Nhà thơ Hữu Thỉnh có câu thơ khắc họa hình ảnh lam lũ của mẹ: “Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng/Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió…”.
Rơm rạ có gì nặng đâu. Nó xôm xốp, nhẹ tênh chỉ còn lại cái bã của đồng quê qua mùa gặt hái. Nhưng ngọn gió cuộc đời cứ quăng quật, cứ níu kéo, cứ xoay nghiêng ngả mà mẹ ta thì dầm dãi nắng nôi, đồng sâu ngập lũ. Mẹ không phút giây rời khỏi cánh đồng. Về nhà, mẹ lại “xay, giã, dần, sàng” mới ra hạt gạo. Mẹ lấy trầu cau làm bè bạn, để xua bớt cơn giá lạnh đầu Đông. Cái cữ chuyển mùa này khớp gối mẹ bắt đầu lạo xạo. Mưa nắng đồng áng đã ngấm vào mẹ bợt cả da, bạc vào cả trong xương. Ôi cái dáng mẹ xiêu vẹo đi trên đường đến chợ với cái quai gánh hai đầu treo thập thững nào thóc, nào bó rau, mớ tép…
Nhiều lúc tôi nhìn dáng mẹ mà ví von với cây lúa. Lúa nhú lên từ mạ xanh bời bời, xanh dạt vào nhau. Những đon mạ mẹ cấy hy vọng vào cánh đồng. Rồi đến kỳ lúa con gái đã khấp khởi mừng. Khi lúa dậy thì, bao nhiêu sữa đồng dồn vào nuôi hạt, cái hạt thóc như chiếc thuyền nan bé tý chở bao no ấm mùa màng. Nhìn dáng đi của mẹ trong chiều chạng vạng bên những bờ vùng, bờ thửa nâng niu từng bông lúa trĩu nặng dần còng lưng xuống mà thấy cả cái cảm giác ram ráp cứa vào lòng bàn tay. Da nhăn nheo đã đành mà ngón tay mẹ cũng sần chai.
Nhớ lại ngày ấy, trong cái giỏ nan tre mẹ buộc ngang hông xệ xuống, luồn vào mấy chú cua đồng béo mập, hứa hẹn cho nồi canh rau tập tàng nổi váng riêu cua. Bữa tối cả nhà quây quần xì xụp nóng sốt chảy cả nước mắt. Lúc ấy tôi mới thấy nụ cười lặng lẽ gương mặt rạng rỡ chưa ăn cũng đã no của mẹ.
Ôi mẹ ta bao nhọc nhằn không để rơi vãi trên đường từng câu nói, lời chào. Chiếc khăn buộc đầu tóc mẹ trải ra bao nếp gấp. Ấm nóng cũng từ đó, rụng mất cũng từ đó và che chắn cũng từ đó. Tôi mới hay rằng: Chiếc khăn vuông thắt hình mỏ quạ như là vật trang sức thường ngày của mẹ. Cái khăn ấy có khi gói trầu cau cho bà bạn bên xóm. Chiếc khăn ấy có khi gói đùm xôi, miếng chả bọc trong lá chuối cho đứa cháu khi đi ăn giỗ. Chiếc khăn ấy đội nắng đội sương. Sương thì ngấm thấu da để bạc dần từng chân tóc mẹ.
Mẹ đang đi giữa tháng Mười. Tháng Mười để lại cho ta bao ngổn ngang mùa gặt, bao vội vàng thu gom. “Mẹ già như chuối chín cây”, ai biết trước mà lường, đời người mỏng như ngọn gió. Đôi lúc mẹ trở lại cái gian bếp nhỏ sực nức thơm mùi ám khói xếp ngổn ngang chồng nhau nào gánh, nào rổ, nào thúng, nào sàng như cái kho. Ba ông đầu rau vẫn ngồi đó, thế vững chãi chân kiềng. Và mẹ thủng thẳng ho khi cời lên ngọn lửa rơm từ cháy rừng rực đến bập bùng lung linh, lung linh dáng ngồi của mẹ. Rồi lửa lụi dần, tàn dần thành tro ấm để sáng mai mẹ bón gốc cây bưởi cạnh bờ ao. Cho hương bưởi dài thơm mái tóc, cho trái bưởi tròn quả trăng đêm Trung thu phá cỗ. Ở đó, mẹ là cội nguồn, là cái gốc bền vững. Và: “Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/Còn những bí, những bầu thì lớn xuống/Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi” (Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm).
Trong năm có một tháng Mười của mẹ. Thanh thản nhất là dáng mẹ lên chùa với tấm áo dài màu nâu sồng như màu phù sa đồng ruộng. Tay mẹ lần tràng hạt như lần từng ngấn đốt thời gian. Mẹ đi thong thả, bỏm bẻm nhai trầu. Đê thì vòng, sông thì đầy, chùa thì xa. Nhưng dáng lưng mẹ hình như thẳng hơn, bước chân chậm hơn và miếng trầu thắm hơn. Câu chuyện xóm làng hình như cũng đậm đà hơn. Từ cõi thực vào cõi mộng, mẹ đã đi suốt cuộc đời với không một lời oán trách. Có giận hờn thì mượn ca dao, lời ru răn mình với bao luyến láy. Mẹ đã trải hết lòng vào cái Bống, cái Bang vào bong bóng nước để bắc bảy sắc cầu vồng qua ảo ảnh cơn mưa.
NGUYỄN NGỌC PHÚ