Minh họa của MINH SƠN |
Buổi sáng, Quân bơi chiếc xuồng chở phân tro từ bên kia sông về nhà bón cho luống rau mới trồng. Trời se lạnh. Những ngày này, ngọn gió bấc bay về cựa mình trên đọt cây, gió rít vào những mái nhà lá vắng tanh nằm xiêu vẹo quanh mép cồn mà cánh cửa đã đóng kính tự hồi nào không biết, có căn nhà lau sậy mọc xiên vách lá, chái bếp đổ tháo vì sự băng hoại của thời gian.
Nghe rục rịch dưới mé sông, thằng Mậm chạy xuống rồi đứng tần ngần nhìn cha. Thằng nhỏ rất nhạy, không biết là tại tuổi hay bởi đợi chờ đã trở thành thói quen của Mậm từ khi Tươi - mẹ nó còn ở nhà. Mỗi lần nghe Tươi cập xuồng dưới bến, nó lại chạy xuống mừng mẹ. Đã lâu rồi nó không nghe cái âm thanh quen thuộc, tiếng dầm khỏa nước, tiếng mũi xuồng khẽ va vào gốc cây một nửa bám đất, một nửa trờ ra ngoài sông. Mấy lần gió giông, Quân cứ tưởng cội cây sẽ đổ ầm xuống nước. Nhưng không, qua bao tháng năm rễ cây cứ khỏe khoắn đâm sâu vao lòng đất. Cây giữ bờ sông, giữ mảnh đất cồn khỏi bị sóng đánh lở loét như những vụ sạt lở cuốn trôi bao mái nhà bình yên, lô xô người với người, nụ cười và nước mắt.
Chỉ có lòng người đổi thay.
Quân ứa nước mắt khi nhìn cái dáng hình lùi lũi của Mậm. Đứa trẻ ấy, bảy, tám tuổi chỉ biết gọi “Cha ơi”, còn “Mẹ ơi” thì mãi nó vẫn không thể mở miệng mà gọi được. Buồn thì nó khóc, vui thì nó cười, cũng có khi nó cười mà nước mắt chảy ròng ròng, thương đứt ruột. Đêm đêm, Quân bắt chước nàng Vũ Nương trong câu chuyện hoang đường xa xưa trỏ tay lên vách bảo chiếc bóng đó là mẹ của Mậm. Thằng nhỏ lắc đầu, òa khóc, nó tức mình không thể nói được nên vò đầu bứt tóc, xanh xám mặt mày. Quân dỗ mãi Mậm mới nín.
Mấy mùa mưa đi qua nhà dột cột xiêu. Quân gửi con cho người đàn bà nhà cạnh bên trông chừng rồi đốn cây thay cột, xé lá dừng vách, chầm lá lợp lại mái nhà. Mấy lần Quân sửa sang như thế. Có lúc Quân giận lòng định thôi không sửa nữa, chừng nào nhà sập thì bồng con đi luôn, đi mãi không bao giờ quay lại cái xóm cồn buồn bã này nữa. Nhưng rồi thôi. Xóm cồn đọng lại trong Quân những mảng kí ức vui buồn đan xen, mà buồn nhiều hơn vui. Buồn thì Quân vịn vào những hồi ức tươi vui mà sống tiếp, mà nuôi con, mà đợi Tươi về.
- Đất quê ai nỡ bỏ? Quân hỏi vậy. Chắc đó là cách Quân dằng lại lòng mình khi những chuyến đò cứ lần lượt chở người rời khỏi xóm cồn ra đi biệt xứ.
Mà có khi Quân ở lại cũng vì chữ “đợi”.
***
Chiếc đò dọc đưa đám con gái sang sông. Trưa nắng nắc nẻ đất cồn, sông rào rạt sóng.
Đi “coi mắt”. Quân nghe mấy người bạn nhậu cùng chiều hôm trước nói vậy. Cuộc “coi mắt” diễn ra sang trọng và chu đáo như một cuộc xem hàng trước khi quyết định mua hay không. Đám con gái mặt mày lớ ngớ, đi cho người ta coi mắt còn mặc cái áo dính mấy bệt sình non, ngó mà nửa giận nửa thương. Biết đâu họ cũng khát khao kiếm tìm một cuộc đời sung túc.
Nhìn cuộc đi ấy, lòng Quân nóng ran. Quân bồng thằng Mậm xuống mé sông chỉ tay về phía chiếc đò dọc đang xé sóng tiến về bên kia bờ đất. Quân định nói với cu Mậm hồi đó mẹ mày cũng đi như vậy đó, bỏ mày. Nhưng rồi lại thôi. Con nít có biết gì đâu mà buông lời cay đắng. Quân tặc lưỡi.
Lúc Tươi ra đi cũng bình lặng như bao cuộc đi khác. Buổi sáng Tươi còn ở nhà, còn đon đả ra luống hái rau muống đem vô xào mỡ tỏi cho Quân ăn mát ruột. Trời hanh nóng. Lúc Quân xuống bến sông nhổ dầm bơi xuồng qua bên kia chở nước Tươi còn đứng ngơ ngẩn trên bờ, phủi mấy hột mồ hôi, dặn với:
- Dìa sớm sớm nghen, cha thằng Mậm. Tiếng Tươi thiệt hiền!
Vậy mà tới lúc Quân về không thấy Tươi đâu. Quân tưởng Tươi đi đâu đó trong xóm chưa về. Mà lạ thật, từ nào tới giờ Tươi đâu có bỏ con ở nhà một mình mà đi. Quân ẳm thằng bé lật đật đi qua nhà hàng xóm tìm Tươi. Khắp xóm cồn không có Tươi. Quân hốt hoảng. Tươi biền biệt từ đó.
Mãi đến giờ Quân cũng không quên chuyến đò đi ngược chiều Quân. Chiếc đò chở bao nhiêu người Quân không rõ, lúc Quân về xóm cồn thì đò rẽ mũi qua bờ bên kia, Quân thoáng trông thấy bóng dáng những người phụ nữ ngồi trên đó, ngoảnh lại hoặc lờ đi, hoặc dửng dưng như chưa từng để lại một điều gì quan trọng nhất. Chuyến đò ngược chiều với Quân thấp thoáng hình ảnh của Tươi mà lúc đó Quân không nhận ra, hoặc nghĩ rằng đó là người đàn bà có vóc dáng giống Tươi, tóc dài khiến Quân xao động. Bởi vì chưa bao giờ Quân nghĩ Tươi sẽ ra đi. Chưa bao giờ…
Người ta tếu táo gọi xóm cồn là “đảo Đài Loan”. Nghe vậy ai không bực dọc. Cái xóm nhỏ đã từng rất bình yên, êm ấm, với những mái nhà đong đầy tiếng cười. Rồi xóm cồn vắng tanh. Con gái còn son hay phụ nữ có chồng còn nhan sắc dần dần rời xóm mà đi. Ai cũng mộng mơ có chồng Đài Loan, giàu sang, sung sướng, mỗi tháng đều đặn gửi tiền về nhà. Mỗi lần về nhà có kẻ đón người đưa, bước xuống xe hơi, mặc váy áo lộng lẫy. Xóm rồi sẽ nể. Không còn cái cảnh áo lấm bùn, tay chai mặt nám, làm lụng còng lưng cũng không đủ cơm no áo ấm lấy đâu chải chuốt bản thân, xuân thì vội vã trôi đi. Nghĩ cũng tội.
Đàn bà “xuống sắc” trong xóm vẫn thường réo nhau ra bến nước, túm tụm bàn chuyện.
- Mèn ơi, phải chi tui còn chút nhan sắc thì tui đã đi lấy chồng Đài Loan, kiếm chác gửi dìa nhà rồi chứ đâu sống cảnh khổ sở như vầy. Một người đàn bà nói trổng.
- Thôi thôi, sống đời yên phận cho lành. Bon chen làm chi, bỏ chồng con, tội nghiệp.
Đàn ông nghe vợ mình nói vậy, lập tức nhậu say rồi thẳng tay đánh đập, bảo đàn bà có chồng mà lòng dạ để ở đâu. Nghèo nghèo vậy thôi chứ có đói rã ruột ngày nào đâu mà đánh đổi cái nghĩa tào khang.
Cũng như những người đàn bà khác, Tươi đi không về. Không ai biết họ lưu lạc phương nào, cuộc sống ra sao, mà thảm cảnh mong ngóng đợi chờ và không khí buồn bã cứ phủ trùm lên cái xóm này từ thuở người ta gắn cho cái mác: “Đảo Đài Loan” - đảo của những người ôm ấp giấc mộng đổi đời, khát khao ấm êm hạnh phúc.
***
- Mình đi tìm mẹ đi cha. Đi tìm mẹ về để mẹ nấu cơm cho cha con mình ăn mỗi ngày. Để mẹ hát ru con ngủ. Đi tìm mẹ… để mẹ ôm con mỗi đêm. Gió xứ mình cấp rày lạnh lẽo quá…
Mậm đã nói với cha như vậy, trong buổi sáng xóm cồn ngập nắng, nhưng gió lạnh. Nó không biết là tháng mấy. Ngoài trời gió rít. Sông vẫn cứ chảy. Cồn lênh đênh.
Mậm nói rồi khóc mướt rượt. Lần đầu tiên trong cuộc đời nó đã nói nhiều như vậy. Không biết cha có nghe rõ từng lời hay không mà cha trờ tới ôm chặt như thể khiến Mậm không thở được.
- Con ơi, con… nói… được rồi à! Quân lắp bắp.
Vì mấy năm qua Mậm không thể nói những gì nó suy nghĩ. Mẹ đã cướp đi tuổi thơ ấm áp của nó. Mẹ gieo cho nó những nỗi buồn và rồi hận mẹ đến không nói được nên lời.
Sự thù hận đay nghiến tâm hồn, khiến nó càng gai góc.
Nhưng Quân không dẫn Mậm đi tìm mẹ nó.
- Trời ơi, sao vậy cha, mẹ con khổ lắm! Bộ cha không thương mẹ hay sao?
Mậm trách và khóc. Quân im lặng một lúc rồi thì thầm vào tai con, bình thản:
- Sau này con sẽ hiểu.
Mậm cứ tiếp tục trách cha. Hận thù đã từng khiến tâm hồn nó tê dại, chẳng lẽ cha cũng bị tê dại vì những thù hận của riêng mình. Quá khứ sẽ ngủ yên, chỉ có hiện tại là đáng trân quý. Thứ tha cho nhau là điều mà mỗi người cần dành cho nhau trong cuộc đời.
***
Chiều hoang hoải. Mậm trở về nhà thấy mẹ đang đứng trong bếp lúi húi nhen lửa, vo gạo nấu cơm. Nó nấp vào trong sau cánh cửa gỗ, nhìn mẹ. Trời ơi, là mẹ. Mẹ đã trở về, mẹ là những công việc mà bấy lâu nay cha thay mẹ làm, cha đợi mẹ về. Hóa ra, cha không đi tìm mẹ là vì cha luôn rộng lòng bao dung đợi mẹ quay về. Cha thứ tha cho mẹ. Nó cần có mẹ. Nó gọi mẹ, tiếng nó xé nát không gian. Mẹ - cái tiếng ngắn gọn, đơn giản mà thiêng liêng vô ngần.
Mẹ ôm Mậm vào lòng, nước mắt mẹ rỏ xuống vai nó, ướt đẫm.
- Mẹ ơi, ở lại với cha con con luôn nghen mẹ. Đừng đi nữa. Ba người mình là một gia đình, con cần có mẹ… Mậm khe khẽ.
Mẹ nó gật đầu. Nó nhận ra mẹ vẫn tươi trẻ và xinh đẹp như thuở xa xưa. Dù ấn tượng của Mậm về gương mặt mẹ lúc ấy đã phai dần theo năm tháng…
Truyện ngắn của: HOÀNG KHÁNH DUY