Xưa nay, thơ ca vẫn có chỗ đứng khá quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng, việc thưởng thức một tác phẩm thi ca cũng như phim ảnh, âm nhạc, hội họa đều có tác dụng nhất định cho sức khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần.
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình Ngày thơ Việt Nam 2018 được tổ chức tại Hà Nội nhằm tôn vinh thơ. |
Đã có thời, danh xưng nhà thơ có giá trị đến mức khi nghe nhắc đến nó, ai cũng phải tỏ thái độ trân trọng, ngưỡng mộ. Tên tuổi, tiểu sử, tác phẩm của các nhà thơ lớn thời đó được ghi nhớ và học thuộc hơn tên tuổi, bản nhạc ăn khách của các ngôi sao âm nhạc nổi tiếng thời nay. Khi đó, các nhà thơ không phải lo gì ngoài chuyện sáng tác. Thơ làm ra trước tiên được in báo, sau đó nếu đủ tập sẽ được nhà nước bỏ tiền ra in sách, rồi nhà nước lại bỏ tiền ra mua và giao cho hệ thống thư viện. Cả nước có hàng chục ngàn thư viện nên các cuốn sách cũ, trong đó có thơ, thường có số lượng phát hành lên tới hàng vạn, thậm chí cả trăm ngàn bản là chuyện bình thường.
Trong thời kỳ đổi mới, đời sống phát triển hơn, thi ca cũng như văn chương vẫn chưa bị các loại hình văn hóa nghe nhìn lấn át nên dù thơ nhiều, các nhà thơ cũng nhiều, nhưng các tập thơ của các nhà thơ nổi tiếng: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử… vẫn được tái bản và bán rất chạy.
Nhưng nay thì đã khác. Với các nhà thơ nghèo, lại vốn coi nhẹ chuyện tiền bạc, thì việc tập thơ của mình được xuất bản, đến được tay bạn đọc đã là niềm hạnh phúc lớn lao, bao người mơ chẳng được. Nắm được tâm lý đó, những năm gần đây, các nhà xuất bản đã nghĩ ra một hình thức gọi là “liên kết xuất bản”, tức là nhà xuất bản chỉ cấp giấy phép, nhà thơ phải bỏ tiền túi ra in, in xong, nhà thơ tự mang đi bán, và từ đây chuyện bi hài mới bắt đầu.
Thông thường, cái gì nhiều sẽ không hiếm, và không hiếm dễ trở nên không quý. Theo một thống kê gần đây, mỗi năm trung bình cả nước có khoảng 3.000 tập thơ được cấp phép xuất bản. Chỉ tính trung bình mỗi tập thơ in từ 500 - 1.000 cuốn thì cả nước đã có hàng triệu cuốn thơ ra đời. Đó là chưa kể hàng ngàn cuốn thơ được đánh máy, photo, đóng tập, tự xuất bản, cộng thêm hàng trăm bài thơ xuất hiện trên các báo mỗi ngày và nhiều hơn nữa là số thơ xuất hiện trên mạng xã hội. “Nguồn cung” dồi dào như vậy nên thơ khó bán cũng là điều đương nhiên.
Để giảm chi phí và đỡ lo việc sách tồn đầy nhà, các nhà thơ chỉ in vài trăm bản mỗi tập, mang gửi ở nhà sách một ít, gửi tới các lễ hội sách, ngày thơ một ít. Tuy nhiên, ở cái thời mà thơ tặng còn khó thì cách này chẳng mấy ăn thua, chưa kể nhiều lễ hội sách và nhà sách không nhận bán thơ. Vì vậy, nếu không muốn phiền bạn bè, người thân phải bỏ tiền túi ra mua thơ ủng hộ, tác giả vẫn có một cách bán thơ khác hiệu quả hơn, đó là mang thơ đến các DN, cơ quan, trường học có quen biết nhờ mua. Có những nhà thơ bán hết năm, bảy trăm cuốn theo cách này. Tuy nhiên, không phải ai cũng có mối quan hệ để bán được thơ kiểu đó. Nhiều tập thơ được cơ quan, DN xuất tiền mua ủng hộ xong phải bỏ vào kho. Thậm chí, nếu các cơ quan, DN có phát cho các cán bộ, công nhân viên thì cũng chẳng mấy người đọc. Vì vậy, nhiều tập thơ bị bỏ xó hoặc mang ra tiệm ve chai mà vẫn còn thơm mùi giấy mới. Nhiều nhà thơ không chịu được tình trạng đứa con tinh thần của mình bị rẻ rúng đành chịu lỗ để đưa thơ đến được với mọi người bằng hình thức tặng. Thế nhưng, chuyện tặng thơ cũng rất bi hài, đến nỗi có người từng viết: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”. Và thực tế, có những buổi giao lưu, nhà thơ đem thơ đi tặng khách, cuối buổi lại lặng lẽ gom về vì người được tặng cố tình… bỏ quên.
Thơ mất giá như vậy một phần vì độc giả đã bị hấp dẫn bởi các loại hình giải trí nghe, nhìn khác, nhưng lý do chính như một nhà thơ đã nói: “Thừa thơ quá mà thiếu thơ hay quá”. Vì vậy, những nhà thơ thực sự nghiêm túc cũng không muốn đầu tư công sức cho thơ nữa. Họ chuyển sang viết văn, viết báo, hoặc có làm thơ thì cũng đắn đo lắm mới in thành tập. Ngược lại, các nhà thơ không chuyên nhưng có điều kiện lại mặc sức tung hoành. Có người ngày nào cũng làm vài bài thơ và năm nào cũng ra một vài tập thơ như một thú chơi tao nhã, khiến cho sự khủng hoảng thừa thơ càng ngày càng thêm nặng.
Tuy nhiên nếu nói theo kiểu một nhà thơ là “Tìm sự vui trong nỗi buồn, tìm cái buồn đẹp trong cái vui chưa đẹp” thì việc đam mê thơ ca vẫn là điều đáng mừng, bởi vì ai có yêu thơ thì mới làm thơ. Mà thơ vẫn được so sánh với cái đẹp. Người nào còn yêu thơ là còn biết yêu cái đẹp và khi biết yêu cái đẹp, người ta đương nhiên cũng sẽ biết cách sống đẹp.
AN AN