Nơi đong đầy hạnh phúc
- Ngoại ơi, ly hôn nghĩa là gì vậy ngoại?
- Ly hôn nghĩa là chấm dứt quan hệ vợ chồng, là hai vợ chồng không còn sống chung với nhau nữa… Mà sao con hỏi chuyện đó để làm gì?
- Con… con nghe mẹ nói với cô Hà là mẹ muốn ly hôn với ba.
Minh họa của: MINH SƠN |
- Con nói sao? Mẹ con…
Nghe cháu ngoại nói, bà Thủy giật mình nhận ra điều không ổn trong cuộc sống gia đình của con gái.
Thục lau khô hai hàng nước mắt, giọng buồn bã:
- Mình chán cuộc sống thế này rồi. Ở nhà nội trợ. Hết lo con cái rồi giặt giũ, cơm nước. Đã thế, anh Đại nhà mình… chắc mình ly hôn thôi Hà à.
- Thục! Cậu hãy suy nghĩ cho kĩ. Chuyện hôn nhân chứ đâu phải việc mua mớ rau, mớ cá ngoài chợ. Đây là chuyện hệ trọng liên quan đến cả đời người và quan trọng còn là tương lai của hai đứa nhỏ nữa. Sau phút im lặng lắng nghe, Hà lấy bình tĩnh để phân tích cho Thục hiểu.
- Nhưng anh Đại… anh…
- Anh Đại làm sao?
- Hình như anh ấy có người phụ nữ khác. Anh ấy không còn yêu thương mình như trước nữa.
- Sao cậu nói vậy. Lỡ nói oan cho anh Đại thì tội lắm. Anh ấy là người chồng mẫu mực, lý tưởng nhất mình từng thấy mà.
- Phải… Hồi mới quen, mới yêu, mới lấy nhau thì thế… Còn giờ thì… Nước mắt Thục lại giàn dụa.
Thục quen Đại khi cả hai học chung đại học. Hai người cưới nhau sau bốn năm quen nhau trên giảng đường, cộng thêm ba năm thử thách vì khi ra trường mỗi người làm việc mỗi nơi. Đại là kĩ sư cầu đường thường xuyên theo công trình đi khắp tỉnh này tỉnh khác, thi thoảng mới có công trình gần nhà. Thục vốn là giáo viên dạy Văn. Tốt nghiệp ra trường, cô xin vào dạy ở một trường phổ thông trong Nam. Rồi họ cưới nhau. Những ngày mang bầu cu Tính, một mình Thục vất vả vượt qua những trận ốm nghén, những mệt mỏi, cô đơn. Vì công việc nên có khi hai, ba tháng, Đại mới vào thăm Thục được một lần. Bản thân tủi thân đã đành, nhưng nghĩ sau này con ra đời thiếu tình cảm của ba chắc sẽ rất thiệt thòi, Thục bàn với Đại xin nghỉ dạy, quay về thành phố đoàn tụ với chồng. Hết cu Tính rồi con bé Linh ra đời. Hơn mười năm nay, Thục quen với cuộc sống âm thầm của người phụ nữ nội trợ, hi sinh vì chồng vì con.
Hồi đi dạy, Thục còn được mặc những bộ áo dài hay những chiếc áo sơ mi, quần tây đủ kiểu dáng mình thích. Nhưng kể từ ngày ở nhà làm nội trợ, áo quần thì thùng thình, đầu tóc có khi cả ngày chả buồn chải lấy một lần, ngủ dậy là vấn hay cột lên cho gọn là được. Điều Thục quan tâm là làm thế nào để chồng con có những bữa cơm ngon ngọt, hai con ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, còn mình thì sao cũng được. Sau một ngày bận rộn, tối đến toàn thân Thục ê ẩm, chỉ cần đặt lưng xuống giường mươi mười lăm phút là chẳng còn biết gì. Sáng sớm hôm sau lại bắt đầu một ngày với những công việc lặp lại. Cuộc sống của Thục quẩn quanh như một vòng tròn khép kín. Đại thông cảm và rất thương vợ. Anh thường xuyên gọi điện về động viên vợ con mỗi khi đi làm công trình xa. Mỗi dịp về nhà lại mua quà này, món ăn khác để tặng vợ. Nhưng điều khiến Thục cảm thấy hụt hẫng, chênh vênh, mất niềm tin vào hạnh phúc gia đình chính là món quà trong túi áo của chồng trước ngày mùng 8 tháng 3 vừa rồi.
Hôm ấy, Đại đi làm về, say khướt. Anh cởi chiếc áo khoác vắt lên ghế sô pha rồi nhào mình lên giường ngủ li bì. Thục thu dọn quần áo chuẩn bị giặt, tay Thục dừng lại khi sờ phải một chiếc hộp vuông trong túi áo khoác của chồng. Tò mò, Thục mở ra xem. Một chiếc vòng tay xanh màu ngọc bích. Đây cũng chính là món quà mình hằng ao ước từ lâu. Chắc chồng mua để tặng mình? Thục nghĩ. Và Thục hình dung Đại sẽ đặt vào tay Thục món quà này kèm theo giọng nói ngọt ngào “Tặng em nhân ngày 8/3”. Lúc đó, Thục sẽ ôm chầm lấy Đại sung sướng không nói nên lời… Suốt đêm hôm ấy và cả ngày hôm sau, Thục cứ sống trong cảm giác hồi hộp, chờ đợi.
Ngày 8/3 sắp sửa đi qua, Đại vẫn chưa về nhà sau khi thức dậy và đi làm từ sớm bửng. Chiều muộn, thằng Tính nghe đám bạn chơi ngoài hẻm lao xao chuyện tặng quà cho mẹ. Đứa mua hoa hồng, đứa giúp mẹ quét dọn sân nhà, đứa tự tay làm những món đồ,… Tính bần thần rồi lững thững đi về. Vừa đến sân, con bé Linh liền chạy ra thì thầm:
- Anh hai! Anh hai! Anh em mình không có tiền mua quà tặng mẹ. Hay là mình ngắt búp hồng ở góc sân kia làm quà tặng mẹ được không?
- Ừ nhỉ! Thế mà anh không nghĩ ra. Cả hai đứa trẻ nhìn nhau tủm tỉm cười ra đều bí mật.
- Mẹ!... mẹ ơi!
- Hai anh em đi rửa chân tay chuẩn bị dọn cơm ăn. Mẹ nấu xong rồi đây.
- Mẹ… Con và em Linh… Chị Thục đang lúi húi vào bếp hoàn thành nốt món ăn, nghe con nói liền quay lại. Trước mắt chị là đôi mắt thơ ngây cùng nụ cười tươi như hoa của hai con kèm theo búp hồng đỏ thắm, chúm chím đưa về phía mình. Giọng chúng trong trẻo:
- Anh em con tặng mẹ! Thục sung sướng, mắt rơm rớm:
- Ôi, hai con của mẹ. Mẹ cảm ơn các con! Rồi chị ôm chúng vào lòng, đặt lên trán mỗi đứa một nụ hôn yêu thương. Chị thấy lòng mình bỗng trở nên ấm áp.
- Con thương mẹ lắm! Thằng Tính nói lời yêu thương với mẹ nó. Con bé Linh cũng muốn thể hiện tình cảm của mình. Nó mượn lời anh nó vừa nói, nhấn mạnh thêm:
- Con thương mẹ, yêu mẹ lắm lắm! Tiếng chuông điện thoại reo, Thục nhấc máy lên nghe:
- Hôm nay anh bận chút chuyện, sẽ không về ăn cơm với ba mẹ con được. Ở nhà, em và các con ăn cơm vui vẻ nhé!
- Dạ… anh cứ lo công việc đi. Không sao đâu. Thục nhẹ nhàng đáp lại. Bề ngoài như không có gì nhưng thực lòng, trái tim Thục đang rất phiền muộn. Vì không muốn hai con nhìn thấy mình không vui nên trước mặt con, Thục luôn mỉm cười. Chắc đêm về, anh ấy sẽ dành cho mình sự bất ngờ. Thục nghĩ.
Tối ấy, Đại về nhà và tặng Thục bó hoa hồng rất đẹp. Nụ cười Đại dành cho vợ vẫn ấm áp như ngày nào. Nhưng… còn chiếc vòng tay màu ngọc bích… Thục bất chợt nghĩ đến chiếc vòng đặt trong cái hộp vuông vắn nhỏ xinh. Thục gượng cười đón nhận bó hoa tươi từ chồng mà lòng hỗn độn bao cảm xúc hụt hẫng, ghen tỵ, nghi ngờ. Cảm giác hờn giận, trách móc, tủi thân lại òa về. Đêm đó, Thục không thể nào chợp mắt. Trong đầu cô chập chờn hình ảnh của một cô gái trẻ xinh đẹp nào đó, má phấn môi son, áo quần sexy, tay đeo chiếc vòng tay màu ngọc bích chồng Thục tặng. Hai người ngồi ở một quán cà phê lãng mạn nào đó vui vẻ chuyện trò. Họ trao cho nhau từng ánh mắt, nụ cười và cả cái nắm tay hay nụ hôn vụng trộm… Người Thục cứ râm ran. Thục đau khổ. Và rồi cô tự nhủ mình sẽ ly hôn. Mình không thể chấp nhận một người chồng như thế, không muốn níu kéo thứ hạnh phúc không thuộc về mình, không muốn chịu đựng một cuộc hôn nhân bế tắc như thế này một chút nào nữa. Càng suy nghĩ, nước mắt Thục càng ướt đầm lưng gối.
- Ly hôn không phải là giải pháp tốt đâu Thục. Ly hôn có thể giúp cậu giải thoát được mọi đau khổ, ức chế. Nhưng hãy nghĩ đến cu Tính và bé Linh. Nhìn chúng yêu thương ba mẹ và quấn quýt lấy nhau xem! Chúng không đáng bị đối xử hay phải nhận lấy thiệt thòi như vậy.
- Nhưng mình không thể chịu được cảnh bị chồng phản bội. Hôn nhân nếu chỉ mình mình vun đắp giữ gìn thì sao có thể hạnh phúc dài lâu?
- Đừng vội vàng nghĩ và quyết định như thế. Hãy tìm hiểu kĩ và cho anh Đại cơ hội giải thích. Hãy nghĩ đến tương lai của hai đứa nhỏ nữa… Những lời nói của Hà không khiến Thục từ bỏ ý định đã nói nhưng dù sao, nó cũng khiến Thục phải dừng lại, im lặng và suy nghĩ.
Hôm nay là sinh nhật Thục. Thục chở hai con về nhà ngoại chơi. Thằng cu Tính và con bé Linh thích được về nhà ngoại lắm. Chúng được thoải mái vui chơi, được ngoại dẫn ra ngắm cánh đồng lúa chín vàng, được ngoại chặt mía trong vườn, róc cho chúng ăn, được chăm cây, tưới rau với ngoại chứ không phải cắm cúi hay chạy sô học thêm suốt ngày như ở trên phố.
Bà Thủy năm nay đã ngoài 70 tuổi. Chồng mất sớm, một mình bà sống trong ngôi nhà mái ngói đã cũ nuôi Thục ăn học đến khi trưởng thành. Từ ngày Thục lấy chồng, bà sống với số tiên lương hưu nghề giáo và dăm luống rau sạch sáng sáng ra chợ đổi lấy niềm vui sống. Hôm nay là ngày đặc biệt của con gái, nhận ra nét phiền muộn ẩn chứa trên khuôn mặt không vui của con, bà Thủy quyết định vào bếp nấu một bữa cơm thật ngon đãi con cháu.
Đang sắp xếp quần áo, Thục ngạc nhiên nhìn thấy chiếc hộp vuông, nhỏ xinh trông giống y chang như chiếc hộp đựng chiếc vòng tay xanh ngọc chồng đã mua trước ngày mùng 8 tháng 3. Tò mò, Thục mở nó ra xem. Đúng là chiếc vòng ấy. Nhưng…
- Đó là chiếc vòng chồng con tặng mẹ hôm mùng 8 tháng 3 đấy. Mẹ thật có phước khi có một người con rể như thằng Đại. Thục đang miên man thì bà Thủy đã bước lại gần đứng ở phía sau từ lúc nào.
- Mẹ… chiếc vòng này... anh Đại… anh ấy mua tặng mẹ sao?
- Ừ. Chính hôm mùng 8 tháng 3, nó đi làm công trình gần đây đã ghé vào nhà tặng mẹ. Thế nó không nói với con sao?
- Dạ… không… Anh không nói gì cả mẹ ạ.
- Nó bảo có lần nghe con kể mẹ thích chiếc vòng màu xanh ngọc ấy đã từ lâu, nay sẵn dịp mới có điều kiện mua tặng mẹ. Nó còn cảm ơn mẹ đã sinh ra con, đã cho nó một người vợ hiền, đảm đang nữa đấy. Thật hiếm có đứa con rể nào tử tế như ba của thằng Tính, cái Linh!
- Thế mà… con lại nghi ngờ anh Đại. Thục kể lại câu chuyện cho mẹ nghe. Cô nhận mình là người nông nổi. Xuýt chút nữa thì...
- Thôi ra ăn cơm rồi còn về. Bà Thủy cười nhìn con gái.
Sau bữa cơm chiều sớm nhà mẹ, Thục cùng hai con về phố. Cánh cửa nhà đã mở. Tiếng nhạc mừng sinh nhật du dương vọng ra từ phòng khách. Tính và Linh chạy một mạch vào nhà, miệng gọi ba ríu rít. Thục đứng sững giữa sân, chân muốn chạy thật nhanh vào nhà ôm chồng nhưng lòng lại chùng chình. Trống ngực Thục đập ngày càng mạnh. Cô bước từng bước rất nhẹ như có thể nghe được hơi thở rất khẽ của mình. Mắt cô không khỏi ngạc nhiên. Một bó hoa hồng đỏ thắm. Chiếc bánh sinh nhật đề dòng chữ “Mừng sinh nhật vợ yêu” đã cắm sẵn những cây nến nhỏ xinh. Đại và hai con cùng nhau hát lên bài hát mừng sinh nhật quen thuộc cùng nhịp vỗ tay và ánh mắt, điệu cười ngập tràn yêu thương hướng về phía Thục.
- Mẹ ước đi, ước đi mẹ! Hai đứa nhỏ giục mẹ nó rối rít. Thục rạng rỡ cười rồi từ từ khẽ khép đôi mi để ước. Đại bước lại gần vợ, lấy chiếc hộp từ trong túi áo, mở ra. Chiếc vòng tay màu ngọc bích được Đại nhẹ nhàng đeo vào tay cho vợ. Bó hoa cũng được thằng cu Tính và con bé Linh giơ lên trao tận tay cho mẹ. Tựa vào vai chồng, cùng ngắm hai con thơ vui cười, bỗng nhiên Thục đã bật khóc vì hạnh phúc.