Minh họa của: MINH SƠN |
Hà Nội, những ngày tháng Tám...
Ông Chinh đưa bàn tay run run ấn nút trên chiếc cassette cũ đặt trên kệ. Chiếc máy cassette này ông giữ gìn đã lâu. Trải qua bao nhiêu tháng năm, bao nhiêu cuộc di chuyển và bao nhiêu biến động, đổi thay của đất nước nhưng cái máy cassette vẫn còn nguyên vẹn. Giờ đây, nó yên vị trong căn phòng nhỏ trên tầng gác mái cao cao giữa lòng thủ đô cổ kính. Hà Nội những ngày vào thu se lạnh, tiết trời không oi ả như mùa hè, không rét buốt như mùa đông mà dịu dàng như người tình thủy chung. Trong căn phòng đó, ông Chinh sống những ngày yên bình. Cuộc đời ông đã trải qua những ngày thăng trầm, đạn bom, giông bão. Cũng chỉ là thi thoảng ông Chinh mới vận lại bộ quân phục ông trân trọng gìn giữ trong tủ suốt mấy mươi năm, đeo huân chương, tay chống gậy thập thững ra nghĩa trang thăm mộ vài đồng đội cũ.
Hà Nội vẫn ngát xanh như mùa thu.
“... Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình
Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta
Như bâng khuâng, nghe gió đưa
Vang vọng giữa Ba Đình...”
Ông Chinh thường kể cho những người hàng xóm nghe chuyện hồi xưa ông đi chiến đấu. Bao giờ ông cũng bắt đầu bằng cái vỗ đùi, tặc lưỡi: “Oai hùng lắm! Oanh liệt lắm các bác ạ!”. Rồi ông say mê kể về những người đồng đội của mình, về Hà Nội năm xưa trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ, dẫu khó khăn, gian khổ nhưng vẫn anh dũng, kiên trung, dệt nên những trang sử hào hùng sáng mãi đến tận bây giờ. Ông Chinh khua tay, múa chân. Ở cái tuổi xưa nay hiếm mà trông ông vẫn còn khỏe khoắn, dẻo dai. Người ông cao, hơi ốm. Tóc ông bạc phơ. Đôi mắt ông hiền từ và khuôn mặt lấm tấm những đốm đồi mồi. Đất nước thanh bình, ông sống vui vẻ giữa Hà Nội, với những thú vui nhàn. Trước cái ban công gỗ bé xíu, ông Chinh vốc mấy chậu đất rồi ươm cây, trồng hoa. Sáng sáng, ông xách nước ra tưới cây, bật máy cassette nghe nhạc tiền chiến rồi bỗng dưng thấy lòng mình phơi phới lạ thường. Ông hát râm ran. Ông trang nghiêm chào lá quốc kỳ mỗi buổi sáng đầu tuần trên tầng gác mái của mình. Hình như cuộc đời quân ngũ đã ăn sâu vào máu huyết của ông mãi không thể nào dứt được...
***
Sáng nay, ông Chinh lại vận quân phục, đội mũ, chống gậy một mình ra nghĩa trang.
Hà Nội nắng nhạt. Hai hàng cây trên con phố lá úa đổ êm ái xuống mặt đường. Gió rít nhẹ vào phố. Những bức tường tróc sơn phủ rêu nằm lim dim trong ánh sáng rực rỡ của mùa thu. Hà Nội muôn đời xinh đẹp và cổ kính, chiếc cầu nối gợi nhớ gợi thương về những giá trị xưa cũ với giá trị hiện đại trong cuộc sống hôm nay. Buổi sáng nghĩa trang không đông. Hình như có một đoàn người từ phương Nam ra Hà Nội viếng nghĩa trang từ sớm, những nén nhang cháy dở, thơm ngào ngạt, khói theo gió cuộn tròn trong không gian. Ông Chinh ngậm ngùi. Nơi đây, những người đồng đội năm xưa đi chiến đấu cùng ông, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ... bây giờ nằm lại an nghỉ. Ông Chinh nghĩ thầm: “Rồi một ngày, mình cũng sẽ nằm lại đây cùng đồng đội anh em”.
Đang vẩn vơ suy nghĩ, bỗng ông Chinh nghe tiếng khóc rưng rức từ xa vọng lại. Tiếng khóc của một cụ già, có lẽ trạc tuổi ông Chinh, trầm khàn. Từ xa, ông Chinh trông thấy một cụ già đang khom lưng di di bàn tay từ ngôi mộ này đến ngôi mộ khác. Cái dáng còng còng ấy sao quen quá. Cụ già kia cũng mang quân phục, đầu đội mũ như ông Chinh. Đồng đội ông Chinh năm xưa đều nằm lại nơi nghĩa trang này. Bởi thế, ông Chinh thường ra nghĩa trang chuyện trò, uống trà, mở nhạc tiền chiến hay đơn giản là ngồi yên lặng hàng giờ bên những ngôi mộ khắc tên quen lắng nghe tiếng vọng về từ cõi xa xăm nào đó.
Ông Chinh bước đến bên cạnh, ông hấp háy cặp mắt để nhìn cho rõ. Biết đâu là đồng đội xưa. Ông dặng hắng một tiếng, khẽ nói:
- Đồng đội đã yên nghỉ cả rồi. Chúng mình già, cũng sắp được đi gặp họ rồi! Thôi, đồng chí đừng khóc nữa.
“Đồng chí”, hai tiếng ấy sao thân thương quá. Đã lâu rồi ông Chinh không gọi ai là đồng chí, mà cũng chẳng ai gọi ông như vậy. Tự dưng ông thấy mình lâng lâng, một chút tự hào, một chút xúc động, như chính ông đang sống lại những ngày chiến đấu dũng cảm, hào hùng.
Cụ già kia đưa tay lau mắt, từ tốn đáp:
- Cũng vì lâu lắm, mấy chục năm rồi tôi không có dịp viếng mộ đồng đội xưa, giờ gặp lại tôi mừng quá đồng chí ạ!
Ông Chinh ngạc nhiên:
- Thế đồng chí đánh trận nào?
- Ngày ấy, tôi cùng đồng đội đứng lên giành chính quyền ở Hà Nội đây này. Quyết liệt lắm! Sôi sục lắm.
Mắt cụ già ngấn nước. Cụ kể bằng niềm tự hào của con người Việt Nam vốn mang trong mình dòng máu hùng anh, quả cảm.
Ông Chinh giọng run run:
- Vậy... đồng chí là...
Cụ già đứng trang nghiêm, tay giơ lên chào ông Chinh như cách chào nhau quen thuộc trong chiến đấu:
- Tôi, Trần Trung Tánh.
- Trời ơi, đồng chí Tánh. Tôi... Chinh đây. Chinh, bị mảnh lựu đạn phạt trúng chân, đồng chí cõng tôi từ chiến trường về đơn vị cứu thương đây, nhớ chứ?
Đồng đội nhận ra nhau, mừng mừng tủi tủi. Cụ già im lặng, bước đến, cụ ôm chặt ông Chinh tưởng như nghẹt thở. Giống như những đồng chí gặp nhau trên chiến trường năm xưa, một cái bắt tay, một cái gật đầu hay cái ôm cũng khiến lòng người ấm áp lạ kỳ.
- Đồng chí Chinh. Trời ơi, mấy chục năm rồi còn gì nữa?
Ông Chinh nghẹn ngào. Hai người đồng đội già kéo nhau ra ngồi bên nấm mộ các đồng đội. Họ lần lượt điểm lại những cái tên một thuở đồng hành cùng nhau trên bước đường chiến đấu gian lao mà anh dũng. Có người hy sinh trong trận chiến. Có người ra đi vì tuổi già. Còn mấy ai lặng nhìn Hà Nội đổi thay, nhìn đất nước bước sang trang mới. Nhắc lại những ngày chiến đấu, nhắc lại khoảnh khắc bài Tiến quân ca vang lên trên mảnh đất thân thương, tự dưng họ lại xúc động, bồi hồi. Người già thường khó khóc, vậy mà giọt nước mắt của hai người đồng đội vẫn lặng lẽ rơi, rơi mãi không thôi.
- Mấy năm nay đồng chí ở đâu?
Nghe ông Chinh hỏi, người đồng đội mặc quân phục, râu dài, tóc bạc phơ trả lời:
- Hòa bình, tôi vào Nam sinh sống. Năm nào cũng định ra Hà Nội tìm lại mộ đồng đội xưa để đốt nén nhang, tâm sự vài câu với nấm mộ. Vậy mà đến bây giờ tôi mới có dịp ra Hà Nội. Ngỡ là không ai còn sống, ai ngờ gặp lại đồng chí, tôi mừng lắm đồng chí ạ!
Ông Chinh vỗ vai đồng đội, thều thào:
- Thế hệ chúng mình già hết cả rồi, sắp đi theo đồng đội anh em rồi! Gặp nhau một lần trong đời cũng gọi là quý hóa. Đời chiến đấu là cuộc đời vui nhất, phải không đồng chí Tánh?
Người đồng đội già khe khẽ gật đầu. Giữa nghĩa trang bỗng vang lên giai điệu hùng hồn, bi tráng của bản nhạc tiền chiến năm nào. Hai người già ngồi bên nhau, trong tim rưng rưng, sôi sục. Họ như sống lại những tháng ngày chiến đấu dũng cảm. Bên tai họ vọng lại bài hát một thuở vang lên trên khắp các nẻo đường ra trận: “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi - Nào có sá chi đâu ngày trở về - Ra đi ra đi bảo tồn sông núi - Ra đi ra đi thà chết không lui”...
***
Hà Nội. Tháng Tám. Những vọng âm hùng tráng vọng về...
Mùa thu Hà Nội, giữa dòng người lặng lẽ đi dưới những con phố cổ kính, những con đường phủ lên mình lớp bụi thời gian, có những người tưởng sẽ không bao giờ gặp được nhau một lần nào nữa trong cuộc đời... bây giờ tương ngộ. Ai biết đâu sau cuộc gặp gỡ ấy, họ sẽ không còn cơ hội tay bắt mặt mừng, không còn gặp nhau như những ngày quân ngũ sôi sục và nhiệt huyết. Nhưng những ký ức về nhau, về ngày tháng chiến đấu vẫn còn đọng mãi trong tâm thức mỗi người, như Hà Nội vẫn ưu ái lưu giữ những dấu vết xưa cũ của cách mạng, của những lần thay da đổi thịt...
Chiều nay, ông Chinh mặc quân phục, đội mũ, chống gậy tiễn người đồng đội của ông ra nhà ga. Người đồng chí ấy sẽ đi chuyến tàu đêm vào phương Nam, giã từ ông Chinh và Hà Nội mùa thu ông đã từng gắn bó thời trai trẻ. Lòng người thoáng buồn.
Hồi còi tàu dài báo hiệu giờ khởi hành đã đến. Đoàn tàu rầm rộ chuyển bánh tiến về miền Nam yêu thương, miền Nam máu thịt.
Giữa sân ga, ông Chinh nhìn theo đoàn tàu chở người đồng đội của mình, ngả mũ, cúi đầu nghiêm nghị chào, cách mà những người lính vẫn thường chào nhau những ngày chiến đấu...
Truyện ngắn của: HOÀNG KHÁNH DUY