Khi mùa hè đem cái nắng chói chang trải khắp mọi miền đất nước, hòa cùng tiếng ve rộn rã trên những nhánh phượng đỏ rực, tôi lại nghe đâu đó vang lên giai điệu thân quen của ca khúc Vào hạ: “Trời nhẹ dần lên cao/hồn tôi dường như bóng chim/Vờn đôi cánh mềm lặng lẽ kiếm chốn nao bình yên/Và dòng sông xanh kia nằm im như không muốn trôi/phơi màu áo rêu vỗ về đánh giấc trưa nghỉ ngơi…”.
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà. |
Những ca từ tươi trẻ sôi động nhưng cũng không kém phần sâu lắng của bài hát đã trở thành một trong những bản “mùa hè ca” của nhạc trẻ Việt, được nhiều thế hệ người nghe yêu thích. Vào hạ đã đưa nhóm Tam ca áo trắng nổi tiếng khắp làng nhạc Việt khi lần đầu tiên trình bày ca khúc này. Tác giả của Vào hạ chính là Lê Hựu Hà - vị nhạc sĩ được các chuyên gia âm nhạc ghi nhận là một trong những người tiên phong Việt hóa nhạc trẻ Âu - Mỹ tại Việt Nam từ trước năm 1970.
TỰ HỌC NHẠC VÌ ĐAM MÊ
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà sinh ngày 5/6/1946 tại Biên Hòa, Đồng Nai. Ông vốn xuất thân là một viên chức ngân hàng. Ông từng trải lòng: “Gia đình rất khó nên không dễ gì đến với âm nhạc. Từ nhỏ đến lớn, cha mẹ chỉ muốn tôi làm viên chức nhà nước. Vậy là tôi trở thành một viên chức ngân hàng mấy chục năm. Tuy nhiên, vì yêu âm nhạc từ nhỏ, nên ban ngày thì làm việc, ban đêm tôi lén học nhạc, rồi làm nhạc công ở các câu lạc bộ và sau đó chính thức hoạt động âm nhạc ở lĩnh vực biểu diễn. Còn sáng tác ca khúc, trước tiên tôi viết cho chính tôi. Tôi dùng âm nhạc để giải tỏa những tình cảm khi vui, khi buồn của mình”.
Lê Hựu Hà bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1965 với ban nhạc Hải Âu tại Đại hội nhạc trẻ của Trường trung học Lasan Taberd. Đầu thập niên 1970, ông nổi lên cùng ban nhạc Phượng Hoàng, với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và ca sĩ chính Elvis Phương. Các ca khúc do ông sáng tác được phổ biến lúc này là: Tôi muốn, Lời người điên, Hãy nhìn xuống chân, Bài ca tuổi trẻ, Huyền thoại người con gái, Phiền khúc mùa Đông, Yêu người yêu đời… Sau khi Phượng Hoàng tan rã, ông thành lập ban nhạc Mây Trắng và tung ra ca khúc mới như Hãy ngước mặt nhìn đời, Đôi khi ta muốn khóc… Các ca khúc được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
TIẾP THU NHẠC NGOẠI ĐỂ KHẲNG ĐỊNH NHẠC VIỆT
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà được đánh giá là một trong những người khởi đầu mang lại cho âm nhạc Việt Nam luồng gió mới. Sáng tác của ông ứng dụng giai điệu, tiết tấu hiện đại của nhạc trẻ phương Tây mà vẫn mang hơi thở Việt, đưa thang âm ngũ cung Việt Nam vào các tình khúc. Ông sáng tác từ năm 17 tuổi khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng, những nhạc phẩm đầu tay chỉ thực sự được phổ biến rộng rãi khi Lê Hựu Hà mang ra biểu diễn cùng ban nhạc Hải Âu do ông thành lập năm 1966 tại đại hội nhạc trẻ dành cho sinh viên, học sinh tại trường Taberd. Khi âm nhạc Sài Gòn đang tràn ngập những giai điệu nhập ngoại, Lê Hựu Hà đã chứng minh người Việt có thể tạo ra lối chơi pop-rock mang hồn cốt dân tộc đầy ngẫu hứng mà vẫn tiếp thu sự mới mẻ của nhạc phương Tây. Những bài hát Tôi muốn, Phiên khúc mùa Đông, Yêu người yêu đời, Hãy ngước mặt nhìn đời... đã làm thay đổi môi trường âm nhạc vốn sùng ngoại của giới trẻ Sài Gòn.
Sau năm 1975, các ban nhạc Hy Vọng, Phiêu Bồng do Lê Hựu Hà thành lập, trong phong trào ca khúc chính trị… với sự góp mặt của Mạnh Tuấn, Huỳnh Hiệp, Bảo Chân, Lý Được, Minh Hải, Quốc Dũng và các ca sĩ Sĩ Thanh, Tuyết Loan, Trang Kim Yến. Phong cách thể hiện tươi trẻ, sôi nổi, lạc quan đã đưa cái tên Lê Hựu Hà ở một vị trí mới trong lòng người yêu nhạc Việt. Ông cũng cộng tác với nhiều trung tâm nhạc tại hải ngoại. Thời kỳ này ông có những ca khúc nổi tiếng như: Hãy yêu như chưa yêu lần nào, Cuộc đời, Đừng trách người ơi, Vị ngọt đôi môi, Ngỡ đâu tình đã quên mình… được trình bày bởi chính người vợ xinh đẹp: ca sĩ Nhã Phương, được coi như nữ hoàng nhạc nhẹ Việt những năm 80. Những ca khúc đó còn được nhiều giọng ca hàng đầu Việt Nam chọn và trình diễn như Quang Dũng, Thanh Thảo, Mỹ Tâm...
Lê Hựu Hà còn là một trong những nhạc sĩ chuyên tâm trong việc chuyển dịch, biên soạn lời Việt cho các ca khúc quốc tế, nổi bật như: Đồng xanh, Những lời dối gian: “Đồng xanh là chốn đây/thiên đàng cỏ cây/là nơi bầy thú hoang/đang vui đùa trong nắng say/đây những bờ suối vắng/im phơi mình bên lùm cây/đây những dòng nước mát/khẽ vươn tay về thung lũng/và những đôi nhân tình/đang thả hồn dưới mây chiều…” (Đồng xanh).
Nhạc sĩ Lê Hựu đột ngột qua đời ngày 11/5/2003 vì tai biến mạch máu não, để lại khoảng trên 50 ca khúc với cách viết gần gũi tuổi trẻ sôi nổi, mơ mộng nhưng vẫn có độ lắng đọng đầy tính nhân văn để ở độ tuổi nào, sống ở nơi đâu vẫn thấy thêm yêu cuộc đời, dẫu có muôn vàn khổ đau: “Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên/Tôi muốn sống như loài hoa hiền/Tôi muốn làm một thứ cỏ cây/Vui trong gió và không ưu phiền/Tôi muốn mọi người biết thương nhau/Không oán ghét không gây hận sầu/Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau/Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu...” (Tôi muốn).
VŨ THANH HOA