Minh họa của MINH SƠN |
Tôi và anh gặp nhau trong lớp học tiếng Anh hệ tại chức. Lớp học vào tối thứ Sáu, thứ Tảy và ngày Chủ nhật. Như nhiều lớp học không chính quy khác, tuổi tác chênh lệch, học viên chả mấy ai biết ai. Mãi năm thứ hai chúng tôi mới có dịp làm quen với nhau.
Anh đi trước, lỡ tay đánh rơi cuốn sách. Tôi đi sau, cúi xuống tính nhặt lên nhưng chưa kịp đặt tay vào cuốn sách, một bàn tay khác đã chạm vào trước, vẫn là anh. Anh mỉm cười rất dễ thương:
- Cám ơn bạn!
- Dạ! Không có gì.
- Bạn tên gì?
- Tôi tên An, có cần thiết không nhỉ?
- Chúng mình học cùng lớp mà. Mình tên Tú. Dương Hoàng Tú!
Những ngày sau đó, chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Anh luôn đến ngồi cạnh tôi trong mỗi buổi học, vốn dĩ không mấy khi đông đủ học viên và thường thì tôi ngồi ở những bàn cuối, một mình. Ngoài giờ học, thỉnh thoảng chúng tôi cùng đi cà phê, ăn kem. Tôi dần nhận ra rằng bản thân đang tồn tại thứ tình cảm gì đó như là nhớ mong. Trong giờ làm việc, tôi hay nghĩ vu vơ về anh, về những buổi đi học thêm cuối tuần. Anh không thuộc dạng công tử hào hoa vừa gặp đã làm mê mẩn nhưng cũng có sức thu hút. Tuổi của tôi và anh sàn sàn nhau, nhưng anh có vẻ người lớn, chín chắn và già dặn hơn và đã tốt nghiệp Đại học Bách hhoa, ngành Công nghệ thông tin. Tôi dặn mình đừng có trèo cao mà té đau. Dù sao cố giữ tình bạn vẫn hơn gắng tạo tình yêu để rồi ăn quả đắng khi xôi hỏng bỏng không.
Một hôm, cô bạn cùng lớp gặp tôi ở ngoài đã hỏi:
- Có phải bạn với Tú có gì không, tớ biết rồi nha!
Đúng là ở đâu đông người ở đó có... chợ. Hóa ra tôi và anh đang vô tình trở thành đề tài bàn tán của mọi người ư?
- Không, dĩ nhiên là không phải - tôi đáp vội.
- Sao thấy hai người gắn bó thế. Tuổi này kết hôn được rồi bạn.
Ý cô ta chê tôi già?!
- Ừ, luật gái 18 đã có thể kết hôn nhưng với rất nhiều người 30 vẫn cứ là quá sớm.
- Ối trời! Khó hiểu thế!
Phải! Ở tuổi 25 như tôi, nhiều người đã hai con. Nhưng hôn nhân với tôi như nồi lẩu thập cẩm phải đủ rau, tôm, thịt, cá... Tôi chưa hoàn tất món nào từ học vấn, kinh tế, sự nghiệp, nghĩa là chưa đủ các nguyên liệu thì sao mà nấu cho ngon được.
- Này... người ta đang đồn hai đứa mình yêu nhau - anh nheo mắt nhìn tôi.
- Anh mà cũng quan tâm đến mấy chuyện đó sao?
- À... không!
Tối thứ Bảy “máu chảy về tim”. Tôi không học được nửa chữ. Đêm đó tôi trằn trọc, tự trách cái tính sĩ diện của mình khi nhớ lại vẻ mặt chưng hửng của anh. Sáng hôm sau, tôi đến lớp sớm nhất, bụng nhủ thầm mình sẽ e ấp, dịu dàng, cởi mở thể hiện tình cảm của mình nhưng giờ học đã bắt đầu mà vẫn không thấy anh. Tôi lại hoang mang. Có khi nào...
- Ngồi một mình sao An?
Một giọng quen thuộc từ phía sau. Bình thường vẫn là câu chào hỏi đó. Vậy mà hôm nay nó khiến tôi giật mình quay lại. Anh mỉm cười. Nụ cười làm tôi muốn khóc. Tim tôi đập dữ dội. Tôi né sang một bên cho anh ngồi, dặn mình phải bình tĩnh.
- Sao bữa nay anh đi trễ vậy?
- Thì thỉnh thoảng chuông đồng hồ cũng chẳng đánh thức được kẻ say ngủ.
Lại ngộ nhận rồi. Các quyết tâm lập tức tan biến. Tôi cắn môi tự nhủ: Thôi, việc của mình bây giờ là học, kiếm tấm bằng để còn đổi việc. Nhất quyết không làm đề tài cho người ta buôn chuyện nữa.
Sau chuyện xảy ra tối đó, tôi và anh xa cách nhau hơn. Tôi đi học sớm hơn, có thêm bạn mới, và chuyển lên ngồi bàn trên, không ngồi cùng anh ở dưới nữa. Anh thì không biết vì lý do gì, nghỉ học thường xuyên hơn. Các tối thứ Sáu, thứ Bảy gần như không thấy anh. Những ngày ấy tôi cảm thấy rất khổ sở, muốn quay lại như trước nhưng lại sợ. Thời đó, đàn ông có công khai bày tỏ tình cảm của mình dù bị từ chối cũng không vì vậy mà xấu đi trong mắt mọi người. Còn con gái, như tín hiệu đèn giao thông chỉ bật xanh, bật đỏ, nhấp nháy mời gọi cũng dễ bị mang tiếng lẳng lơ, “trâu đi tìm cọc” rồi.
Thời gian qua đi. Tôi có thêm nhiều bạn mới. Nhiều bạn cùng lớp còn quen biết sau chúng tôi đã kịp kết hôn, sinh con. Có những đám cưới bạn chung. Khi cùng đi dự, tôi bắt gặp ánh mắt anh nhìn tôi. Tôi cảm thấy cay cay sống mũi. Sao anh không đến ngồi bên tôi, nói với tôi một điều gì đó để tôi có thể hy vọng, đợi chờ.
Ngày chia tay tới sớm hơn tôi tưởng. Dịp nghỉ tết âm lịch năm đó là năm cuối nên cả lớp tổ chức buổi dã ngoại ở khu du lịch Paradise. Chúng tôi cắm trại, đốt lửa trại trên bãi cỏ thênh thang. Đêm khuya, trời lạnh. Mọi người ngồi quây bên đống lửa kể chuyện Tết ở quê. Tôi và anh cùng tách đoàn. Trên bãi cát ầm ì tiếng sóng và lồng lộng gió, anh đã hôn tôi. Tôi không biết là do là lần đầu bỡ ngỡ hay do mình quá vụng về, nụ hôn trượt khỏi môi khiến tôi không cảm nhận được mùi vị của nó. Tôi bỏ chạy về nơi đám lửa trại đang bập bùng. Mặt nóng hơn cả lửa.
Sau nụ hôn đầu đó, chúng tôi không có thêm bất cứ điều gì nữa. Thậm chí sau đó tôi còn không gặp lại anh. Sau này, khi chia tay, tôi mới biết anh đi học để xuất ngoại chứ không phải để lấy bằng. Có những cuộc tình, chẳng có lời tỏ tình, cũng chẳng có chia tay như vậy. Nụ hôn đầu nhẹ như gió đó khiến tôi cứ tự hỏi không biết nó là thực hay mơ. Tôi không còn ở tuổi 18 nên hiểu theo thời gian mọi sự sẽ trôi qua. Chẳng có mối tình hay nỗi đau nào kéo dài mãi mãi. Những lời thề nguyền, hứa hẹn sẽ chỉ làm người ta thêm khó xử khi suy nghĩ, tình cảm, hoàn cảnh đổi thay. Để quên anh, tôi dồn hết sức vào học tập, rồi đi làm. Những khó khăn, phức tạp của cuộc sống tự lập đã khiến tôi sớm lấy lại sự cân bằng. Tuy nhiều đêm hình ảnh anh và cả những kỷ niệm cũ len lén quay về cũng khiến tôi thổn thức. Đâu phải cứ nói quên là quên ngay được.
Mười mấy năm trôi qua, như những phụ nữ khác, tôi lấy chồng. Một gia đình bình thường không có gì đáng để khoe khoang hay bàn luận. Hai vợ chồng làm công ăn lương, không nhiều yêu thương, cũng chẳng có mấy điều cãi cọ. Hai đứa con ra đời cách nhau ba năm. Cơm áo gạo tiền khiến chính tôi dần cũng cảm thấy những thứ ngày xưa mình quan tâm là phù phiếm. Chỉ có những kỷ niệm về anh và nụ hôn như gió thoảng trong đêm giáp tết năm nào chẳng hiểu sao vẫn còn chút dư vị.
Hơn mười năm dạy dưới huyện, mãi đến năm học này tôi mới xin chuyển được về thành phố. Tôi nhận chủ nhiệm lớp 6. Đầu năm công việc khá vất vả, tôi phải ghi chép thông tin học sinh. Khi mở học bạ của học sinh Dương Hoàng An có ba tên là Dương Hoàng Tú, sinh năm 1971, tôi lặng người. Linh cảm cho tôi biết đó chính là anh. Trớ trêu thay! Sau này tìm hiểu thêm tôi mới biết Hoàng An ở với ông bà nội. Vợ chồng anh đã ly hôn. Anh không ở Việt Nam. Tôi vẫn mong mình sẽ tránh được việc gặp anh. Vậy mà…
- Chào cô!
Tôi quay sang. Là anh, vẫn ánh mắt, gương mặt và nụ cười ấy, dường như không có gì thay đổi cả.
- Anh Tú!
- An... An phải không? Em về đây dạy học sao? Em khỏe chứ?
- Dạ!
Để tránh ánh mắt tò mò, tôi bắt đầu cuộc họp phụ huynh mà tâm trí cứ để đâu đâu.
Kết thúc buổi họp sớm, chúng tôi ngồi bên nhau, trong quán cà phê gần trường.
- Bao năm rồi nhỉ!? Mấy năm trước khi về Việt Nam anh tình cờ biết em dạy học ở Phú Mỹ và đã có gia đình ổn định.
- Dạ! Em lập gia đình muộn. Còn anh?
Thực ra tôi rất muốn hỏi anh dạo này ra sao, sau khi ly hôn, anh có ai chưa nhưng lại chuyển thành câu hỏi: “Anh có hay về Việt Nam không?”.
- Năm nào anh cũng về vài lần. Anh còn có trách nhiệm với… An nữa mà.
Câu nói sau của anh khiến tim tôi lại như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Bản lĩnh của một cô giáo có thâm niên hàng chục năm dạy học và của người mẹ hai con bay biến đâu mất. May thay, có tiếng chuông điện thoại.
- Xin lỗi, anh có điện thoại. “Alo. Anh nghe... rồi… anh mới về tối qua. Sáng nay anh phải đi họp phụ huynh cho thằng An, giờ anh đang ngồi nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm” - anh quay sang tôi - Đó là lý do mà anh về Việt Nam đấy, thường xuyên, tốn kém lắm nhưng cũng phải chịu. Thôi, chắc anh phải về đây. Hôm nào rảnh, gặp lại, anh sẽ trò chuyện với em. Em cho anh mượn điện thoại di động để anh lưu số của em nhé!
- À, vâng, nhưng… hôm nay em, em… quên mang máy, lại mới đổi số nên có lẽ…
- Thôi được rồi, đây là danh thiếp của anh. Lúc rảnh em gọi cho anh nha!
- Vâng, chào anh!
Anh đi xa dần. Trong tim tôi hình như có những chiếc bong bóng xà phòng đang vỡ ra. Tôi ngồi lặng đi cho đến khi nhạc chuông điện thoại reo vang trong túi. Tiếng con gái:
- Mẹ ơi, sao mẹ vẫn chưa về?
- Ừ, mẹ sẽ về ngay đây. Cám ơn con!
Truyện ngắn của: BÙI ĐẾ YÊN