Sở VH-TT vừa tổ chức hội thi “Thôn, ấp, khu phố văn hóa tiêu biểu” năm 2018. Những câu chuyện thường ngày ở thôn, ấp, khu phố được sân khấu hóa vừa nhẹ nhàng, vừa gắn với thực tiễn đời sống nên dễ đi vào lòng người.
Phần thi tự giới thiệu của đội TP.Vũng Tàu. |
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG
Tham gia hội thi có 20 đội đến từ các khu phố, thôn, ấp văn hóa tiêu biểu đến từ 7 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh (trừ Côn Đảo). Dù thời gian chuẩn bị chỉ khoảng 1 tháng, tập luyện tranh thủ vào những buổi chiều, sau giờ làm việc nhưng các đội đều cố gắng thi diễn hết mình, nhằm tạo ấn tượng với khán giả. Trong phần thi tự giới thiệu, các đội dùng hình ảnh trực quan là những tấm bảng, bông hoa với một số thông tin ngắn gọn về địa phương nơi mình sinh sống, những đặc điểm riêng của địa phương, lồng ghép vào đó là những câu hò, vè, thơ, hát, múa minh họa để người xem hiểu thêm về quê hương BR-VT.
Theo đó, TP.Vũng Tàu hiện lên qua tiết mục múa với màu xanh của biển, hình ảnh bãi biển Bãi Sau sạch đẹp, nụ cười thân thiện chào đón du khách. Huyện Châu Đức lồng ghép trong tiết mục văn nghệ và những tấm pano giới thiệu cây tiêu, ca cao, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Châu Ro. Huyện Xuyên Mộc thì giới thiệu đặc sản là cây nhãn, thanh long, suối nước nóng Bình Châu và du lịch biển…
Một tiết mục văn nghệ mở màn Hội thi "thôn, ấp, khu phố văn hóa tiêu biểu" năm 2018. |
Đặc biệt, trong phần thi ứng xử, những tình huống xảy ra hàng ngày tại thôn, ấp, khu phố đã được cán bộ cơ sở xử lý khéo léo. Đội khu phố 1, phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) bắt được câu hỏi: “Là cán bộ văn hóa cơ sở, anh/chị sẽ làm gì để phát huy giá trị của di tích tại địa phương?”. Câu trả lời của đội là trước hết cần kiến nghị với cấp trên để khoanh vùng di tích, phối hợp các trường học trên địa bàn đưa HS về nguồn tại di tích, cần có thuyết minh viên để giới thiệu về di tích, quảng bá di tích trên trang web của địa phương và các trang mạng xã hội, kết nối với các DN lữ hành để đưa di tích vào tour, tuyến tham quan… Qua đó, người dân địa phương và du khách sẽ biết đến di tích nhiều hơn.
Với câu hỏi: “Khu phố chủ trương mở rộng hẻm với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, trong hẻm có 20 hộ thì 18 hộ đã đồng ý, còn 2 hộ không chịu, anh/chị sẽ phản ứng ra sao?”, Đội khu phố Hải Lộc, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) trả lời: Khi có chủ trương mở rộng hẻm, các cán bộ mặt trận, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… sẽ đến từng hộ dân, phân tích những lợi ích khi con hẻm được mở rộng, từ đó vận động người dân tự nguyện tham gia.
Rồi thì chuyện tổ chức ma chay gây ồn ào, rải vàng mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường; chuyện trong thôn/ấp có người tổ chức đám cưới cho con ở độ tuổi dưới 18 tuổi; chuyện nuôi chó, mèo để phóng uế bừa bãi; chuyện để rác không đúng nơi quy định… cũng lần lượt được các đội đưa ra cách giải quyết thấu tình, hợp lý, làm đậm nét hơn việc đưa các phong trào xây dựng đời sống văn hóa đến gần người dân, đồng thời xây dựng tình đoàn kết trong khu dân cư.
BÀI HỌC THỰC TIỄN
Chị Trần Thị Thê, đến từ khu phố Hải Lộc (thị trấn Long Hải) cho biết, sau khi thi xong, các thành viên trong đội ở lại theo dõi các đội khác xử lý tình huống để học hỏi thêm. Các chị đã học được nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống của các đội, bởi những chuyện như vậy có thể gặp ở bất cứ đâu. “Chẳng hạn, việc mở rộng một con hẻm ở khu phố Hải Lộc từ 3m lên 4m. Con hẻm có chiều dài hơn 300m, với 30 hộ dân sinh sống. Ban đầu, nhiều hộ không đồng tình, nhưng sau 1 tháng được các ban, ngành đoàn thể vận động, phân tích thiệt hơn, các hộ đã đồng lòng hiến đất, thậm chí bây giờ còn trồng hoa, tự giác tham gia quét dọn để giữ gìn hẻm sạch”, chị Thê chia sẻ.
Tương tự, chị Bùi Thị Hường, khu phố Hương Giang (phường Long Hương, TP.Bà Rịa) cho hay, tình trạng người dân nuôi, thả chó chạy rông, phóng uế bừa bãi hoặc để rác không đúng nơi quy định ở khu phố chị cũng từng xảy ra: “Với công tác dân vận, chúng tôi phải nhẹ nhàng, khéo léo, phân tích để người dân hiểu và tự giác nhốt chó, đưa rác tới điểm tập kết, cùng tham gia ngày Chủ nhật xanh, dọn vệ sinh môi trường. Thông qua hội thi, tôi cũng học hỏi thêm được một số mô hình, cách làm hay của các địa phương khác”.
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, các đội đã mang đến hội thi những tiết mục hay, phong phú, đúng chủ đề. Những tình huống được các đội nghiên cứu, tìm hiểu học tập và là những tình huống thực tế trong cuộc sống nên đa phần đều trả lời khá tốt. Ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hội thi cũng là cơ hội để tuyên truyền pháp luật như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình... Những lần thi sau, nội dung sẽ hướng tới đề cao sự sáng tạo của các đội. Việc sân khấu hóa chuyện làng, chuyện phố sẽ khiến các tình huống trở nên hay hơn, giải quyết mang tính chiều sâu và thực tế hơn.
Bài, ảnh: MINH QUANG