Truyền thuyết núi Tao Phùng
Những năm gần đây, nhiều người dân ở Vũng Tàu thích rèn luyện sức khỏe bằng bộ môn đi bộ leo núi vào các buổi chiều. Vũng Tàu có hai dãy núi tuyệt đẹp là Núi Lớn (núi Tương Kỳ), và Núi Nhỏ (núi Tao Phùng).
Núi Lớn có một con đường trải nhựa lên đỉnh núi dài gần 3 cây số. Núi Nhỏ có 2 đường lên 2 đỉnh khác nhau. Một đường trải nhựa dốc thoai thoải, có thể chạy ô tô, xe máy, dài khoảng 2 cây số lên Ngọn hải đăng ở độ cao 170 mét so với mực nước biển. Hai bên đường cỏ hoa cây cối tỏa bóng mát rượi. Con đường thứ hai từ mũi Nghinh Phong lên Tượng Chúa Kitô, tuy ngắn hơn nhưng phải leo 1.000 bậc tam cấp thẳng đứng. Những người ưa chuộng không gian phóng khoáng thường leo Núi Nhỏ bằng con đường này.
Gần chục năm rồi, vợ chồng tôi đã quen leo Núi Nhỏ theo con đường lên Tượng Chúa Kitô. Hôm ấy trời trong gió mát. Gần năm giờ chiều, vợ chồng tôi đã có mặt ở mũi Nghinh Phong. Người leo núi đông nghịt, đi thành từng nhóm như đi trẩy hội.
Bước lên những bậc tam cấp đầu tiên ai cũng cảm thấy hăm hở. Nhưng lên tới bậc thứ năm trăm, người ta bắt đầu thở dốc. Nhiều tốp người leo núi dừng lại nghỉ. Nhìn xuống phía dưới, thấy sóng biển ào ạt tung bọt nước trắng xóa quanh đảo Hòn Bà, đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Bên những gốc cây ven sườn núi, nhiều đôi trai gái ngồi bên nhau ríu rít tâm tình.
Một người đàn ông trung niên để tóc dài, có vẻ là thi sĩ, đi cạnh vợ chồng tôi, gật gù bảo:
- Phong cảnh êm ả mộng mơ của Núi Nhỏ đúng là nơi hẹn hò gặp gỡ tuyệt vời của những cặp tình nhân!
Rồi anh kể, theo lời giới thiệu của người bạn sống ở Vũng Tàu, anh từng tiếp kiến một cụ bà gần trăm tuổi ở xóm Lưới dưới chân Núi Nhỏ. Tuy cao tuổi, nhưng cụ bà vẫn tỉnh táo minh mẫn như thuở trẻ. Cụ bảo, cư dân xóm Lưới là những người đầu tiên định cư ở Vũng Tàu. Hồi nhỏ, cụ từng nghe truyền thuyết về núi Tao Phùng. Truyền thuyết kể rằng, ngày xửa ngày xưa, khi mà trời đất, núi rừng, đại dương mênh mông vẫn bao trùm những điều huyền bí. Con người và các vị thần tiên thường gặp gỡ giao lưu thân thiết như bạn bè. Ở vùng cửa biển rộng lớn mênh mông có một chàng trai làm nghề chài lưới, cao to lực lưỡng, bơi lặn như rái cá. Ngày nọ, trời nổi cơn giông bão. Chàng trai ra biển kéo lưới, nhưng kéo cả buổi không kiếm được con cá nào. Hoàng hôn xuống, trời yên biển lặng, chàng dân chài tung mẻ lưới cuối cùng thì bắt được một con cá vàng tuyệt đẹp, mắt lóng lánh như kim cương. Chàng dân chài cảm thấy yêu thương con cá nhỏ, định thả cá về biển khơi. Nhưng cá vàng vừa trải qua cơn giông tố, quá yếu ớt, loạng choạng không bơi nổi. Chàng dân chài bèn mang cá vàng về nhà nuôi trong bể nước, hàng ngày chăm sóc cá như chăm vợ bệnh.
Mấy ngày sau cá vàng khỏe mạnh bình thường, tung tăng bơi lội như nàng tiên cá. Một buổi sang đẹp trời, chàng dân chài thầm thì nói với cá rằng, ta rất yêu quý cá vàng, nhưng ta phải trả cá về đại dương để cá được tự do bơi lội cùng đồng loại.
Chàng dân chài vừa nói hết lời thì cá vàng vẫy đuôi nhảy ra khỏi bể nước, biến thành một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp. Thiếu nữ cúi đầu cảm tạ chàng mà nói rằng, thiếp là công chúa, con gái vua Thủy Tề. Lúc dạo chơi ngoài biển cả, chẳng may gặp bão lớn, nên kiệt sức bị sóng đánh dạt vào gần bờ. May được chàng cứu mạng, thiếp nguyện chung sống với chàng đến trọn đời!
Chàng dân chài vô cùng mừng rỡ, chàng hứa sẽ làm người chồng thủy chung, yêu thương chăm sóc nàng đến đầu bạc răng long.
Chàng dân chài và công chúa chung sống hạnh phúc được gần một năm thì vua Thủy Tề biết chuyện. Nổi giận đùng đùng, vua Thủy Tề sai bọn thủy quái lên bờ bắt vợ chồng anh dân chài xuống thủy cung để trị tội. Công chúa quỳ xuống khóc lóc kể lại sự tình, mong vua cha cho phép họ được sống bên nhau trọn đời.
Nghe con gái kể lể van xin, vua Thủy Tề động lòng thương cảm, bèn phán rằng:
- Theo luật trời, người phàm trần và các bậc thần tiên không thể sống chung như vợ chồng. Nhưng ta trân trọng mối lương duyên của con trẻ nên cho phép mỗi năm đôi tình nhân được gặp nhau một lần.
Nói rồi, ngài hóa phép dâng từ đáy biển lên một dãy núi tuyệt đẹp, đầy hoa thơm cỏ lạ để hàng năm đôi trẻ gặp nhau cho đỡ nhớ nhung. Núi ấy chính là Núi Nhỏ ở Vũng Tàu bây giờ.
Thời Gia Long, có một nhà nho chữ nghĩa uyên bác viếng cảnh Vũng Tàu. Nghe kể về truyền thuyết dãy núi thơ mộng, ông rất cảm kích, bèn đặt tên là núi Tao Phùng, nghĩa là nơi gặp gỡ của cặp tình nhân.
Câu chuyện về núi Tao Phùng kết thúc cũng là lúc chúng tôi lên tới Tượng Chúa Kitô. Anh bạn vừa kể về truyền thuyết núi Tao Phùng tự giới thiệu là nhà sưu tầm văn học dân gian. Anh mới đến Vũng Tàu, nhưng may mắn ghi chép được truyền thuyết tuyệt vời về núi Tao Phùng.
TRẦN QUANG VINH