Nói đến mùa Thu, người ta thường gọi là Thu vàng. Thật ra đó là lá vàng, nắng vàng. Có một nhà thực vật học thật có lý khi ông cho rằng: Phần lớn thời gian trong năm, lá là thành phần nuôi sống cây. Lá liên tục chuyển đổi cacbon dioxide, nước và ánh sáng mặt trời thành năng lượng trong quá trình quang hợp. Thành phần đặc biệt trong quá trình này là các sắc tố diệp lục giúp lá có màu xanh tươi sáng.
Khi mùa Hè kết thúc, ngày thu ngắn lại, lá sẽ ít quang hợp. Sau đó, nó chậm dần sản xuất chất diệp lục (màu xanh) và lúc đó sắc tố màu vàng có cơ hội tỏa sáng trước khi lá rụng để bảo toàn năng lượng cho cây. Sự tuần hoàn biến đổi của thiên nhiên sao mà kỳ diệu thế. Lá vàng Thu như một phiên bản thu vào mình bằng năng lượng nắng vàng để hồi quang, cháy hết mình trước khi rụng về cội. Tôi chợt hiểu vì sao chỉ hai câu thơ của Bích Khê trong bài Tỳ Bà: “Ơ hay buồn vui cây ngô đồng - Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông…” đã gói cả hồn cốt sắc màu của mùa Thu để còn vương mãi dấu lưu luyến trong ký ức con người, thời gian, ký ức của sự chuyển dịch tế vi và kỳ diệu của tạo hóa.
Nắng Thu lạ lắm. Trời đang chói gắt, ngột ngạt và oi bức của mùa Hè sau một cơn mưa nhuần nhị tươi mát của mùa Thu như chiếc chổi lông thần kỳ quét đi bao bụi bặm để tỏa ra cái nắng vàng rực rỡ. Từng sợi nắng ngỡ như chuốt sợi tơ vàng sau kẽ lá cây vườn. Vòm trời như bỗng cao hơn. Mây bây giờ tơ vương và bàng bạc thảng thốt. Cánh chim trời cũng chớm sự vội vã, hun hút. Nắng Thu mọng nước ngọt cho bưởi, sánh vị đường cát cho hồng. Tất cả đánh thức râm ran tuổi thơ nâng bổng cánh diều bay lên trời Thu lộng gió với bao ước vọng. Nắng Thu cũng ngọt dậy những quả đồi sim treo từng túi mật chín. Sim như một tín hiệu để báo Thu về. Ai bảo sim là loài cây dại, mọc hoang. Sim đã hút bao tinh chất của đất đồi sỏi đá cằn khô để hoa sim cứ thế mà tím, tím lặng lẽ bền bỉ qua bao gió mưa. Ôi cái miền sim cứ tưởng là cằn, mọc lúp xúp mà đội lên những mâm xôi sim ứa ngọt. Ta càng thương đất nghèo chiu chắt bao trọn vẹn thủy chung.
Nắng Thu vàng như một hồi quang ấm no của mùa lúa chín. Bạn đã đến miền cao của phía Bắc chưa? Những thửa ruộng bậc thang như có nhịp điệu từng ngấn, từng ngấn như những bậc cầu thang lên nhà sàn. Nắng Thu uyển chuyển theo thảm vàng của lúa đã tạo ra bao dào dạt như sóng vỗ, sóng lượn lòng người. Nắng của Thu vàng như một hợp âm reo vang hồ hởi khi ta hòa chung nhịp trống tựu trường của con trẻ. Nắng như những dấu chân son lọt qua khe hở lá bàng rộn ràng chạy nhảy. Nắng thật vô tư và hiếu động như tuổi thơ. Nắng tỏa ra, nắng không viền lại. Nắng dệt tơ, nắng giăng mắc. Nhà thơ Hoàng Cầm có những câu thơ thật hay về nắng trong bài Bên kia sông Đuống: “Những cô hàng xén răng đen - Cười như mùa Thu tỏa nắng”. Ôi cái vị nắng đậm vị trầu cay, đậm vị tình người cứ lan tỏa, cứ rưng rức chắc bền bén duyên.
Ta cứ ngỡ nắng Thu như một người bạn đồng hành có thể sẻ chia, bày tỏ tin cậy. Bởi tất cả đều trong veo, đều tươi sáng, đều thanh cao thanh sạch. Thu thì điềm tĩnh, nắng vàng lại dịu dàng lưu luyến. Lắng đọng thành múi quả tỏa hương mọng nước. Hoa mùa Thu không tưng bừng rực rỡ, nồng nhiệt như hè mà chầm chậm bung nở chạm dần vào cái lõi của tâm trạng như một câu thơ xuất thần của Lưu Trọng Lư: “Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa”. Dây dưa lắm với nắng Thu, bịn rịn lắm với bao hẹn ước. Cúc vàng là nhụy của nắng Thu, thu hết bao nỗi niềm, bao e ấp. Chỉ một màu vàng của cúc thôi mà thổn thức lòng mình bao cung bậc. Cúc là chấm nhỏ điểm xiết của nắng như một lúm đồng tiền bén duyên vào Thu.
Lòng chợt dâng lên, dào dạt trong mình ắp đầy bao hoài niệm: Thu vẫn ở lại, lắng lại trong tình đời, tình người không phôi phai. Bởi trong Thu vàng, nắng vẫn rót mật.
NGUYỄN NGỌC PHÚ