Âm vang thần công Phước Thắng

Thứ Sáu, 18/01/2019, 11:34 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2019, tròn 160 năm thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên vào thành Phước Thắng - Vũng Tàu mở đầu xâm lược Gia Định (1859). Trận đánh ấy dù Triều Nguyễn không cản được vũ khí áp đảo của thực dân Pháp nhưng ý chí chiến đấu ngoan cường và âm vang từ thần công đã kìm chân đội quân xâm lược hùng hậu từ một cường quốc phương Tây lần đầu tiên tấn công vào Nam Kỳ. 

Dấu tích thần công của pháo đài Phước Thắng.
Dấu tích thần công của pháo đài Phước Thắng.

TIẾNG VỌNG LỊCH SỬ

Thành Phước Thắng - Vũng Tàu là phòng tuyến quân sự canh giữ đường thủy Vịnh Gành Rái, sông Lòng Tàu - cửa ngõ ra vào Sài Gòn. Thời Nguyễn, Vua Gia Long (1802-1819) cho xây dựng đồn lũy, tuyến công sự phòng thủ, gọi là Thủ Vũng Tàu. Năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) đổi tên là Thủ Phước Thắng. Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), vua sai quân dân Biên Hòa xây đắp đồn binh ở ghềnh đá phía trên hòn Ngọa Ngưu pháo đài Phước Thắng. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đổi là Bảo Phước Thắng. Đồn binh bố trí 6 khẩu thần công, tả hữu mỗi bên đặt 3 khẩu.

Đại bác cổ đúc bằng đồng. Đạn bằng gang, hình cầu, trọng lượng khoảng 5 kg. Súng thần công thường đặt trên bệ cố định, chỉ hiệu chỉnh được tầm và chỉnh hướng nếu đặt trên những con lăn. Tầm bắn của thần công chỉ khoảng từ 1.200m, tốc độ bắn chậm.

Muốn khai hỏa thần công, trước hết phải luồn dây ngòi qua lỗ châm lửa vào trong khối hậu. Sau đó dộng thuốc súng thật chặt vào nòng rồi cho đạn gang tròn vào. Khi châm ngòi, lửa được dẫn vào khối hậu, đốt thuốc súng cháy. Năng lượng tạo áp suất mạnh, đẩy đạn ra khỏi nòng súng và hướng đến mục tiêu.

Việc bắn súng rất phức tạp nên luôn có một cơ đội phục vụ, nào là người vận chuyển súng, mang thuốc, vác đạn, người nhồi thuốc, châm ngòi… Để có thêm uy thế, trước khi ra trận các khẩu thần công được phong hàm Tướng quân. Vào những ngày lễ, tiết phải sắm lễ vật cúng bái. Khi chiến đấu, nếu thắng trận, thần công được gia phong tước hiệu cao hơn, khi bại trận thì bị giáng chức.

Cuối năm 1858, sau khi tấn công Cửa Hàn - Đà Nẵng nhiều ngày, biết rằng nếu chiếm được vị trí này Pháp cũng không thể đối đầu với 37.000 quân lính và 400 trọng pháo canh phòng và bảo vệ cung thành Triều đình Huế. Pháp chuyển hướng xuống phía Nam, mở trận đánh mới vào Gia Định. Đầu năm 1859, một tàu pháo hạm do trung tướng đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy hộ tống 4 tàu vận tải khác xuất phát từ chuẩn bị hành quân vào đánh Gia Định. Hai đoàn tàu đều nhằm Vũng Tàu, hợp điểm tập kết vào chiều tối mùng 7 Tết (tháng 2-1859).  

Khi tới vùng biển Vũng Tàu, lực lượng tác chiến hải quân Pháp triển khai đội hình chiến đấu. Hai mục tiêu công kích chính mà địch dự định là thành Phước Thắng (tọa độ Bạch Dinh) cùng đồn binh Bãi Trước (khu Nhà văn hóa thiếu nhi và khách sạn Grand ngày nay).

Mờ sáng mùng 8 tết năm 1859, đại bác địch từ các chiến hạm đồng loạt nổ súng bắn chế áp dữ dội, xuồng chở lính thủy đánh bộ liên tục đưa quân đổ bộ tiến thẳng vào bờ biển Bãi Trước đánh chiếm và tấn công toàn tuyến phòng ngự. Quân ta lập tức chống trả quyết liệt, trên trận địa, pháo thủ của ta nã đạn dữ dội vào các các tàu địch. Theo chính sử nhà Nguyễn (Đại Nam thực lục chính biên), chỉ huy cao nhất của ta lúc đó là Lãnh binh Bùi Thỏa, võ quan đứng đầu lực lượng quân sự tỉnh Biên Hoà phối hợp cùng mặt trận Cần Giờ là quyền Đề đốc Gia Định và mặt trận Gành Rái do Tuần phủ Biên Hòa Nguyễn Đức Hoan chỉ huy.

Bộ binh ta đã đánh lùi nhiều đợt xung phong của lính thủy đánh bộ Pháp. Ý chí chiến đấu và lòng dũng cảm của những vệ binh bảo vệ Vũng Tàu đã làm địch bị tổn thất nặng, kìm chân đội quân xâm lược hùng hậu từ một cường quốc phương Tây lần đầu tiên tấn công vào Nam Kỳ.

Trên trận tuyến dài chưa tới 2 km từ thành Phước Thắng đến đầu dốc Núi Nhỏ cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt suốt ngày mồng 8 Tết dù quân đội Triều Nguyễn chỉ có chưa đầy 100 binh lính đối đầu với hơn 10 tàu và trên 2.000 binh lính Pháp.

Do lực lượng của ta quá mỏng, cơ số đạn quá ít, quân đội Triều Nguyễn thất thủ song tiếng súng thần công rền vang tràn đầy khí phách ở pháo đài Phước Thắng tết Kỷ Mùi (1859) đã trở thành dấu ấn quan trọng trong công cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.

Đạn thần công được tìm thấy tại Bạch Dinh vào năm 1994.
Đạn thần công được tìm thấy tại Bạch Dinh vào năm 1994.

PHỤC DỰNG LỄ HỘI THẦN CÔNG

Trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, Phước Thắng - Vũng Tàu nói riêng được ghi lại bằng những sự kiện oai hùng, chứa đầy máu và nước mắt của bao thế hệ cha ông trong bảo vệ chủ quyền đất nước. 

Nhằm tái hiện một phần lịch sử đó, nhân dịp Festival Biển 2006, tỉnh BR-VT đã tổ chức lễ hội bắn súng thần công bằng chính các khẩu pháo thời Nguyễn đang được trưng bày trong khuôn viên Di tích lịch sử Bạch Dinh. Sau đó, tỉnh BR-VT nghiên cứu, đúc mới 3 khẩu thần công với kiểu dáng, nguyên tắc cấu tạo giống súng thần công thời Nguyễn và phát triển nghi thức bắn súng thần công vào các sự kiện lớn.

Năm 2009, đề tài “Nghiên cứu thiết kế mô hình súng thần công và phục dựng nghi thức bắn súng thần công ở BR-VT” do TS Đinh Văn Hạnh (Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh) và Đại tá Võ Quang Hùng (Viện vũ khí thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Cơ sở phía Nam) thực hiện đã được Sở KH-CN nghiệm thu. Sau đó, Công ty CP Giải trí Thể thao Minh Đạm (thuộc Công ty CP Du lịch tỉnh) đăng ký bản quyền sân khấu hóa nghi thức, giải pháp kỹ thuật bắn súng thần công và được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) cấp chứng nhận bản quyền vào năm 2012. 

Tuy nhiên, từ năm 2014, 3 khẩu súng thần công không còn được sử dụng nữa. Nguyên nhân là do chi phí bắn súng thần công khá lớn (300 triệu đồng/lần bắn) rất khó vận động kinh phí từ xã hội. Bên cạnh đó, nghi thức, cách sử dụng súng, kỹ thuật bắn, đạn dược, khâu bảo dưỡng súng đều do Viện vũ khí, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đảm trách.  

“Hiện nay, 3 khẩu thần công đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh. Tháng 7-2019, khi Bảo tàng mới khai trương hoạt động, 3 khẩu súng trên sẽ được trưng bày phía trước phục vụ khách tham quan, tìm hiểu lịch sử BR-VT”, ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết. 

PHẠM CHÍ THÂN

;
.