đời lại nhiều truân chuyên, chứng kiến những đổi thay lớn lao của lịch sử dân tộc, nên trong từng câu hát, nốt luyến láy của bà cũng mang theo hồn cốt của cô gái Hà Nội xưa: Đài các, sắc sảo mà bay bổng tân thời. Cái vị Bắc chuẩn Hà thành của bà đã làm nên một trường phái Thái Thanh mà sau này nhiều thế hệ ca sĩ ảnh hưởng: Quỳnh Giao, Mai Hương, Ánh Tuyết và sau này là ca sĩ trẻ Ngọc Khuê…
Chuyên gia âm nhạc người Canada Georges Etienne Gauthier nhận xét về danh ca Thái Thanh: “Giọng hát Thái Thanh đưa ta trở lại với cái đẹp nhất và bền vững nhất, đưa ta trở về tuổi ấu thơ, trở về cái điểm tinh khôi vẫn còn nguyên vẹn nơi mỗi chúng ta. Trong một cõi đời thường khi phi lý và cam go, giọng hát Thái Thanh khả dĩ đem đến cho chúng ta những xác tín về cái đẹp, về sự dịu dàng và thanh bình vĩnh cửu”.
Có nhiều nhà nghiên cứu và những người trong nghề đã dùng những ca từ đẹp nhất để mô tả về tiếng ca của Thái Thanh, xin trích một đoạn trong nhạc phẩm Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy để cắt nghĩa phần nào sự giao hòa tuyệt hảo giữa hai nghệ sĩ lớn của tân nhạc Việt Nam: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!/Mẹ hiền ru những câu xa vời/À ơi! Tiếng ru muôn đời/Vì yêu, yêu nước, yêu nòi/Ngày Xuân tôi hát nên bài ư bài Tình ca/Ruộng xanh tươi tốt quê nhà/Lòng tôi đã nở như là đóa hoa” (Tình ca).
VŨ THANH HOA