Minh họa của MINH SƠN. |
1. Nhiều lần Hoang hỏi: “Cha ơi! Mẹ con đâu?”. Cha ậm ừ: “Mẹ con đi xa lắm”. Hoang lại thắc mắc: “Đi xa là tới đâu?”. Ông trầm ngâm rồi nói: “Cha cũng không biết con à. Mà con đừng có hỏi cha về mẹ nữa, nghe chưa? Nhắc hoài cha cho ăn đòn”.
Hoang vốn sợ ăn đòn nên không dám hỏi thêm gì nữa. Hoang chỉ thấy lạ khi bất cứ chuyện gì cha cũng giải thích cặn kẽ, chỉ có chuyện về mẹ thì ông giấu kín bưng. Hoang cảm giác như mỗi lần nói về mẹ là dường như cha Đen gặp phải điều cấm kỵ gì đó. Hoang không biết. Ngược lại, người trong xóm rất rõ chuyện đó. Người ta biết Hoang hồi chưa dứt sữa mẹ. Lúc đó, không biết từ đâu Hoang được mẹ ẵm về miệt Chòi Mòi. Người mẹ nói lỡ đường, ghé vào chòi Đen xin nước uống. Lại nói đi vệ sinh, nhờ Đen ẵm giùm đứa con. Sau đó, người mẹ biến đâu mất dạng làm cho cả ngày đó ông phải ẵm đứa bé, dỗ ngủ, bón cháo cho nó ăn và đợi người mẹ trẻ đó về nhận con.
Hoang còn nghe bà Bảy bán bánh dừa ở xóm trên nói, bởi vì Hoang mà ngày đó người yêu của cha đã bỏ cha. Người ấy đi lấy chồng ở thị xã, sau đó nghe đâu vợ chồng kéo nhau lên thành phố làm ăn, mua đất cất nhà ở miết luôn. Ngày đó, cha không một lời giải thích. Từ đó, cha đã dặn lòng nuôi lớn khôn đứa bé bị bỏ rơi này. Hoang đã khóc cho cha, rồi lại khóc cho mình, Hoang không biết vì sao mẹ lại nỡ rứt khúc ruột mà bỏ đi biệt tăm. Cha vẫn tưởng Hoang chưa biết gì, giữa miệt Chòi Mòi ông vẫn ngày ngày đan lát dệt chiếu và một vài món hàng thủ công để nuôi Hoang. Hoang lại nhớ những ngày mưa dầm nghe cha hát ru.
Ầu ơ…/Má ơi! Đừng đánh con đau/Để con bắt ốc… ơ hờ…/Để con bắt ốc, hái rau má nhờ/Ầu ơ…/Má ơi! Đừng đánh con khờ/Để con kéo lưới… ơ hờ…/Để con kéo lưới, đặt lờ… cho má vui.
Cái võng nằm hồi nhỏ của Hoang vẫn được cha cất giữ cẩn thận. Cái võng đó được cha đan tỉ mẩn, nó mang dáng dấp chiếc ghe bầu. Mỗi khi lên nằm phải lót cái mền mỏng, nếu không sẽ bị đau lưng lắm. Cha thắt cọng dây chuối khô làm dây đưa, ngồi cạnh đó tay thoăn thoắt việc đan lát dệt chiếu. Hoang lọt thỏm trong “ghe bầu” được cha đưa ru ngủ suốt thời thơ ấu.
Ngần ấy thời gian làm cho tuổi người thêm ngắn lại khi Hoang ngày một lớn xinh tươi ra dáng thiếu nữ, cha đã lốm đốm bạc tóc. Hoang quen thuộc với việc đạp xe chở sàng, sịa, thúng, rổ đem bán. Nhiều khi Hoang nghĩ thấy thương cha quá. Có lần Hoang nói cha nên ngưng làm, dưỡng sức nghỉ ngơi để Hoang ra góc chợ ngồi bán bánh cam, chuối chiên cũng được, hoặc để Hoang đan lát làm thay cha. Nhưng cha Đen nổi giận, vì cái nghề này đã theo ông suốt mấy chục năm rồi, tự dưng nghỉ ngang thì buồn tay chân lắm.
Thế rồi Hoang cắt rau muống đìa lén đem theo bán với những món hàng cha cặm cụi làm. Số tiền không là bao, nhưng Hoang đã có dự tính vì hôm trước tình cờ đọc ké tờ báo mà ông Hai đọc nửa chừng rồi thôi.
2. Bữa nay đợi mãi mà không thấy con bán hàng trở về, ông Đen cứ nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Ngồi thừ ra châm thuốc và nghe thời sự cho thời gian chóng qua, để cái đầu không nghĩ rối rắm. Nhưng ông lại chợt nhớ, nhớ nhất là những bữa cơm chiều có mưa bụi bay bay ngoài sân, hơi đất bốc lên nồng nồng, hai cha con ngồi bên nhau ăn cơm, Hoang rót rượu cho cha mà miệng cứ luôn lẩm nhẩm: “Thôi, bữa nay con hầu cha một xị rưỡi rượu là được rồi, chừa sức mai uống tiếp”. Đang miên man nghĩ ngợi thì bà Thu hàng xóm qua cho ông Đen hay tin Hoang gọi điện thoại về nhà bà nhờ chuyển lời cho cha Đen là nó đi xe đò với con Tím, con Lài xóm Rạch Cong lên thành phố làm mướn, có tiền kha khá tụi nó mới về. Ông Đen như bị choáng trước tin bà Thu vừa nói lại.
3. Cha Đen lật đật chạy theo bà Thu qua nhà nghe điện thoại của Hoang. Hoang nói cha đừng lo, con bây giờ đang ở quận Phú Nhuận giúp việc nhà cho ông bà chủ làm việc nhà nước. Công việc không nhiều, ông bà chủ lại rất thương con vì con thật thà, chăm chỉ. Ba ngày nữa lãnh lương. Con mót tiền để ống heo cũng kha khá. Nghe con nói mạnh khỏe, bình an, lòng ông cũng bớt lo. Nhưng vẫn mong con mau về. Ông sẽ tiếp tục thui thủi một mình bên cái nhà trống hoác. Nghe gió sông thổi thông thống.
Khi ông Đen rời nhà bà Thu để trở về miệt thương nhớ thì ông giật nẩy người trước hình ảnh một người đàn bà ăn mặc rách rưới, đầu tóc rũ rượi đang ngồi bệt trên nền đất nhà ông. Bên cạnh bà là cái võng được bà đưa lắc lư theo nhịp ru lên đồng thê thiết: Ầu ơ… Chuột kêu chút chít trong rương/Con đi nhè nhẹ… ơ hờ…/Con đi nhè nhẹ đụng giường… mẹ hay/Mẹ ơi! Đừng ngó qua đây/Để con vãi muối… ơ hờ…/Để con vãi muối… mèo đầy cơm ăn…
Sau một hồi đứng lặng, rồi ông cũng kịp nhận ra, người đàn bà ấy chính là mẹ của Hoang. Ông Đen không thể nào nhầm lẫn được. Bà nói như mê dại, rồi bà khóc hời ru con. Sau đó lầm bầm không rõ, rồi lặng lẽ rời căn nhà.
Ông Đen phả khói thuốc ngồi trên chiếc chõng tre đếm nhịp thời gian ngày rơi qua hõm mắt. Đêm chừng như xuống đã lâu.
4. Lần trước về, Hoang kể cho cha nghe đủ chuyện. Nào là bà chủ vừa đẹp người vừa tốt bụng. Bà chủ cho Hoang đi học vi tính. Rồi bà nói sẽ tìm một công việc tốt hơn cho con làm, bà nhận Hoang làm con nuôi. Đã vậy, bà chủ còn hứa sẽ tìm cho Hoang một tấm chồng, vì gia đình ông bà chủ vốn thừa tiền nhưng thiếu con cái. Họ sống yêu thương đằm thắm bên nhau là vậy nhưng lòng thì mong mỏi có tiếng u oa của con nít. Họ vẫn chưa có con.
Lần này, Hoang trở về báo tin sẽ lấy chồng thật. Lấy chồng ở thành phố đàng hoàng, có nghề nghiệp hẳn hoi. Đó là thầy dạy vi tính cho Hoang. Cha gật gù, ừ, con gái lớn thì phải lấy chồng chứ sao ở vậy hoài được. Nhưng Hoang thấy khó xử quá, bà chủ đã gọi Hoang là con nuôi, bà chủ lại tặng kỷ vật của bà hồi thời còn con gái. Kỷ vật bà, Hoang chẳng thấy đáng gì, nhưng bà đã trao cho Hoang bằng cả tấm lòng chân thành, trân trọng. Kỷ vật được bà nâng niu suốt mười chín năm. Bà nói, bất cứ vật gì nó cũng có tình cảm, nếu tình cảm không giữ được thì giữ cái xác khô héo cũng không có ích gì. Bà muốn cho Hoang hiểu rằng tình cảm con người đôi khi nó cũng như món kỷ vật này. Hãy giữ gìn, nâng niu và trân trọng nó, nếu không, nó chỉ là một thứ rác thải.
Ông Đen bất ngờ nhìn thấy kỷ vật đó rồi cứ như người mắc chứng mộng du. Hoang thấy rất lạ, khó hiểu như có lần đi xem diễn kịch câm trên thị xã. Mà chuyện đó thì làm sao Hoang hiểu được. Nó có hình dáng hai trái tim nhỏ, được đan bằng những sợi lạt tre. Ngày trước, cha tỉ mẩn làm để dành tặng người yêu. Nhưng người yêu của cha nhất quyết chia tay khi thấy Hoang xuất hiện ở miệt Chòi Mòi. Chuyện vậy rồi, ông đã cố quên thế mà vẫn có người còn luyến nhớ. Bất ngờ quá! Cha thấy khó hiểu nên tự hỏi, người ta luyến nhớ để làm gì?
Hơi đất nồng bốc lên. Tiếng muỗi lại vo ve khi chập tối về. Ông nghe mẹ Hoang kể câu chuyện không đầu không cuối, lúc tỉnh lúc mê. Câu chuyện cứ dài mãi.
Ngày đó mẹ Hoang bị gã hàng xóm rình lúc nhà vắng người, hắn qua nhà hãm hiếp mẹ. Mẹ Hoang vẫn chưa biết mình có giọt máu với gã khốn nạn ấy, chỉ biết bưng mặt khóc rồi trốn biệt xứ. Hài nhi ra đời mẹ tròn con vuông bằng tình thương của một ông bác sỹ già. Cuộc sống khó khăn, cộng với lòng thù hận khiến bà đã chối từ con gái. Ngày gặp cha Đen thì Hoang đã sống trong một thế giới khác. Hoang đã biết sự thật câu chuyện về mình, người mẹ không nhận ra con và Hoang chưa một lần dám sà vào lòng mẹ. Họ xa cách nhau quá!
Ông Đen nuốt từng hớp rượu cay nồng mà không biết có nên lên thành phố dự tiệc cưới của con gái ở nhà hàng hay không. Bởi ký ức đã nằm yên. Ông không muốn con gái lại thêm lần nữa mất vui trong ngày cưới.
Hoang chấp chới trong tâm trạng của cha ngổn ngang như những sợi nan đan miệng rổ. Hoang chẳng biết làm sao. Lúc này người mẹ ruột của Hoang lại lên cơn. Bà thôi rót rượu cho cha Đen, đến bên cái võng tre ngồi hát. Ầu ơ…/Má ơi! Đừng gả con xa/Chim kêu, vượn hú… ơ hờ…/Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu/Ầu ơ…/Con đi lỡ phận làm dâu/Thuốc thang, cơm nước… ơ hờ…/Thuốc thang, cơm nước con hầu… người dưng!
Hoang thút thít khóc ngó ngoài trời sắp rắc những hạt mưa bụi. Ông Đen lại lững thững ra ngồi gốc cây mù u hút thuốc.
Truyện ngắn của TRẦN HUY MINH PHƯƠNG