Những năm qua, phong trào văn nghệ ở các trường học trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều giáo viên (GV), học sinh (HS). Hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhiều trường học tổ chức hội diễn văn nghệ, tạo cơ hội để GV, HS thể hiện năng khiếu ca hát về thầy cô, về mái trường…
THẦY TRÒ CÙNG CA HÁT
Cô và trò Trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Long Điền) tập múa để biểu diễn trong lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Trong 2 ngày 10 và 11-11, Trường THPT Vũng Tàu tổ chức vòng sơ khảo Hội diễn văn nghệ mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Nếu như các em HS khối 10 còn tỏ ra bỡ ngỡ khi là năm đầu tiên bước lên sân khấu của mái trường THPT thì HS khối 11, 12 lại tỏ rõ vẻ tự tin, dạn dĩ. Nhiều tiết mục múa có tạo hình đẹp, nhuần nhuyễn, giọng hát hay, chứng tỏ có sự đầu tư thời gian, công sức luyện tập. Trên sân khấu, các em HS khi thì tha thướt trong những bộ váy nhiều màu sắc, thể hiện sự năng động, tự tin của tuổi trẻ; lúc mạnh mẽ trong bộ đồng phục của anh bộ đội cụ Hồ; khi lại lãng mạn, tha thướt trong tà áo dài truyền thống cùng chiếc xe đạp và nhánh hoa trên giỏ xe.
Vừa hoàn thành tiết mục hát múa “Đất nước lời ru”, em Trần Nguyễn Gia Huy, lớp 10A6 cho biết, năm nay là năm đầu tiên lớp em tham gia hội thi văn nghệ của trường. Tiết mục có sự góp mặt của 34/48 bạn trong lớp. Suốt hơn 1 tháng qua, mỗi ngày thứ Bảy, Chủ nhật, các thành viên trong lớp lại cùng nhau tập luyện tiết mục này. “Qua những buổi tập văn nghệ cùng nhau, tụi em có dịp trò chuyện, thêm hiểu về tính cách, hoàn cảnh của từng bạn. Từ đó, tình cảm của các thành viên trong lớp cũng thân thiết hơn, gắn bó với nhau hơn”, Huy nói.
Các trường học khác, phong trào văn nghệ cũng diễn ra sôi nổi tại Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) vào một buổi sáng giữa tháng 11, cô Nguyễn Thị Vinh đang cùng các GV, HS khác tập luyện bài múa quạt để chuẩn bị biểu diễn trong lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sau mỗi tiếng hô “1, 2, 3, 4” của cô Phương, cô và trò cùng bước đi nhịp nhàng, khi thì xòe quạt che vai, lúc tạo thành đóa hoa bung nở đều tăm tắp. “Chúng tôi lên mạng tìm bản nhạc của bài “Người thầy năm xưa” tự học các động tác múa rồi 6 cô và 3 học trò cùng tập luyện. Sau hơn 1 tuần tập liên tục, cả đội đã phối hợp khá nhịp nhàng. Ngoài tiết mục chung này, mỗi lớp còn chuẩn bị 2-3 tiết mục để biểu diễn trong hội diễn văn nghệ toàn trường vào ngày 18-11 nhằm tri ân thầy cô”, cô Vinh nói.
PHÁT TRIỂN VĂN NGHỆ HỌC ĐƯỜNG
Hiện nay, hầu hết các trường học hiện nay đều có đội văn nghệ. Trường THPT Vũng Tàu là một trong những trường có phong trào văn nghệ phát triển mạnh mẽ. Cô Nguyễn Thị Huế, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong giờ chào cờ vào sáng thứ Hai đầu tuần, các lớp luân phiên thực hiện các tiết mục hát, múa nhằm hưởng ứng phong trào múa hát sân trường do Sở GD-ĐT phát động. Ngoài ra, trường có đội văn nghệ gồm hơn 30 thành viên sinh hoạt thường xuyên. Bên cạnh việc hát múa phục vụ tại trường, đội văn nghệ còn thường xuyên tham gia các hội diễn của ngành, của thành phố. “Hoạt động văn nghệ giúp HS có thêm sân chơi giải trí bổ ích sau giờ học. Ngoài ra, trong đêm chung kết hội diễn văn nghệ dịp 20-11 hàng năm, trường đều giao Chi Đoàn bán vé (10.000 đồng/vé) gây quỹ học bổng tặng HS nghèo. Như dịp 20-11 năm ngoái, từ số tiền bán vé thu được 8 triệu đồng, trường đã trao 16 suất học bổng cho HS nghèo (500.000 đồng/suất).
Trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, nhiều trường như: THCS Nguyễn An Ninh, THCS Phước Thắng, THCS Nguyễn Huệ, THCS Châu Đức… đều phát huy phong trào văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Theo đó, GV, HS và cả những phụ huynh có năng khiếu âm nhạc và đam mê ca hát tự luyện tập theo những tiết mục có trên mạng. Để nâng cao chất lượng các tiết mục văn nghệ, một số trường còn thuê biên đạo, nhạc sĩ chuyên nghiệp đến giúp dàn dựng chương trình, tập luyện cho HS. Chi phí thuê biên đạo từ 5-10 triệu đồng/tiết mục, chưa kể tiền thuê trang phục 100.000-200.000 đồng/bộ.
Thầy Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, bên cạnh việc giáo dục văn hóa, các hoạt động ngoài giờ, Sở cũng chú trọng và khuyến khích đẩy mạnh phong trào văn nghệ trong trường học nhằm khơi nguồn cho những sáng tạo nghệ thuật, đồng thời nâng cao nhận thức thẩm mỹ để HS biết yêu quý cái đẹp, hướng đến chân, thiện, mỹ. “Phong trào văn nghệ trong trường học đã tác động tích cực đến tâm hồn, tình cảm, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa HS, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong học đường. Một số trường còn tổ chức các hoạt động văn nghệ có bán vé, gây quỹ giúp đỡ HS nghèo. Đây là việc làm thiết thực, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp HS biết sẻ chia với bạn bè còn khó khăn, là những việc làm rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng”, thầy Giang nói.
Bài, ảnh: MINH QUANG