Nhạc sĩ Vũ Thành An là cái tên quen thuộc với những người yêu dòng nhạc Việt trữ tình. Trong gia tài âm nhạc phong phú của mình, ông có loạt ca khúc được ông gọi là “Bài không tên”, sáng tác từ những năm 1965-1969. Những ca khúc này đến nay vẫn được công chúng yêu thích và được những giọng ca hàng đầu thể hiện.
Nhạc sĩ Vũ Thành An (phải) và ca sĩ Bằng Kiều trong một sự kiện âm nhạc. |
Nhiều năm qua, người hâm mộ nhạc Vũ Thành An vẫn đặt câu hỏi về nguyên do nào khiến có tới 50 bài hát được ông gọi là Bài không tên và những “bóng hồng” trong các nhạc phẩm của ông có thực sự hiện diện ngoài đời hay không, nhưng chưa bao giờ nhạc sĩ có câu trả lời chính thức.
Khi tuổi đã ngoài 70, nhạc sĩ mới quyết định chia sẻ câu chuyện phía sau từng ca khúc của mình. Điều bất ngờ với người nghe là “Bài không tên cuối cùng” lại chính là bài đầu tiên trong loạt những bài không tên sau đó. Nhạc sĩ Vũ Thành An kể về hoàn cảnh ra đời bài hát này: Khi mới 21 tuổi, học năm đầu trường Luật, ông để ý cô gái học năm thứ ba, đó cũng là mối tình đầu của ông. “Cô ấy học giỏi, đảm đang khiến tôi ngưỡng mộ. Nhưng vì sự thúc đẩy của gia đình, cô ấy phải đi lấy chồng. Đó là sự hụt hẫng đầu đời đau đớn của tôi”, Vũ Thành An chia sẻ.
Tác phẩm này vô tình đã gây nhiều đau khổ cho nhân vật nữ chính, ảnh hưởng đến đời sống riêng của cô ấy. Vì vậy, năm 1991, Vũ Thành An viết “Bài không tên cuối cùng tiếp nối” cũng là một phần để an ủi nỗi đau ngày xưa: “Nhớ rất nhiều câu chuyện đó, ngỡ như là ngày hôm qua/Ôi ước ao có một ngày được gặp Em, hỏi chuyện Em lần cuối cùng/Vẫn con đường con đường cũ/Vẫn ngôi trường ngôi trường xưa, mưa vẫn bay như hôm nào/Người ở đâu mình ở đây bạc mái đầu…” (Bài không tên cuối cùng tiếp nối).
Nhạc sĩ tâm sự: Tuy là những bài “không tên” nhưng hầu như mỗi bài hát đều “ghi tên” với một cuộc tình đi qua đời mình. Không đặt tựa bài vì nhạc sĩ “muốn giấu tên những người tình cho riêng mình”. Dù hầu hết mỗi bài Không tên đều gắn với một người cụ thể, một hồi ức tình yêu cùng tác giả, nhưng những người tình ấy đều được ông gọi là Em - viết hoa đầy yêu thương, trân trọng mà cũng có cay đắng, xót xa và có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ ngọn ngành từng câu chuyện phía sau từng ca từ, từng giai điệu. “Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều/Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng/Chỉ còn mối tình mang theo/Xin một lần xiết tay nhau/Một lần cuối cho nhau/Xin một lần vẫy tay chào/Thôi dòng đời đó, cuốn người theo…” (Bài không tên số 2).
“Bây giờ các bạn đó đang sống bình yên” - ông nói - nên viết rõ tên tuổi một người có thể gây xáo trộn ít nhiều đến đời sống gia đình của người đã đi qua cuộc đời mình, đó là điều không ai muốn. Qua bao năm hồi tưởng về những mối tình không trọn vẹn, ông nhìn nhận là có khi nhờ những cuộc tình dở dang, cuộc sống gia đình không hạnh phúc, êm ấm nên ông mới sáng tác được từng ấy những bản tình ta. “Một làn khói trắng ru đời vào quên lãng, nắng sầu thành hơi ấm, thơ dịu tình đau/Ngày tàn im lắng, yêu người làm tóc trắng, tâm sự rồi đêm đắng, như lệ rồi biết nhau…” (Bài không tên số 7).
Khi người hâm mộ vẫn không ngừng suy đoán những nhân vật “không tên”, nhạc sĩ mới thú nhận một phần: “Tôi chỉ có thể nói tên hai người là hai bà vợ của tôi”. Theo đó, Bài không tên số 5 ông viết dành cho người phụ nữ tên Thoa - vợ cũ. Họ có chung một con trai tên Vũ Thành Thái An - hiện có gia đình riêng ở Mỹ: “Góp hết tương lai vào tiếng/Yêu thương trao em một đời/Hãy sắt se đợi ngày tới/Mai rồi ngọt bùi sẻ chia” (Bài không tên số 5). Còn với nhạc phẩm “Đời đá vàng”, Vũ Thành An dành câu “có một lần mất mát mới thương người đơn độc” cho người vợ hiện tại của ông tên Nguyễn Thị Vân.
Người ta tìm về với nhạc Vũ Thành An không chỉ vì những mối tình si mê quyến luyến, dở dang mà còn vì thấy ở đó những hình ảnh về triết lý, về cuộc đời và phận người như “Triệu người quen có mấy người thân/Khi lìa trần có mấy người đưa…” (Bài không tên số 4).
Cuộc đời của mỗi nghệ sĩ là nguồn sáng tạo bất tận nhất cho chính tác phẩm của mình. Như một sự bù trừ, tạo hóa càng bắt họ trải qua nhiều thăng trầm thì tác phẩm của họ càng phong phú, sâu sắc và ấn tượng. Tài năng thiên bẩm đi qua những sóng gió cuộc đời, sẽ như những viên ngọc càng mài càng sáng. Đó có lẽ cũng là câu trả lời vì sao những nghệ sĩ càng có cuộc sống éo le, trúc trắc thì tác phẩm của họ càng khiến lòng người lay động.
Trong lần trở về Việt Nam gần đây và tổ chức các đêm nhạc tại hai miền đất nước, nhạc sĩ xúc động bày tỏ: “Tôi ngỡ rằng nhạc Vũ Thành An thuộc thể loại nhạc xưa, sáng tác đầu tiên của tôi có tuổi đời ngót 50 năm. Thế nhưng, tôi rất bất ngờ khi đa số khán giả thưởng thức lại là những người trẻ, số người đứng tuổi khá ít. Đi đến đâu, tôi cũng được khán giả đề nghị được chụp ảnh cùng. Tôi cảm động và nghĩ rằng, khi mình viết nhạc từ trái tim, khán giả cũng sẽ đón nhận bằng cả tấm lòng”.
Nếu các nhà thơ nổi tiếng đã góp phần để lại cho đời những bài thơ không đề bất hủ như: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Xuân Quỳnh… thì “những tình khúc không tên” của nhạc sĩ Vũ Thành An cũng đã ghi dấu vào lòng người yêu nhạc Việt những giai điệu và ca từ nồng nàn, sâu lắng, da diết trong suốt 50 năm qua.
VŨ THANH HOA