Tôi là nhiếp ảnh gia không tên tuổi kiêm văn sĩ nghiệp dư. Lúc trẻ sống bằng nghề chụp ảnh đám cưới. Tuổi đã về chiều, không đọ được với các ảnh viện áo cưới mọc lên như nấm và nhu cầu ngày càng cao của các đôi uyên ương thời nay nên tôi tạm bằng lòng với chân quản lý khách sạn mini của vợ. Một tay bà ấy gây dựng nên cái cơ nghiệp này, tôi cứ can ngăn mãi mà không xong. Tôi sợ cái nghề kinh doanh khách sạn là nơi tiếp tay cho những quan hệ vụng trộm, mờ ám, dễ … thất đức. Không ngờ khi chúng tôi về già, nó lại là cứu cánh cho cả gia đình. Khách sạn nhỏ, tuy ở một nơi khuất nẻo nhưng đường đi lại dễ dàng, từ khi mở cửa chưa vắng khách bao giờ. Từ cửa sổ các phòng tầng trên có thể nhìn thấy con sông xanh biêng biếc, nhiều hôm chả cần bật máy lạnh cũng đủ mát rười rượi. Không khí lúc nào cũng phảng phất mùi thơm của cây cỏ đồng quê. Thêm nữa, vợ tôi là người kỹ tính. Ga gối bao giờ cũng đặt loại cotton mềm mịn trắng muốt. Khăn tắm bông to lúc nào cũng khô bong, không thua kém gì tiêu chuẩn của khách sạn 5 sao. Bởi vậy, khách đến một lần hầu như đều quay trở lại.
Gọi là quản lý cho sang, chứ công việc của tôi chỉ là thỉnh thoảng để mắt đến đám nhân viên để họ khỏi lờn mặt chủ. Thoạt đầu tôi khá uể oải với công việc bất đắc dĩ này, nhưng dần dần tôi phát hiện ra rằng, nơi đây chính là chỗ để tôi bồi bổ chất liệu cho... sự nghiệp văn chương của mình. Sau vài tháng, tôi đã có thể phỏng đoán khá chính xác mối quan hệ của các cặp đôi đến thuê phòng. Kẻ đến trước người đến sau thì đích thị trăm phần trăm là bồ bịch. Nhóm này gọi là khách nghỉ theo giờ, thường lấp kín 12 phòng khách sạn vào các buổi trưa hoặc là xâm xẩm tối đến tầm 10 giờ đêm. Nhân viên của tôi luôn được dặn phải quay biển số xe máy của họ vào trong, lại còn cẩn thận phủ thêm tấm vải bạt. Ô tô cũng vậy, phủ bạt kín mít. Đường hoàng xịch xe đến sát cổng, tay trong tay ra chỗ lễ tân lấy phòng, ắt hẳn là các đôi đang yêu, cơ mà không có không gian “yêu” của riêng mình. Hoặc là những cặp đôi không chính thức nhưng đã tê liệt dây thần kinh sợ hãi. Khách sạn mini nhà tôi có thể là nơi lần đầu người ta khám phá, thám hiểm nhau. Là tôi đoán vậy, căn cứ vào sự dè dặt ban đầu của họ. Mà cũng là nơi người ta nói lời tuyệt tình thì phải. Tôi để trí tưởng tượng của mình bay la đà như thế khi một vài lần nhìn thấy cặp mắt mọng đỏ của người đàn bà, vẻ đăm chiêu của người đàn ông khi họ nặng nề rời khách sạn. Và cả cái gạt tàn đầy mẩu vụn thuốc lá.
Khách đến rồi đi. Nhiều người quay trở lại, thậm chí khá nhiều lần, nhưng tôi không nhớ hết được. Mà nhiệm vụ của tôi là phải tỏ ra lạnh lùng, không để cho trí nhớ hoạt động. Khách nào tôi cũng giữ bộ mặt vô cảm, không để họ có cảm giác bị soi mói, do đó gia tăng cảm giác an toàn.
Tuy nhiên, tôi vẫn không thể xóa đi ấn tượng với hai vị khách đặc biệt. Đó là hai ông bà già, có lẽ đều đã gần cái tuổi xưa nay hiếm, chầm chậm dìu nhau đến thuê phòng mỗi năm có đúng một lần vào dịp cuối tháng tư. Bà cụ luôn mặc một cái áo sơ mi mỏng màu hồng phớt, loại vải phin nõn bây giờ hình như đã biến mất khỏi thị trường thời trang, hơi đỏm dáng so với tuổi tác của bà. Còn ông cụ lúc nào cũng diện cái áo vest caro màu chàm. Đến năm thứ ba thì ngay cả cô nhân viên khó tính nhất của khách sạn cũng không hỏi chứng minh thư của họ nữa. Bao giờ hai vị khách đặc biệt ấy cũng thuê phòng nguyên ngày. Và họ chỉ gọi một bình trà cùng hai chén cháo gà điểm thêm chút rau ngò thơm nhẹ. Năm nào tôi cũng giành quyền lên phòng khi họ vừa trả xong. Cảnh tượng bày ra trước mắt tôi luôn luôn là một cái giường chăn đệm cực kỳ phẳng phiu. Đặc biệt, luôn có một cành ngọc lan chi chít những bông hoa trắng ngà được đặt hờ hững trên chiếc bàn con kê ở góc phòng, tỏa một mùi hương như hư như thực ...
Đến năm thứ năm, không thấy họ đến vào đúng ngày. Tôi đang thắc mắc thì đột nhiên bà già xuất hiện, vài ngày sau đó, vẫn trong chiếc áo mỏng hồng phớt ấy. Bà vẫn gọi một bình trà và hai chén cháo gà nóng như thường lệ. Óc tò mò của văn sĩ nghiệp dư trỗi dậy, vả lại vẻ thân thiện của bà khiến tôi hết e dè. Tôi giành phần bưng cháo bưng trà lên phòng. Cũng chả nhớ mình đã mào đầu như thế nào. Chỉ biết rằng, người cùng bà thưởng trà năm ấy, chính là tôi.
***
“Tôi và anh ấy phải lòng nhau từ hơn 50 năm trước. Thời của chúng tôi dù trong bụng có thương nhau đến mấy, vẫn chỉ là tình trong như đã… Cách tỏ tình vẫn không nằm ngoài hai chữ: e ấp. Buổi chiều ngày hôm ấy, tôi còn nhớ rõ là một ngày tháng 4. Không khí ngột ngạt, oi bức báo hiệu một cơn mưa to sẽ đến sau đó. Anh ấy chờ sẵn tôi ở cổng làng. Tôi là con gái làng Bưởi, nhà chỉ cách Hồ Tây vài bước chân. Anh ấy là trai Nhật Tân. Anh ấy đỏ mặt, ấp úng mãi, nói những lời không đầu không cuối. Tôi chả nghe rõ từ nào nhưng hoàn toàn cảm nhận được điều anh ấy muốn nói. Rồi anh ấy cầm tay tôi. Dường như có một luồng điện nhói từ tay tôi, truyền đi khắp cơ thể. Tôi chưa kịp bình tĩnh lại thì đã thấy trong tay mình là một tờ giấy trắng gấp đôi. Là một phong thư nhỏ. Tôi cầm phong thư trong tay, đi bộ một mạch trong nhịp thở gấp, về đến nhà mới dám mở ra xem. Giữa phong thư là một cành ngọc lan với những bông hoa trắng xinh xắn. Mắt tôi hoa lên đọc mãi mới hết mấy dòng chữ ngắn ngủi. Anh viết: “Thư, anh đã yêu Thư từ khi Thư còn là cô gái bé xíu. Anh đã nhớ Thư 2.530 ngày đêm rồi. Chịu đựng nhiều rồi. Tuần sau anh lên đường vào Nam chiến đấu. Thư đồng ý làm người yêu của anh nhé”.
Tôi vẫn có thể hình dung cảm giác ngượng ngùng pha lẫn hạnh phúc của mình lúc đó. Bởi tôi cũng đã thầm yêu anh. Một tuần sau đó, chúng tôi hầu như ngày nào cũng gặp nhau bên hồ... Những nụ hôn đầu đời run rẩy, sóng sánh như nước Hồ Tây ngày bão. Hai trái tim non chỉ mơ đến những điều khăng khít. Những tưởng sẽ được bên nhau mãi mãi. Nhưng chiến tranh, loạn lạc đã khiến câu thề năm xưa lỗi hẹn.
Gần 40 năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau, mỗi người đều đã có một gia đình, đều đã nên ông nên bà. Nhưng cảm giác xao xuyến nó lạ kỳ lắm. Những kỷ niệm ngủ yên bao năm và rất nhiều khi chúng tôi đã quên, từ từ trỗi dậy, rả rích thì thầm với chúng tôi rằng, trong mỗi người vẫn có một góc dành cho nhau. Có lẽ bởi giữa chúng tôi là một sự dang dở đẹp đẽ. Nó rất thơ, thật là thế. Vậy là chúng tôi hẹn ước năm nào cũng sẽ đến với nhau trọn một ngày vào đúng dịp anh ngỏ lời năm xưa. Mỗi năm chỉ có một ngày thôi, bởi cũng cách trở địa lý, hiện giờ anh sống ở một thành phố biển xa lắc, tôi chưa một lần đặt chân đến. Duyên kỳ lạ, đó cũng là những ngày tháng tư, đất nước thống nhất nhưng biết bao số phận vẫn chưa thể gặp lại nhau. Trong đó có tôi và anh.
Ngày tái ngộ hàng năm cả hai chúng tôi đều chọn mặc đúng chiếc áo ngày anh trao phong thư, trao cả mối tình tha thiết. Và luôn luôn phải có cành ngọc lan. Anh bảo, ngọc lan có gì đó giống như người con gái anh yêu. E ấp mà nồng nàn, một vẻ đẹp mà anh cất giữ trong tim trong suốt cả thời trai trẻ, trong những đêm dài hành quân nung nấu. Nhưng không phải vì bồn chồn nhớ mắt người yêu, tôi đùa anh thế. Vì cả hai chúng tôi đều chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Đình Thi đã được học từ những năm phổ thông. Năm nay, thì không có ngọc lan nữa rồi…”, giọng bà nghèn nghẹn.
Tôi gần như nín thở, không muốn nghĩ tiếp lý do người khách già của tôi lẻ bóng. Tôi bỗng thấy những gì mình từng viết sao mà nhạt nhẽo. Cuộc đời rộng lớn và đầy ắp những bất ngờ lấp lánh. Có lẽ tôi cứ yên phận làm ông chủ hờ của một khách sạn nhỏ. Vậy thôi.
Truyện ngắn của SONG MỘC