Long Sơn huyền bí
Tôi chuyển đến làm việc ở Vũng Tàu khi nơi đây vẫn là Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Có lần tôi hỏi một người bạn làm việc lâu năm ở Đặc khu về xã đảo Long Sơn, anh lắc đầu bảo, muốn sang Long Sơn phải đi thuyền, rồi lặn lội qua những bãi lầy ngập mặn. Bởi vậy, anh vẫn chưa một lần đặt chân lên xã đảo Long Sơn, dẫu nơi đây chỉ cách Vũng Tàu khoảng ba cây số theo đường chim bay.
Tiếp cận một số tư liệu địa chí, được biết, đảo Long Sơn có diện tích gần gấp đôi phần đất liền của Vũng Tàu. Long Sơn có địa hình sơn thủy hữu tình. Núi Nứa dài khoảng sáu cây số ở phía đông của đảo, giống như một con rồng xanh vươn mình ra biển lớn. Bao quanh đảo là rừng cây ngập mặn, trùng điệp, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nối liền với Rừng Sác Cần Giờ thuộc TP. Hồ Chí Minh. Những năm cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt, đơn vị đặc công nước bám trụ ở Long Sơn nhiều lần tập kích đánh sân bay và tàu chiến của Mỹ - ngụy ở Vũng Tàu, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Những thông tin ít ỏi được biết về xã đảo Long Sơn đã khiến tôi hình dung về một miền đất đầy rẫy những điều huyền bí. Năm 2002 cầu Bà Nanh hoàn thành, nối Long Sơn với đất liền, tiếp giáp xã Tân Hải, huyện Tân Thành, cách Vũng Tàu 40 cây số. Dẫu đường xá xa xôi, nhưng ngay từ những ngày mới thông cầu, tôi hăm hở làm một chuyến khám phá Long Sơn bằng xe máy. Nghe nói đi phượt sang Long Sơn, vợ tôi hào hứng đòi theo. Tôi không muốn vợ đi cùng vì ở nhà còn hai con nhỏ đang học cấp một, cấp hai, sợ chuyến đi trục trặc kéo dài sẽ không có người đón con. Vợ tôi cứ nằng nặc đòi theo, vậy là tôi miễn cưỡng gật đầu.
Bảy giờ sáng, vợ chồng tôi khởi hành. Chiếc xe máy Angle 80 mới mua tỏ ra đắc dụng, đúng như tên gọi Thiên thần may mắn. Chưa đến tám giờ sáng, vợ chồng tôi đã dừng chân trên cầu Bà Nanh. Gió thổi lồng lộng nô giỡn những áng mây trắng bồng bềnh phía chân trời. Không gian im ắng tĩnh mịch. Tôi xúc động ngắm dòng sông thao thiết chảy giữa những cánh rừng ngập mặn mênh mang.
- Cảnh đẹp quá, anh nhỉ! Nhưng mình phải đi tiếp để kịp về đón con!
Nghe vợ nhắc, tôi buộc lòng phải từ biệt cầu Bà Nanh, lên xe nổ máy đi vào xã Long Sơn. Bấy giờ, cầu mới thông nên đường sá chưa kịp hoàn thành, nhiều đoạn phải xuống xe dắt bộ. Hơn 9 giờ sáng, vợ chồng tôi mới đến khu chợ gần Nhà Lớn Long Sơn.
Trong lúc vợ tôi đang mải mê tìm mua những loại đặc sản Long Sơn như hàu, hến, cua, sò…, tôi tranh thủ vào Nhà Lớn Long Sơn. Nhà lớn Long Sơn kiến trúc theo lối cổ, nhiều dãy nhà nối tiếp nhau tạo thành quần thể kiến trúc khép kín. Một cụ già ở Nhà Lớn kể rằng, Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, quê ở làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên, nay là tỉnh Kiên Giang. Vào đầu những năm tám mươi thế kỷ XIX, ông Lê Văn Mưu đã tìm đến Núi Tượng thuộc tỉnh An Giang xin làm đệ tử Ngô Lợi - Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Vào đầu những năm chín mươi của thế kỷ XIX, cuộc khởi nghĩa thất bại, Ngô Lợi tử trận, Lê Văn Mưu cùng gia quyến và 20 đồng đội xuống 5 ghe lớn từ Hà Tiên tìm đến lập nghiệp ở Long Sơn, khai khẩn đất đai, phát triển nghề làm muối. Năm 1904 một trận bão lớn đổ vào Nam bộ. Dân ở các tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ được ông Lê Văn Mưu cứu đói, rồi nhiều người đã theo ông về đây lập nghiệp, tạo lập một vùng dân cư đông đúc ở phía đông nam của đảo Long Sơn…
Chuyến đi đầu tiên của tôi sang xã đảo Long Sơn gói gọn trong một buổi sáng nhưng thú vị, tuy còn nhiều điều kỳ bí trên đỉnh Bà Trao mà tôi chưa có dịp khám phá như cột đá thẳng đứng cao 5m, Hòn Tàu, đền thờ ông đội Nguyễn Văn Đừng, người đứng đầu cuộc khởi nghĩa chống thực đân Pháp cuối thế kỷ XIX…
Sau khi cầu Chà Và và Gò Găng xây dựng, đường từ Vũng Tàu sang Long Sơn được rút ngắn. Long Sơn cũng xuất hiện nhiều nhà hàng đặc sản nổi tiếng và trở thành một điểm du lịch ưa thích của người dân Vũng Tàu cũng như khách du lịch.
Đầu năm 2018, dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam có vốn đầu tư 5,4 tỷ USD chính thức khởi công xây dựng ở Gò Găng thuộc xã đảo Long Sơn. Trong tương lai không xa, đảo Long Sơn sẽ trở thành một khu công nghiệp hóa dầu nổi tiếng ở khu vực. Nhưng đối với nhiều người, đảo Long Sơn vẫn mang vẻ đẹp huyền bí hấp dẫn du khách bốn phương.
TRẦN QUANG VINH