.

Đò xưa

Cập nhật: 09:57, 29/12/2018 (GMT+7)

Mùa gió bấc.

Không khí se lạnh đã bắt đầu tràn đến xóm Phù Sa, những ngọn bấc thổi xạc xào đám sậy mọc ngoài triền sông. Trời ngả bóng, Y đứng lóng ngóng cạnh giàn đậu rồng trước sân nhà nhìn mông lung. Phát hiện mấy trái đậu rồng to bằng hai ngón tay kẹp sát vào nhau, Y với tay hái xuống rồi thủng thẳng đem vào trong nhà để chiều luộc chín cho sắp nhỏ chấm nước tương ăn với cơm. Một lúc sau, Y bước xuống bờ sông đứng nhìn sang bên kia, gọi vống:

- Thu ơi, dắt em về cơm nước, lớn tồng ngồng rồi mà đi chơi miết.

Bên kia sông vọng lại tiếng Thu - đứa con gái mới lớn của Y - nhẹ nhàng như một cơn gió lùa qua cánh đồng bất tận:

- Dạ… Má đợi con chút, con về liền…

Thu dắt tay em bước xuống chiếc xuồng nhỏ đậu dưới mé sông. Ở bên sông là nhà bà nội, nhà các cô, các chú của Thu. Hai chị em vẫn thường sang nhà bà nội chơi, có khi ngủ lại qua đêm với nội đến sáng mai mới lững thững bơi xuồng về nhà. Cứ mấy hôm nội lại qua nhà thăm mấy má con Y. Lần nào qua sông, nội cũng mang xách đề huề, khi thì nải chuối, khi mấy củ khoai, mấy lon gạo, trái cà, con cá… Bà thường nói với Y: “Má con bây dọn về bển sống với tao, tao ở cũng có một mình à, ở thoi loi bên đây cực khổ đơn chiếc lắm”. Y cười: “Mấy má con con ổn hết mà má, mạnh cời cời chứ có ốm đau đói khổ gì đâu?”. 

Bà biết Y nói vậy phần vì Y ngại lời ra tiếng vào từ những người chị chồng vốn dĩ có thành kiến về Y. Miệng đời cay nghiệt biết đâu mà lường. Chẳng thà Phát có ở nhà thì hai vợ chồng dọn về ở hẳn bên sông, đằng này Phát đã đi biền biệt không về. Người già tóc bạc mà thanh xuân của Y cũng đã trôi qua tự thuở nào. Một ngày Thu nhận ra trên đầu má xuất hiện mấy sợi tóc bạc, Thu chưng hửng. Y cười hề hề mà xốn xang trong lòng. Y cũng đã già, thời gian có chờ đợi một ai, chỉ có Y là đợi chờ Phát ròng rã, từ hồi út Nhỏ còn bé xíu cho đến khi út lớn lên thừa hưởng những nét đẹp phong trần trên khuôn mặt của Phát. Cuộc đời lắm nổi chìm, Phát biền biệt như con đò rời bến sông quen bao mùa nắng mưa vẫn không quay trở lại. Xóm Phù Sa đợi Phát. Má con Y đợi Phát về để sưởi ấm căn nhà, nối lại tình yêu thương đứt quãng và minh chứng cho Y không “xung khắc” với chồng đến nỗi phải bỏ quê mà đi như lời người bên nội đồn đoán…

***

Hương rơm thoang thoảng khắp xóm Phù Sa những ngày sau vụ mùa. Chiều buồn man mác, Y đang ngồi dưới mé sông còn chồng đang lom khom trét lại cái lườn xuồng để nước khỏi chảy vào thì anh hàng xóm lân la nói chuyện. Anh xởi lởi:

- Trời đất này cấy cày sao nổi? Làm cả năm cũng có được bao nhiêu? Lúa má thất bát, cá tôm lủi đâu hết cả.

Phát ngừng tay quệt mồ hôi, cười cười:

- Biết sao bây giờ, sống ở xứ đồng thì cấy cày, nuôi tôm nuôi cá, mong con nước thuận lợi mà trúng mùa, đỡ khổ.

Người láng giềng nghe Phát nói, buột miệng:

- Cùng là hàng xóm với nhau cả, anh cũng khổ, tui cũng khổ, hay anh theo tui đi làm ăn xa, công việc nhẹ nhàng hơn là gồng mình cày cuốc, chẳng mấy chốc mà giàu.

Y bứt mấy cọng cỏ thả xuống sông rồi đứng dậy bước đến đứng cạnh bên Phát, nói nửa thật nửa đùa: 

- Anh đừng có dụ chồng tui à nghen. Chồng tui mà đi làm ăn rồi bỏ tui đi luôn giống mấy người đàn ông trong cái xóm Phù Sa này là tui không tha cho anh đâu.

Người láng giềng xụ mặt nhìn Phát, đứng nói thêm mấy câu nữa rồi bỏ về. Những bước chân hình chữ bát vằn lên trên chỗ đất bùn còn mềm nhão cạnh dòng sông. Phát quay sang nói với Y:

- Mình thiệt kỳ. Anh ấy có ý tốt giúp đỡ vợ chồng mình mà mình nói vậy sao được?

Y chau mày rồi ngoảnh mặt nhìn về phía sông. Con sông dạt dào chảy ngang qua xóm Phù Sa, chảy vào lòng những con người đã từng sống và gắn bó nơi xóm nhỏ êm đềm giữa xứ đồng heo hút. Y sợ. Ở cái xóm này, bao người đàn ông ra đi mà chưa trở lại. Họ đi làm ăn. Họ đi xuất khẩu lao động hoặc bất kỳ cuộc đi nào, vì lý do gì, cũng để lại nhớ mong và đợi chờ cho kẻ quê nhà. Đã nhiều lần Phát nói với Y anh sẽ đi làm ăn, ở lại xóm làm mãi cũng chẳng có cái ăn, nhìn vợ con thua thiệt người đàn ông bản lĩnh như Phát không cam lòng. Y ngăn: “Có gì ăn nấy, miễn vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau thì khó khăn nào cũng vượt qua”. Phát không đành lòng nhìn Y phải khổ, một túp lều tranh hai trái tim vàng chỉ còn là sự mơ tưởng viển vông. Vụ lúa xong thì Phát xới đất bỏ hạt giống của bắp, của đậu,… rồi chăm sóc, đào mương dẫn nước từ sông Phù Sa vào trong ruộng tưới tiêu. Cây bắp cây đậu đứng giữa đồng nắng gắt, nước mặn tràn về khiến chúng chết rụi, thấy mà thương. Phát không trồng thêm nữa, hai vợ chồng chỉ còn biết trông đợi vào con tôm. Tôm giống Phát mua tận xứ Bạc Liêu về thả xuống nước, chờ mãi. Tôm đi đâu biệt tăm. Con nước đi qua, đợi chờ rồi thất vọng, gia cảnh cơ hàn cái nhà màn trời chiếu đất cơ cực trăm bề, bữa đói bữa no…

Nghĩ đến đó, Phát quyết định đi theo người láng giềng. Biết đâu đổi đời?

Y nhớ lại ngày anh đi, Y đòi theo, con cái Y gửi cho bà nội sắp nhỏ trông giùm. Phát cản:

- Mình đi thì lấy ai coi sóc nhà cửa. Cái nhà không người mau mục mau hư, lạnh lẽo lắm. Còn con cái nữa, tụi nhỏ cần mình dạy dỗ. Tui đi mấy tháng tui về chứ có đi luôn đâu? 

- Biết sao yên lòng yên dạ… - Y ngập ngừng hồi lâu, nói chậm rãi - Mình đã quyết thì tui không cản nữa. Tui đợi. Con đợi mình về.

Phát nhìn vợ trìu mến rồi kéo hai đứa nhỏ vào lòng hôn thương yêu. Con đò dọc ghé bến chở mấy người đàn ông trong xóm đi làm ăn xa. Chỗ đó là nơi nào không ai biết, họ mường tượng trong đầu đó là nơi họ có việc làm ổn định, có lương hậu hĩnh để khi trở về có tiền lo lắng cho vợ con. Con đò nương theo sự chỉ dẫn của một người đàn ông lạ hoắc. Phát bước xuống đò, trên bến sông mấy mẹ con đứng vẫy tay theo, sụt sùi. Đò mất hút. Phát mất hút. Trên dòng Phù Sa chỉ còn lại những cánh sóng dập dềnh lập lờ trôi mãi.

***

Xóm Phù Sa vẫn như xưa. Căn nhà cũ có giàn đậu rồng phía trước vẫn như xưa. Con đò xưa không đưa anh quay trở lại. Y đợi, đợi từ năm này sang năm khác, nước lớn rồi nước ròng, hai đứa con Y ngày một lớn hơn, mỗi lần nhớ ba là Thu lại khóc, còn út nhỏ cứ ngây ngô hỏi hoài không biết ba đi đâu chưa chịu về với hai chị em.

Người bên nội gieo rắc vào tâm trí chị em Thu những lời không hay về Y, họ bảo: “Má mày khắc cho ba mày đi biệt xứ mới vừa lòng hả dạ, để tiện bề mèo mả gà đồng”. Tội nghiệp má, làm lụng lo cho hai đứa con đến còng lưng. Y cô đơn trên cánh đồng bất tận. Thu hiểu chuyện, cô bé không căm giận, không để bụng hơn thua. Suy cho cùng bên nội vẫn còn bà nội yêu thương hai chị em hết lòng. Bà thương Y như con đẻ, bà nói: “Con đẻ hay con dâu đều là con. Thấy bây nuôi con một mình tao rớt nước mắt. Thằng Phát nó đi đâu lâu quá, chừng nó về tao rày nó, để vợ một mình cực như con thiêu thân”. Nghe má chồng nói vậy Y cũng ấm lòng, mắt Y rưng rưng. Đêm Y ôm con vào lòng mà nhớ về Phát, mỗi ngày Y lấy que than vạch lên cây cột nhà, không biết bao nhiêu vạch chằng chịt trên thân cột, mỗi vạch là một ngày Y đợi Phát về. 

Đò xưa ở đâu?

***

Thời gian không đợi một ai, tóc Y màu mây khói.

Một buổi sáng Y đi ra ruộng nhổ mớ cỏ mọc lởm chởm trên đầm để xả nước vào thả lứa tôm mới. Út Nhỏ sang nhà nội từ sớm, Thu ở nhà lo chuyện giặt giũ, nấu cơm. Nắng lên, Thu đội nón lá đi chợ trên con đường mòn song song với dòng sông Phù Sa, chạy mãi đến cuối xóm. Bỗng Thu nghe có tiếng ai gọi mình, quen lắm. Thu ngoái lại:

- Trời ơi, Thu, phải con không Thu?

Thu trố mắt. Còn người đàn ông khuôn mặt tảo tần, rám nắng kia đang đứng trân như một pho tượng. Chợt Thu hét toáng lên, tiếng Thu bật ra cùng nước mắt:

- Ba… Ba của con đã về rồi… Ba…

Thu trách sao ba đi lâu quá không về. Người đàn ông nhắm mắt, hạt nước lăn dài. Đứa con gái còn ngây ngô quá làm sao hiểu hết nỗi đau mà ba nó chịu đựng nơi xứ người. Trong một vụ tai nạn lao động, người đàn ông khỏe mạnh năm xưa đã mất đi ký ức về gia đình, về người thân, sống như một con người hoàn toàn khác. Và rồi ông đã hồi phục, nhớ lại mọi thứ, nhớ ra mình còn vợ con ở xóm Phù Sa trong miền ký ức chắp vá loang lổ. Và ông đã trở về…

- Má ơi, út Nhỏ ơi, ba đã về với mình rồi nè. Ba đây nè. Ra nhìn ba đi má…

Y vội vã bước ra, nhìn chồng, nước mắt lưng tròng.

Sáng nay, con đò xưa đã quay về bến cũ. Trời quê đang vào mùa gió bấc, những ngọn gió cứ nhảy múa trên mái tóc bạc màu của Y và của người xưa.

Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY

 

.
.
.