Đề án Nâng cao chất lượng thành phố văn hóa ở Bà Rịa: Bộ mặt văn hóa mới đang hình thành

Thứ Sáu, 04/01/2019, 11:26 [GMT+7]
In bài này
.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân TP. Bà Rịa được nâng lên rõ rệt sau 3 năm thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng thành phố văn hóa (2016-2018). Diện mạo mới của một đô thị văn minh đang hình thành. 

Sau khi ban hành, Đề án Nâng cao chất lượng thành phố văn hóa đã được các địa phương, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa thành những việc làm thiết thực. Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao (VH-TT-TT) TP. Bà Rịa (55 Nguyễn Thanh Đằng) là một trong những đơn vị tích cực triển khai Đề án này. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, thực hiện Đề án, Trung tâm đã đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa các CLB văn nghệ, thể thao, phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân. Hiện tại, Trung tâm có 10 CLB năng khiếu thuộc các bộ môn: thanh nhạc, khiêu vũ, thể dục thẩm mỹ, taekwondo, yoga… mỗi ngày thu hút từ 300-400 người đến tập luyện. 

Người dân tập luyện thể dục tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao TP.Bà Rịa.
Người dân tập luyện thể dục tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao TP.Bà Rịa.

Quả thật, đến Trung tâm VH-TT-TT TP. Bà Rịa vào một buổi chiều, chúng tôi thấy các CLB thể thao, văn nghệ nhộn nhịp người tập luyện, sinh hoạt. Các CLB: thanh nhạc, khiêu vũ, thể dục thẩm mỹ, taekwondo, yoga…, lớp nào cũng kín người. Chị Võ Thị Băng Tâm (354 Cách mạng Tháng Tám, TP. Bà Rịa) cho biết: “Tôi tập yoga ở Trung tâm VH-TT-TT TP. Bà Rịa đã hơn 2 năm nay. Trên địa bàn có nhiều nơi dạy yoga nhưng tôi chọn học ở đây vì phòng tập sạch sẽ, giáo viên hướng dẫn nhiệt tình, lại có đông bạn bè”. Sau giờ tan học, em Nguyễn Ngọc Bảo Trân, học sinh lớp 4 trường TH Nguyễn Thanh Đằng đến lớp võ vovinam để tập luyện. “Mỗi tuần em tập 3 buổi. Vovinam giúp em nhanh nhẹn, khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn. Em còn được làm quen với nhiều bạn cùng sở thích nên rất vui”, Trân nói. 

Trẻ em học võ tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao TP.Bà Rịa.                          Ảnh: CẨM NHUNG
Trẻ em học võ tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao TP.Bà Rịa.

Ấp Bắc 1, xã Hòa Long là một trong những địa phương ở cơ sở thực hiện tốt Đề án Nâng cao chất lượng thành phố văn hóa theo tiêu chí “Giữ vững, nâng cao chất lượng ấp văn hóa”. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Bí thư kiêm Trưởng ban điều hành ấp Bắc 1 cho biết, năm 2015, toàn ấp có 21 hộ nghèo, nhiều tuyến đường đất lầy lội, nhiều nơi chưa có đèn chiếu sáng. Từ năm 2016, thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng thành phố văn hóa gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân đã thay đổi. Đến cuối năm 2018, toàn ấp chỉ còn 3 hộ nghèo. Các tuyến đường trong ấp cũng đã được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ bằng phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều hộ dân đã hiến đất, góp tiền, công xây dựng được 10 tuyến đường bê tông; góp tiền kéo điện để lắp 37 bóng đèn cao áp chiếu sáng tại 6 tuyến đường trong ấp, tổng trị giá 592 triệu đồng. “Trước khi làm việc gì, Ban điều hành ấp đều tổ chức họp dân, công khai, bàn bạc nên được người dân đồng tình, ủng hộ”, ông Phong chia sẻ.

Chợ Bà Rịa cũng là điển hình về xây dựng nếp sinh hoạt văn minh. Sau khi triển khai Đề án Nâng cao chất lượng thành phố văn hóa, UBND TP. Bà Rịa đã ban hành Đề án xây dựng chợ Bà Rịa văn minh giai đoạn 2017-2019 với các tiêu cụ thể: Người tham gia kinh doanh có trang phục gọn gàng, lịch thiệp, hòa nhã với khách hàng; Bán hàng đúng giá niêm yết; Các quầy sạp được sắp xếp ngăn nắp theo từng nhóm hàng; Tiểu thương bỏ rác đúng nơi quy định. Cán bộ, nhân viên BQL chợ Bà Rịa trong nhiệm vụ công tác hằng ngày gắn với việc tuyên truyền, vận động 451 tiểu thương có ô, sạp ký cam kết thực hiện các tiêu chí chợ văn minh. Từ đó, các chủ sạp, ki-ốt sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp, thái độ lịch thiệp, hòa nhã khi giao dịch với khách, không tranh giành, lôi kéo, lừa dối khách… 

Đề án Nâng cao chất lượng thành phố văn hóa còn được Đảng bộ, chính quyền địa phương TP. Bà Rịa lồng ghép khéo léo với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Qua thực hiện, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương được nâng lên. So với trước khi thực hiện Đề án (năm 2015), mức hưởng thụ văn hóa tăng từ 63,5% lên 69,5%; tỉ lệ gia đình được công nhận văn hóa tăng từ 97,5% lên 98,5%; dân số tham gia tập luyện thể thao tăng từ 37% lên 41,9%.

Đồng chí Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa cho biết, để tiếp tục thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng thành phố văn hóa giai đoạn 2019-2020, TP. Bà Rịa sẽ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền việc thực hiện các tiêu chí của Đề án. Các tiêu chí nâng cao chất lượng thành phố văn hóa còn được đưa vào nghị quyết của Đảng, HĐND, chương trình, kế hoạch của UBND các phường, xã gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, thành phố cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục song song với việc thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, trợ cấp xã hội, hộ nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.