Trong tổ chức thư viện, trưng bày sách lưu động là hoạt động thường xuyên nhằm giới thiệu sách mới, sách hay, lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc đến mọi người. Tuy nhiên, cách trưng bày sách lưu động thế nào để lôi cuối bạn đọc không phải thư viện nào cũng dày công đầu tư thực hiện.
Thư viện huyện Châu Đức không chỉ trưng bày sách lưu động vào các dịp kỷ niệm lễ lớn trong năm như: 30-4, 19-5, 22-12, Tết… mà từ năm 2017, mỗi tuần, Thư viện đều tổ chức 1-2 đợt đưa sách đến các trường TH, THCS trên địa bàn. Trong tháng 12-2018, tôi ngẫu nhiên 2 lần được dự trưng bày sách lưu động do Thư viện tổ chức ở 2 trường học trên địa bàn. Buổi phục vụ sách còn lồng ghép hoạt động đố vui về sách và nhiều trò chơi rèn luyện trí nhớ, sự nhanh trí và kỹ năng đoàn kết đồng đội cho HS như: rung chuông vàng, giải đoán ô chữ, chuyền sách và nhớ tên sách, vẽ tranh, tô màu, cuối cùng là phần giới thiệu sách.
Những câu hỏi về tác phẩm văn học như: “Một tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi, truyện xoay quanh thiên nhiên và con người Nam bộ và được chuyển thể thành phim”- thưa cô là “Đất rừng Phương Nam” hay “Cuốn sách này rất quen thuộc với thế hệ học trò, được chuyển thể thành phim của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tên sách được bắt đầu bằng chữ K”- thưa “Kính vạn hoa” ạ; “Tác phẩm của nhà văn Phùng Quán, xoay quanh ba nhân vật chính gồm: Mừng, Quỳnh Sơn Ca và Lượm” - thưa cô là tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội”… được các em trả lời vanh vách.
Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều đáp án sai nhưng nét lí lắc, hồn nhiên của các em khiến niềm vui, tiếng cười vang rộn khắp sân trường. Xúc động nhất là khoảnh khắc các em túm tụm dưới sân trường say mê đọc từng trang sách do cán bộ thư viện trao tận tay. Tôi tin, không chỉ mình tôi mà rất nhiều người đã lâu rồi không nhìn thấy hình ảnh lũ trẻ xúm xít khoe, đọc và kể cho nhau nghe câu chuyện hay trong cuốn sách vừa đọc được mà thay vào đó là nhan nhản những đứa trẻ cắm cúi bên ipad, smartphone, tivi chơi game hay xem những bộ phim hoạt hình kỳ dị.
Bà Nguyễn Thị Thiên Mai, Giám đốc Thư viện huyện Châu Đức cho biết năm 2018, thư viện đã tổ chức 60 đợt trưng bày sách lưu động đến trường học các cấp trên địa bàn huyện với tần suất luân phiên từ 1 đến 2 trường/tuần. Qua hoạt động trưng bày sách lưu động, thư viện đã giới thiệu hơn 27.500 đầu sách đến HS, cấp 5.400 thẻ thư viện miễn phí cho các em. Sang năm 2019, Thư viện huyện Châu Đức còn xây dựng kế hoạch đưa sách vào trường mầm non bằng cách chuyển tải nội dung, nhân vật dưới dạng múa rối (rối tay hoặc rối người) nhằm kích thích sự hứng thú, hình thành thói quen đọc sách từ lứa tuổi mầm non.
Số liệu về đầu sách luân chuyển trong năm, giới thiệu đến bạn đọc được bao nhiêu đầu sách mới, lượng thẻ thư viện phát hành tăng hơn năm trước, kế hoạch phát triển văn hóa đọc cho năm sau… Những con số liệt kê để báo cáo ấy thư viện nào cũng làm được vì chẳng ai kiểm chứng độ chính xác cả. Thế nhưng, cách làm kiên trì, bền bỉ, miệt mài đưa sách bám trường, bám lớp, bám HS của Thư viện huyện Châu Đức nhằm đưa tri thức từ sách thấm vào mỗi người, thôi thúc HS tìm đến sách, đọc và làm giàu vốn sống từ sách rất đáng để các thư viện, nhà sách khác học hỏi, nhân rộng, nhất là trong thời buổi văn hóa đọc mai một trầm trọng hiện nay.
MINH HIỀN