Người bạn đồng môn của tôi là cán bộ nghiên cứu lịch sử ở Hà Nội, có chuyến công tác tại TP.Hồ Chí Minh. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, tôi đón anh về Vũng Tàu trên chuyến tàu cánh ngầm vào một buổi sáng đẹp trời. Qua cửa biển Cần Giờ, con tàu rẽ sóng chuẩn bị cập bến. Trước mắt chúng tôi Núi Lớn hiện ra, sừng sững uy nghiêm trên mặt biển. Anh bạn tôi lần đầu tiên đến Vũng Tàu bằng đường thủy, trầm trồ thốt lên:
- Núi ở Vũng Tàu thật đẹp!
Rồi anh kể, theo những tư liệu lịch sử và địa chí, Núi Lớn ở Vũng Tàu ngày xưa gọi là núi Thát Ky, rất nổi tiếng ở Nam Kỳ trong buổi đầu khai hoang mở đất, nhất là trong lĩnh vực giao thương buôn bán với bên ngoài. Nhà sử học, nhà văn hóa nổi tiếng Trịnh Hoài Đức cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX viết rằng: Núi Thát Ky, tục danh là núi Ghềnh Rái, uốn lưng như con rồng xanh tắm biển, rồi đột khởi sừng sững như cây nêu giữa biển khơi để làm tiêu chí cho ghe thuyền bắc nam qua lại. Cạnh núi có vũng lớn để ghe thuyền neo đậu. Trên núi có suối nước ngọt, dưới có dân chài nhóm ở sanh nhai, thật là một cửa bể rất có hình thắng. Ở đầu ghềnh thường có rái biển bơi lặn, nên người ta mới gọi là núi Ghềnh Rái…
Một góc Núi Lớn (TP.Vũng Tàu). |
Câu chuyện về Núi Lớn vẫn chưa kết thúc, tàu đã cập bến. Tôi đón tắc xi đưa anh về nhà. Anh bạn tôi giao hẹn trước:
- Chiều mai mình phải quay lại Sài Gòn để buổi tối bay ra Hà Nội, không có nhiều thời gian thăm thú các khu danh thắng ở Vũng Tàu. Nhưng nhất định mình phải đến một số địa chỉ du lịch đặc sắc trên Núi Lớn.
Chiều hôm ấy, tôi đưa anh đến Bạch Dinh, Thích Ca Phật Đài. Sáng hôm sau tôi dẫn anh đến trận địa pháo cổ trên Núi Lớn ở gần khu vực Sao Mai, Bến Đá. Là một nhà sử học nên anh bạn tôi thích nhìn ngắm, chụp ảnh, ghi chép từng chi tiết trên các cổ vật rồi trầm trồ khen ngợi. Điểm cuối cùng tôi dẫn anh đến là chùa Chân Không nằm ở lưng chừng Núi Lớn. Đi bộ, leo dốc thẳng đứng, nhưng anh tỏ ra hứng thú. Chúng tôi vào chùa thắp nhang rồi đi quanh chùa ngắm cảnh Núi Lớn. Lúc sau chúng tôi vào tiền sảnh ngồi uống nước, được tiếp chuyện vị thượng tọa cao tuổi trụ trì chùa Chân Không gần nửa thế kỷ, khi nghe anh bạn tôi hỏi, tại sao Núi Lớn có tên gọi là núi Tương Kỳ? Vị thượng tọa trầm ngâm một lúc rồi kể:
- Vào những năm cuộc chiến giữa chúa Nguyễn với Tây Sơn đang diễn ra khốc liệt, có một thầy đồ Nho cao tuổi dẫn cô cháu gái lánh về vùng hải đảo có những ngọn núi hùng vĩ ở vùng cửa sông phía đông của Trấn Biên Hòa, tức Vũng Tàu bây giờ. Theo lời đồn, thầy đồ Nho văn võ toàn tài, từng dạy chữ và dạy võ cho nhiều người sau này là tướng giỏi của Tây Sơn. Nhưng thầy có mấy người con chết trận, gia đình tan nát, chỉ còn lại duy nhất một cô cháu gái vừa đến tuổi trăng tròn, xinh đẹp như Hằng Nga. Bấy giờ Vũng Tàu còn là vùng hải đảo hoang dã, núi cao rừng rậm, dân cư thưa thớt, trên núi có nhiều loài dã thú như hổ, báo, hưu, nai…
Một hôm cô cháu gái thầy đồ Nho lên núi hái nấm, bất ngờ gặp một con hổ lớn. Hoảng sợ, cô gái xinh đẹp chưa biết xử trí ra sao thì xuất hiện một tráng sĩ khôi ngô tuấn tú, cầm ngọn giáo lao tới, phóng vào yết hầu con hổ dữ. Bị mũi giáo đâm trúng, con hổ gầm lên một tiếng rồi tháo chạy vào khe núi.
Cô gái mừng rỡ dẫn tráng sĩ xuống núi ra mắt người ông. Thầy đồ Nho khen tráng sĩ là anh hùng nghĩa hiệp, bèn gả cô cháu gái xinh đẹp cho tráng sĩ cưới làm vợ. Để ghi dấu ấn mối lương duyên của cháu gái với tráng sĩ, thầy đồ Nho đặt tên cho núi là Núi Tương Kỳ, nghĩa là lương duyên kỳ ngộ…
Câu chuyện của vị Thượng tọa kết thúc khi mặt trời đã đứng bóng. Chúng tôi rời chùa Chân Không xuống núi. Trên đường về, anh bạn tôi tỏ vẻ tâm đắc bảo, truyền thuyết về núi Tương Kỳ mang tư tưởng anh hùng nghĩa hiệp kết hợp với chủ nghĩa lãng mạn. Vũng Tàu không chỉ là một địa danh du lịch mà còn là một vùng đất tâm linh bí ẩn đầy hấp dẫn. Anh hẹn, sẽ sắp xếp thời gian để trở lại khám phá Vũng Tàu, một vùng đất có phong cảnh ngoạn mục và nhiều điều kỳ lạ.
TRẦN QUANG VINH