Vào mỗi dịp lễ, Tết, đến Nhà Lớn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), du khách sẽ bắt gặp hình ảnh các cụ già râu tóc bạc phơ, bận áo dài đen, đầu đội khăn vấn, miệt mài viết liễn trên những tấm phản gỗ sáng bóng theo thời gian.
Các ông đồ viết liễn tại Nhà Lớn Long Sơn. |
LỜI HAY, Ý ĐẸP
Những ngày cuối năm, đến Nhà Lớn Long Sơn, du khách chứng kiến hình ảnh văn hóa đẹp của những ông đồ đang say sưa viết liễn. Mới 7 giờ sáng, các ông đồ đã khăn áo chỉnh tề, sửa soạn bút, nghiên, giấy, mực… Ông Nguyễn Văn Bảo, 79 tuổi, đã có 49 năm viết liễn, cẩn thận vuốt từng tờ giấy điều cho vuông vắn, sắp gọn gàng phía trước các ông đồ khác. Trên tay mỗi người là một cuốn sổ ghi chép những câu đối bằng chữ Nôm. Ông Bảo đọc lớn một câu đối: “Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ/Nhơn sanh bá đạo hiếu duy tiên” (tạm dịch: Trời đất có 4 mùa, mùa xuân đứng đầu/Con người có trăm hạnh, hiếu hạnh là trên hết). Ông Bảo giải thích, những câu đối của Nhà Lớn đều hướng đến nhân-lễ-nghĩa-trí-tín; nói về không khí vui vẻ, về con người, cảnh đẹp, những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống.
Hình ảnh những ông đồ tỉ mỉ từng động tác chấm mực, nắn nót “vẽ” chữ đã mang đến sự thích thú cho khách tham quan. Anh Nguyễn Bá Tùng (163/22, Hoàng Văn Thụ, phường 3, TP.Bạc Liêu) chia sẻ, mỗi năm, gia đình anh đều đi du lịch Vũng Tàu và đây là lần thứ ba anh đến Long Sơn. “Lần này tôi thật may mắn khi đến Nhà Lớn đúng lúc các ông đồ viết liễn. Hai cháu nhà tôi được ông đồ tặng chữ về treo nên thích lắm. Còn tôi thì được tặng câu đối: “Tứ thời hòa khí xuân thường tại/Nhất thất an cư khánh hữu dư” (tạm dịch: Bốn mùa không khí bình hòa nhưng mùa xuân là mùa mát mẻ nhất/Xuân đến chúc cho nhà nhà bình an, khỏe mạnh, may mắn) để về treo ngay cửa phòng khách”, anh Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, chị Huỳnh Như Ý (tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) thì rất vui khi nhận được đôi câu đối: “Đông - Tây - Nam - Bắc tài nguyên tựu/Xuân - Hạ - Thu - Đông lợi đường thông” (tạm dịch: Đông - Tây - Nam - Bắc ai có cái gì cũng mang đến tụ họp/Xuân - Hạ - Thu - Đông mọi đường đi đều thuận lợi). Chị rất tâm đắc và hy vọng đôi câu đối sẽ khiến việc kinh doanh thuận lợi, hanh thông trong năm mới.
Được biết, những câu đối ở Nhà Lớn Long Sơn đều là những lời hay, ý đẹp, có nội dung giáo dục, phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên. Chẳng hạn, trong nhà hậu ở Nhà Lớn có dán câu: Thiên tăng tuế nguyệt nhơn tăng thọ/Xuân mãn càn khôn phước mãn đường (tạm dịch: Trời thêm tuổi, người thêm sống lâu/Mùa Xuân đến phước lộc đầy nhà)...
Các em nhỏ tham gia chương trình Tết yêu thương chăm chú xem ông đồ viết liễn tại Nhà Lớn Long Sơn. |
LƯU TRUYỀN CHO THẾ HỆ SAU
Ông Võ Văn Bông, 60 tuổi, người hơn 20 năm gắn bó với việc viết liễn cho biết, tục viết liễn ở Nhà Lớn có từ hơn 100 năm nay, kể từ khi ông Lê Văn Mưu (ông Trần) cùng gia quyến đến Long Sơn khai hoang lập làng, thể hiện nét đẹp bản sắc văn hóa Long Sơn. Tín ngưỡng Ông Trần là tổng hợp nhiều đạo giáo khác nhau: Đạo Phật, đạo Nho giáo, đạo thờ ông bà tổ tiên… Đạo làm người trong tín ngưỡng Ông Trần được con cháu truyền từ đời này sang đời khác. Sau khi Ông Trần mất đi, con cháu và tín đồ vẫn duy trì tập quán cũ, trong đó có tục viết liễn đón Xuân… “Trước giờ viết, các ông đồ trang trọng lên điện thắp nhang “kỉnh” (cúng) Ông, sau đó thành tâm mà viết. Mỗi năm, Nhà Lớn có 3 kỳ viết liễn và dán liễn vào các dịp Lễ Vía Ông (20-2 âm lịch), lễ Trùng Cửu (9-9 âm lịch) và Tết Nguyên đán. Hàng trăm câu đối được dán lên cột, cửa Nhà Lớn, thay thế những câu đối cũ”, ông Bông nói.
Ông Nguyễn Văn Giáp, 77 tuổi, học chữ Nôm khi mới ngoài 20. Hồi đó, ông chủ yếu học Tứ Thư Ngũ Kinh và học thuộc lòng rồi viết liễn riết thành quen. “Viết liễn đòi hỏi tính kiên trì, khi đã thuộc mặt chữ sẽ “biểu diễn” nét chữ bằng cách nhấn hay đặt nhẹ đầu bút lông để chữ đậm, nhạt hoặc “bay” bổng theo ý muốn của người viết. Tuy nhiên, muốn liễn đẹp thì nét chữ cần phải ngay hàng thẳng lối”, ông Giáp nói.
Theo bà Lê Thị Kiềm, cháu đời thứ tư của ông Lê Văn Mưu, mỗi dịp Tết về, Nhà Lớn tổ chức viết 188 tờ liễn vuông, hơn 60 tờ ngang, 300 đôi liễn dài… Hiện nay, xã Long Sơn chỉ còn khoảng chục người lớn tuổi có thể viết liễn. Vì vậy, những ông đồ này thường xuyên tìm kiếm những người theo tín ngưỡng Ông Trần, hiểu và đam mê viết liễn để truyền dạy cách viết. “Chúng tôi đã chọn được khoảng 20 thanh, thiếu niên biết viết liễn. Mỗi dịp lễ, Tết, những em nhỏ thì phụ việc pha mực, rọc giấy, người lớn hơn thì học chữ, hoặc tham gia viết chữ với các cụ đồ lớn tuổi. Chúng tôi phải tranh thủ truyền lại cách viết liễn cho thế hệ trẻ để giữ gìn phong tục truyền thống tốt đẹp của cha ông”, ông Giáp nói thêm.
Bài, ảnh: MINH QUANG