Phạm Thị Ngọc Liên: Hoa sữa nồng nàn
Nếu để kể về một nữ nhà thơ Việt tài sắc, có những áng thơ tình mang phong cách hiện đại, mãnh liệt mà cũng rất tinh tế, sâu lắng, tôi nhớ ngay đến nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên. Có lẽ bởi chị đã từng trải qua nhiều vai trò như diễn viên điện ảnh, ca sĩ, biên kịch, phóng viên, biên tập viên một số báo và tạp chí… nên có một vốn sống phong phú, thú vị tạo nên một phong cách viết tươi trẻ và cuốn hút đối với nhiều thế hệ người đọc.
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên (Ảnh FB) |
NGƯỜI PHỤ NỮ GỐC HÀ NỘI LẬP NGHIỆP Ở SÀI GÒN
Là người gốc Hà Nội và định cư tại Sài Gòn, Phạm Thị Ngọc Liên đã khiến những người đồng cảnh với chị như tôi, được đắm mình vào nỗi nhớ Hà Nội trong hương hoa sữa, giữa trăng lạnh và sương mờ và cả những khoảng lặng của đêm Hà Nội trong Im lặng đêm Hà Nội - một bài thơ nổi tiếng của Phạm Thị Ngọc Liên được in trong tập thơ “Thức đến sáng và mơ” năm 2004. Tập thơ này cũng đã được nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh:“Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn/Trong căn phòng nhỏ bé/Đêm cuối thu trăng nhạt/Sương mù/ Chỉ còn hơi ấm mối tình đầu/Anh đi có đôi lần nhìn lại/Chỉ còn em/Im lặng đến tê người”. Nhạc sĩ Phú Quang kể rằng: Ông phổ nhạc bài thơ này khi tìm được sự đồng cảm đến “tê người” từ những câu thơ cuối cùng của bài thơ. Ông đã xin phép nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên cho sửa lại từ “chơ vơ” thành “ngây ngô” còn giữ lại nguyên lời thơ. Bài hát được xếp vào hàng những sáng tác hay nhất về Hà Nội và luôn được những giọng ca nổi tiếng lựa chọn biểu diễn trên các sân khấu lớn.
Thơ Phạm Thị Ngọc Liên luôn toát lên thần thái của người Hà Nội: Sang trọng, mộng mơ và nhuần nhị: “Những mái tình ngủ quên trong sương/mơ về nắng ấm/thành phố như chiếc dù xanh lồng lộng/tháng chạp bao nhiêu chồi non/Thành phố vỗ tay tiễn đưa giá rét/mơ màng một vòng tay lụa nắng/tháng chạp mềm như chiếc hôn” (Thành phố tháng Chạp)
NGƯỜI PHỤ NỮ LUÔN HẾT MÌNH TRONG CÔNG VIỆC VÀ TÌNH YÊU
Phạm Thị Ngọc Liên từng theo học các trường đại học Vạn Hạnh, Văn khoa, Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Chị từng tham gia đóng phim, dạy đàn piano, viết một số kịch bản chuyển thể… Năm 17 tuổi Phạm Thị Ngọc Liên đã bắt đầu sự nghiệp làm báo và đảm nhiệm các vai trò phóng viên báo Tin sáng, biên tập viên tạp chí Văn, báo Công an TP Hồ Chí Minh, Tiếp thị & Gia đình… Kể như thế để thấy chị là một người phụ nữ hiện đại, sống và làm việc hết mình và đáng kể nhất là yêu mãnh liệt, yêu đến cùng kiệt. Điều này thể hiện rõ nhất trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên: “Em muốn được như con chim kia trong bụi mận gai/ngửa cổ hót vào cái chết/Thoả nguyện đến vô cùng tình yêu thăng hoa bất diệt/con chim nhỏ sôi nổi vĩnh biệt/bằng tiếng hót máu/để lại trái tim nụ hôn” (Tiếng hót)
Người đàn bà thông minh và tài hoa ở chị luôn khao khát được tự do, được là chính mình, thoát ra khỏi những trói buộc “yêu anh giận anh tha thứ anh/em mệt nhoài kiệt lực/Để yêu anh/em phải nhốt em trong rọ/như nhốt con cá đừng cho bơi tung tăng/như nhốt con chim đừng cho bay vun vút/nhốt tiếng khóc nhốt tiếng cười/nhốt bình minh nhốt đêm tối/nhốt tự do” (Điều khác).
Đọc thơ, văn Phạm Thị Ngọc Liên ta luôn gặp người đàn bà của thời hiện đại, không phải vay mượn cảm xúc, để tìm chút bình an giả tạo. “Không yêu” là một trong những bài thơ tôi thích nhất của Phạm Thị Ngọc Liên.
“Cố gắng nghĩ đến một chi tiết đáng yêu để yêu/những chi tiết rất đời thường/anh chưa bao giờ làm em khóc…/Bên hồ serenata thả từng giọt vào đáy cốc/màu môi hay màu áo trong đêm/tưởng tượng một ánh mắt đồng lõa/anh đáng yêu vậy mà sao em không yêu/đành hẹn lại kiếp sau anh nhé/kiếp này em bận rồi/Lại nhớ về hơi ấm của một người đang ở rất xa/người luôn làm em khóc/Giả vờ cười nói giả vờ bận rộn/thôi anh về đi em có bạn/nhói lên cảm giác hối lỗi khi anh quay lưng/giọt serenata cuối cùng/vừa nhỏ xuống”(Không yêu)
Ở đây là sự chọn lựa của người phụ nữ, cũng là sự dằn vặt của sự thật và giả dối với chính mình. Đôi khi những người làm mình khóc lại là những người làm mình nhớ đến quay quắt, yêu đến dại khờ để rồi từ chối cả những tình cảm rất “đáng yêu” của người đàn ông khác. Thôi thì có lẽ hẹn nhau kiếp sau vì “kiếp này em bận rồi” bởi trái tim không đồng điệu dù kèm theo “nhói lên cảm giác hối lỗi khi anh quay lưng”: Sự chối từ ý nhị, tràn đầy nữ tính của người đàn bà “không yêu” khiến người đọc cũng rưng rưng nghẹn ngào, tiếc nuối!
Trong một lần phỏng vấn, Phạm Thị Ngọc Liên giãi bày: “Để viết nên một bài thơ tình thật truyền cảm, đôi khi chỉ cần “một tích tắc yêu” cũng đủ, miễn là tích tắc đó đào được cảm xúc yêu của bạn sâu đến tận chân tơ, kẽ tóc”.
Thơ tình Phạm Thị Ngọc Liên dù có đủ cả khổ đau, cô đơn, nuối tiếc nhưng xuyên suốt vẫn là sự lạc quan, khát khao và tin yêu về con người và tình yêu. Đó cũng là đặc điểm nổi bật của người phụ nữ thành thị thời hiện đại như chị tự nhủ: “Hãy thổ lộ bằng trái tim nguôi ngoai/Làm mềm ẩm ức/để suốt cuộc hành trình chỉ còn điều duy nhất/trồng hoa trên con đường ta dẫm chân lên…” (Con đường).
VŨ THANH HOA