Minh họa của MINH SƠN. |
Quá cái tuổi háo hức trút bỏ manh áo ướt đẫm mồ hôi mồ kê để nhảy ùm xuống sông như hồi còn trẻ nít, anh giờ giữ cho riêng mình một sự háo hức rất đỗi ngạc nhiên khác: nhìn sông. Đôi lần anh để chân trôi về xa lắc đã thầm biết anh đang đứng bên dãi dầu nước lớn, hoặc không thì cũng ngồi ngay ngắn trên ghe xuồng máy nổ mà men theo mấy khúc sông ngoằn nghèo rong ruổi lênh đênh. Cứ thế, anh thu giữ và góp nhặt từ những cuộc đi là hình ảnh của sông sâu nước đục, của những cảnh đời sinh hoạt đơn sơ phảng phất đâu đó là tuổi thơ quê cũ đã từng cưu mang.
Hồi đó, cửa sau nhà anh cũng ngó ra sông, giống như mấy căn nhà lụp xụp nằm sát mé rìa mà anh mải mê nhìn ngó. Nhà ở gần sông luôn mát, chẳng giống như mấy căn nhà nóng hầm hập mà người ta dán chặt đời mình trên phố, anh thú nhận. Tôi không ngạc nhiên khi chứng kiến đôi ba sự so sánh mỗi lần anh buột miệng vu vơ, kiểu nhớ tới đâu thì nói tới đó. Tôi chỉ ngạc nhiên là anh đã qua nửa đời người mà vẫn nhớ lâu vầy, chắc hẳn là hoài niệm của anh cũng như triều cường mấy đợt tràn hẳn lên bờ mỗi mùa nước dâng. Những mảnh nhớ rời rạc, lâu dần cũng ghép thành một bức tranh hoàn chỉnh, của sông quê.
Anh đã sống trọn tuổi thơ giữa lòng sông cũ quê cũ, nên anh biết chắc rằng nhà ai cũng có một chiếc ghe đậu phía sau nhà. Anh cũng quen với việc mỗi sáng má lại sắm cơm với nồi cá kho mặn để ba nhổ sào chạy theo con nước, quen với hình ảnh mấy đứa nhỏ trạc tuổi anh tha thẩn đội nắng hết bắt còng thì lại nhảy sông, có đứa còn lén lấy ghe chạy đi tìm mấy buồng dừa nước về uống ngọt phải biết. Đôi khi có những thứ vụt ra khỏi trí nhớ, anh lại hụt hơi đuổi theo để gom lại cho đủ đầy những mảnh rời ký ức. Bằng cách đó, anh tự buộc anh lại với quê nhà, một sợi dây vô hình được bện lại bằng kỷ niệm và không thể nhìn bằng mắt thường.
Anh nói hồi ba anh còn sống, thể nào cũng nghe từ miệng ông già dự báo về sông, không “tháng này nước lớn” thì cũng “mùa này cá đù đầy ghe”. Ngay lập tức anh nghe trong cổ họng dư vị của mấy món ăn quen thuộc sánh nơi đầu lưỡi, không phải kho muối thì cũng canh chua với đầy những giá, cà chua và bạc hà. Thảng khi đi kèm theo đó là mùi thơm bốc ra từ góc bếp khiến cho chiếc bụng sôi ùng ục. Anh chỉ tiếc là mình chẳng thể giữ lại ngôi nhà kể từ ngày các anh chị bỏ quê lên phố, mỗi người tự bươn chải trong hành trình mưu sinh. Má anh đã bán ngôi nhà mọc sát rìa sông rồi cũng chuyển lên ở cùng, sau này anh dự tính mua lại ngôi nhà lưu dấu tuổi thơ chìm nổi đó nhưng người ta đã quy hoạch mất rồi. Những ngôi nhà lần lượt bị xóa bỏ như thể chưa từng tồn tại, họa hoằn lắm còn sót lại những người lưu trữ ký ức một thời như anh giữ riêng trong vùng hoài nhớ.
Tôi luôn quan niệm trong tim mỗi người luôn chứa một dòng sông, giống như anh đã cưu mang suốt từ thời thơ ấu cho đến hiện tại. Những dòng sông trôi cùng thời gian, chỉ có hồn người vẫn còn neo lại vững chãi trên bờ quá vãng để không quên phủ nhận từng có một dòng sông chảy miên mải qua xóm cũ, nhà cũ một thời chung đụng. Đôi ba lần có dịp cùng anh lặn ngụp trong những cuộc đi mênh mông sóng nước, tôi hỏi sao anh không mua lấy một căn nhà nào đó ở những nơi từng kinh qua, cũng được bao bọc và cửa sông ngó ra sông, nhưng anh đã chối từ. Tôi nhớ từng nghe câu “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, thì với anh, cũng chẳng có con sông nào có thể thay thế con sông đang còn hiện diện trong tiềm thức. Con sông đó, đừng ngăn bít hay đắp bờ dựng cọc, mà cứ để nó trôi đi trong tâm trí, để những khi rộn lòng còn có cái mà ngó nghiêng soi lại.
KAI HOÀNG