.

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam: 30 năm tôn vinh nhan sắc Việt

Cập nhật: 11:20, 14/09/2018 (GMT+7)

Tối 16-9 tại TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra một sự kiện lớn đã và đang thu hút sự chú ý của đông đảo báo giới và người dân Việt Nam suốt hơn 3 tháng qua: Chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018. 

Các thí sinh trong đêm chung khảo phía Nam của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018.
Các thí sinh trong đêm chung khảo phía Nam của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018.

HOA HẬU VÀ CƠ HỘI ĐỔI ĐỜI

Hoa hậu toàn quốc Báo Tiền Phong (tiền thân của Hoa hậu Việt Nam - HHVN) là cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc gia đầu tiên của Việt Nam, kể từ sau khi hai miền Nam, Bắc thống nhất. Cuộc thi diễn ra lần đầu vào năm 1988, sau đó được tổ chức 2 năm một lần vào các năm chẵn. Từ đó đến nay tròn 30 năm, Việt Nam có thêm 15 lần thi hoa hậu nữa và tuy đã có nhiều thay đổi từ  thể lệ cuộc thi, tên gọi, giải thưởng, vương miện… nhưng đây vẫn là một sự kiện văn hóa có sức hút lớn với công chúng yêu cái đẹp. 

Ở thời kỳ mà người Việt đã “bội thực” với các cuộc thi người đẹp đến mức không thể nhớ được tên cuộc thi cũng như tên hoa hậu mới đăng quang thì những cái tên như Bùi Bích Phương (hoa hậu đầu tiên - 1988), Hà Kiều Anh (HHVN 1992),  Nguyễn Thiên Nga (HHVN 1996), Nguyễn Thị Huyền (HHVN 2004), Mai Phương Thúy (HHVN 2006), Đặng Thị Ngọc Hân (HHVN 2010), Đặng Thu Thảo (HHVN 2012)... vẫn được nhắc đến. Các hoa hậu này dù có những vui,  buồn,  sướng,  khổ riêng,  thậm chí cả những sai lầm, vấp váp nữa nhưng vẫn cố gắng hoàn thiện bản thân, có những đóng góp lớn cho cộng đồng, truyền cảm hứng tích cực tới các thế hệ sau.

Ở các nước phương Tây và cả các nước phát triển châu Á, sau khi đăng quang, nếu hoa hậu không có thành tích, tài năng gì nổi bật thì chẳng mấy khi được xuất hiện trên báo chí truyền thông và hết nhiệm kỳ họ sẽ bị rơi vào quên lãng. Tại Việt Nam thì khác, vừa đăng quang, hoa hậu gần như ngay lập tức thành ngôi sao, thu hút sự chú ý hơn cả những nghệ sĩ nổi danh trong làng giải trí. Điều này có thể là áp lực đối với các cô gái trẻ nhưng đồng thời cũng mang đến những cơ hội lớn làm thay đổi cuộc đời họ. Có thể nói, chiếc vương miện hoa hậu giống như cây đũa thần có khả năng biến một nàng Lọ Lem thành nữ hoàng vậy. Người đoạt danh hiệu Hoa hậu không chỉ nhận được giải thưởng bằng tiền mặt, hiện vật có giá trị mà còn nhận được sự nổi tiếng, cùng nhiều cơ hội học tập và phát triển khác. 

Không phải tất cả các hoa hậu đều lớn lên trong gia cảnh khá giả nhưng hiếm thấy người đẹp nào sau khi đã có danh hiệu HHVN lại phải sống trong cảnh nghèo khó. Với danh xưng hoa hậu, họ dễ dàng có được tấm vé gia nhập làng giải trí, ký được những hợp đồng quảng cáo béo bở, được mời đi dự sự kiện, làm giám khảo các cuộc thi, được mời làm việc ở các công ty lớn và cả việc nhanh chóng có các mối quan hệ có thể mang đến cuộc sống vật chất giàu sang. Vậy nên ngày càng nhiều cô gái tìm đến với các cuộc thi hoa hậu, cuộc thi sắc đẹp bằng mọi giá.  

“LẠM PHÁT” HOA HẬU 

Cuộc thi HHVN hai năm mới tổ chức một lần. Vương miện chỉ có một, trong khi những người muốn có danh hiệu hoa hậu thì lại nhiều vô kể. Có cầu thì có cung. Các cuộc thi nhan sắc mọc lên như nấm. Điều đáng nói, nhiều cuộc thi chỉ có vài chục người tham dự và có vẻ như ai đi thi cũng đều đoạt giải. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi rất nhiều người đẹp không thể đi sâu vào vòng trong của các cuộc thi nhan sắc lớn lại dễ dàng có được danh xưng hoa hậu, á hậu ở các cuộc thi không tên tuổi khác. Ngoài hai cuộc thi chính có uy tín, quy mô lớn là HHVN và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, còn có hàng chục cuộc thi người đẹp như: Hoa hậu thế giới người Việt, Hoa hậu doanh nhân, Hoa hậu quý bà, Hoa hậu đại dương, Hoa hậu ảnh... và hàng trăm cuộc thi sắc đẹp quy mô “ao làng” mà công chúng không thể nhớ được tên. Những cuộc thi như vậy khiến cho chiếc vương miện hoa hậu dần mất đi ý nghĩa và giá trị của nó. 

Trước kia, nói tới “hoa hậu”, “hoa khôi” là nói tới biểu tượng của nhan sắc, trí tuệ và tâm hồn nhưng từ khi các cuộc thi người đẹp diễn ra tràn lan thì hầu như năm nào cũng có những vụ lùm xùm về các cuộc thi ấy. Cuộc thi này thì lùm xùm chuyện hoa hậu “mua giải”, cuộc thi khác thì thí sinh đoạt giải “xấu” hơn những thí sinh khác; có cuộc thi lại vỡ lở chuyện thí sinh đoạt giải là người đã từng đi phẫu thuật thẩm mỹ và thậm chí cả những vụ hoa hậu, á hậu sau khi đoạt giải đã bị phát hiện tham gia các đường dây mua bán dâm. Những điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới danh hiệu “hoa hậu” mà còn làm giảm giá trị của người phụ nữ Việt Nam.  

Cái đẹp là thứ đáng được nâng niu trân trọng trong bất cứ thời đại nào. Xã hội càng phát triển thì cái đẹp càng được coi trọng. Tuy nhiên, cái đẹp của hoa hậu không thể và không bao giờ chỉ là vẻ đẹp bên ngoài. Người duy nhất đại diện cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam phải là người phụ nữ hoàn hảo có đủ nhan sắc, trí tuệ, tâm hồn. 

Mong rằng, Ban giám khảo cuộc thi HHVN sẽ tinh tường chọn ra người xứng đáng nhất trong số 43 cô gái xinh đẹp lọt vào chung kết HHVN năm nay để trao vương miện. Có như vậy, cuộc thi HHVN mới giữ vững được uy tín và vị trí số 1 của mình. 

Tối 16-9, tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.Hồ Chí Minh) diễn ra đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 và 15 đài truyền hình địa phương.

Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2018 có chủ đề “Ánh sáng” với sự hội tụ tinh tế của sắc đẹp, tri thức và lòng nhân ái. 43 thí sinh trong cả nước được chọn từ các vòng thi trước tham gia đêm chung kết với các phần thi: Áo dài, áo tắm, trang phục dạ hội, ứng xử. Đêm thi được tổ chức theo hình thức loại trực tiếp qua từng phần thi để tăng phần kịch tính và hấp dẫn. Ban giám khảo sẽ chọn ra 10 người đẹp xuất sắc để trao các giải phụ, 2 Á hậu và Hoa hậu.

Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2018 có sự tham dự của hoa hậu Quốc tế 2017 - Kenvin Lilliana (người đẹp Indonesia) trong vai trò khách mời. Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của top 3 Hoa hậu Áo 2018, bao gồm: Hoa hậu Daniela Zikovic, Á hậu 1 Izabela Ion và Á hậu 2 Sarah Anna Posch.

AN AN

.
.
.