Bà nội thức dậy khi trời còn chưa sáng. Út Miu nằm trong buồng, nghe tiếng bà múc nước mưa đổ vào cái ấm nhôm xào xạc, út Miu choàng tỉnh. Chiều hôm trước ba gọi điện về bảo hôm nay sẽ đưa mấy bà cháu ra nghĩa trang viếng mộ ông nội, bà vui lắm. Bà lục đục chuẩn bị đồ đạc từ đêm, bà lau sạch di ảnh trên bàn thờ ông, ngắm nghía thật kỹ mấy tấm ảnh ông chụp hồi đi bộ đội. Chốc lát, Út Miu lại thấy bà nội cười cười, nụ cười thật hiền lành và đôi mắt bà ngân ngấn nước.
Minh họa của: MINH SƠN |
Út Miu cứ nhớ hoài những chuyến đi xa cùng bà nội. Hễ sớm mai đi đâu là đêm nay bà nội không ngủ được, Út Miu còn nhỏ nên việc chìm vào giấc ngủ với nó rất dễ dàng. Học hết cấp một, Út Miu xin ba mẹ về quê nội đi học trường làng, sống với bà nội để tuổi già đỡ cô quạnh. Ban đầu, ba thoáng lo ngại. Mẹ cũng sợ Út Miu về quê mấy hôm lại nhớ thành phố, nhớ bạn bè, lúc ấy lại phiền. Nhưng thấy thái độ đầy quyết tâm của Út, ba mẹ đồng ý.
Quê nội nép mình bên dòng sông Thao hiền hòa, nhà cửa im lìm dưới bóng mát rười rượi của rừng cọ xanh biêng biếc. Từ nhỏ, Út Miu đã quen với mùi cơm nắm lá cọ bình dị mà thơm nồng của nội. Những đêm nằm bên bà nghe bà kể chuyện “hồi xửa hồi xưa”, bà bảo:
- Ông nội bây thương tao cũng vì cái món cơm nắm lá cọ này đấy con ạ.
Ngày bà còn trẻ, một hôm bà thấy ông đi hành quân ngang qua làng, bà gói cơm lá cọ đưa cho ông cùng câu nói đùa bâng quơ:
- Chừng nào hành quân qua làng em lại gói cơm nắm lá cọ cho anh ăn nữa, nghe anh bộ đội?
Út Miu phì cười, nói vui:
- Hồi đó miệng lưỡi nội ngọt dễ sợ.
Nội ký yêu lên đầu út Miu, móm mém:
- Tổ cha mày, đùa vậy mà nên vợ nên chồng, rồi sinh con đẻ cái, nặng nghĩa nặng tình đến khi bạc hết mái đầu đây nè!
Hồi xưa, bà nội Út Miu đẹp lắm. Ông cũng bảnh trai. Út Miu chưa một lần nhìn thấy khuôn mặt của ông ở ngoài đời, chỉ biết được qua những tấm ảnh hiếm hoi bà nội còn giữ lại trong cái hộp gỗ bóng nước bà trân trọng suốt cả cuộc đời. Người làng bảo ba Út Miu giống ông nội như đúc. Trong ảnh, ông Út Miu mặc bộ đồ quân nhân, chân đi giày đinh bết bùn. Đám cưới hồi xưa đơn giản lắm, đám cưới diễn ra giữa rừng cọ trong một chiều ông cùng đồng đội nghỉ chân trên đường hành quân. Bà Út Miu mặc chiếc áo bà ba, chân đi guốc mộc, tóc cài hoa mua rừng tươi cười bên ông. Đám cưới thời chiến đâu rôm rả, rình rang như đám cưới thời bình. Đồng đội ngồi lại bên cô dâu chú rể uống chén rượu gạo nồng nồng, ca hát, chúc mừng mà lòng nhấp nhỏm lo âu không biết địch sẽ nổ súng bất cứ lúc nào, dù đêm hay ngày, chiều hay sáng...
Hơn bảy giờ, ba Út Miu lái xe về làng. Mẹ mở cửa mời bà nội lên xe ngồi ghế trước, mẹ với Út Miu ngồi sau. Đường đến nghĩa trang không xa, băng qua mấy con đường chạy dọc giữa những rừng cọ xanh mướt là tới. Con đường mát rượi, xen lẫn những gốc cọ là cơ man hoa dại, gió đưa hương thơm thoang thoảng khắp rừng. Trong đầu Út Miu chợt nhớ lại cái ngày cách đây không xa ba đưa cả nhà đi Đà Lạt nghỉ mát. Thương nội, cả đời chỉ quanh quẩn trong làng, rừng cọ, sông Thao, có biết Đà Lạt ở đâu, cách nhà mình bao nhiêu cây số. Đó là lần đầu tiên bà nội được đi máy bay, Út Miu nhớ rất rõ hôm đó nội mặc bộ bà ba màu cau khô, đầu quấn khăn rằn, nếu út Miu không ngăn thì bà nội đã mang theo... cái nón lá, để “lên Đà Lạt đội cho đừng nắng”. Út Miu cười:
- Lên Đà Lạt không sợ lạnh thì thôi, bà nội lại sợ nắng!
Mẹ la Út Miu:
- Cười nội hoài, nào giờ nội có đi Đà Lạt đâu?
Út Miu bụm miệng. Mẹ vẫn luôn dặn Út Miu yêu thương, lo lắng cho bà nội. Ngày xưa, bà nội một mình vất vả, chịu cực chịu khổ nuôi ba nên người. Ba Út Miu đã từng đi nhiều nơi, trong nước, ngoài nước, khi vài ngày, khi mươi bữa, nửa tháng. Còn bà nội, nhọc nhằn lam lũ đến khi da mồi tóc sương. Chuyến đi Đà Lạt có lẽ là chuyến đi đầu tiên trong cuộc đời của nội.
Cả nhà đến nghĩa trang thì trời đã gần trưa. Út Miu tinh nghịch bước xuống trước mở cửa mời bà. Mẹ đi sau, sau cùng là ba. Mẹ cầm cái giỏ xách đựng ấm trà nóng, ít bánh mứt, hoa quả, nhang đèn. Nhìn quang cảnh sạch sẽ của nghĩa trang, Út Miu thầm cảm ơn đôi bàn tay nào đó đã bao dung chăm sóc, trồng hoa, tỉa cành, làm cỏ để giữ cho nơi đây không khí trong lành và thiêng liêng vốn có. Những dãy mộ dài, nằm lặng lẽ. Ai đó đến sớm cắm cho mỗi phần mộ một cành sen phơn phớt hồng, thơm ngát. Mùi nhang khói quyện lên trong không gian ấm áp lạ thường. Mộ ông nội nằm dưới góc cây bồ đề, dưới chân mộ mọc lưa thưa mấy cọng cỏ xanh rung rinh theo gió. Út Miu ngoan ngoãn ngồi xuống nhổ cỏ, mẹ lấy cái khăn lau sạch mộ phần của ông. Ba đứng trầm ngâm, và bà nội sụt sùi nước mắt. Mẹ Út Miu bày bánh mứt ra dĩa, thắp nhang, cả nhà khấn vái rồi trải chiếu ngồi lại bên cạnh mộ phần của ông ôn lại chuyện năm nào, tưởng nhớ về ông nội.
Bỗng dưng bà nội bật khóc, bà bảo:
- Hồi đó, ổng nói đi đánh xong trận này ổng về hát tiếp Mê Linh biệt khúc với má, vậy mà ổng đi mãi, không về...
Mẹ đưa tay xoa xoa bờ vai bà nội, mắt mẹ cũng rơm rớm nước. Bà nội hát cải lương ngọt như mía lùi, hồi xưa mỗi lần trong làng có tổ chức văn nghệ cây nhà lá vườn, bà nội đều giữ vai chính trong những tuồng cải lương xưa cổ. Khi thì nội hóa thân thành Trưng Trắc trong vở “Tiếng trống Mê Linh”, khi lại hóa thân thành Huyền Trân công chúa trong vở “Huyền Trân Khắc Chung”, giọng nội ngọt, ai cũng tấm tắc khen. Nội kể chuyện thi thoảng đoàn quân của ông về ngang qua làng, nghỉ chân, đêm xuống, nội trải chiếu ra sân cho đồng đội của ông cùng ngồi quây quần, nước bắp nướng khoai, văn nghệ... đời lính thấy cực mà vui.
Ba khuyên:
- Thôi má à, giờ thì ba con cũng đã yên phần của ba rồi. Má ráng sống vui, sống khỏe với tụi con. Rồi còn chờ Út Miu có chồng nữa chứ.
Bà nội kéo vạt áo lau nước mắt, cười tươi. Năm nay, Út Miu lên lớp tám. Càng lớn Út Miu càng giống bà nội, giống từ dáng vẻ đến tính cách. Từ hồi về làng sống với bà nội, Út Miu cứ ngỡ mình được sinh ra và lớn lên chính tại nơi này chứ không phải thành phố xa hoa, ồn ào, tấp nập. Rừng cọ, sông Thao là quê hương, là cội nguồn, là ngọn nguồn của tình yêu thương và nuôi dưỡng Út Miu khôn lớn nên người. Nơi đây, Út Miu được sống những ngày bình an, được nghe bà kể chuyện “hồi xửa hồi xưa”, chuyện của ông, của những người đồng đội.
Trưa nắng, cả nhà dọn dẹp đồ đạc lên xe trở về. Bà nội thập thững bước đi giữa những ngôi mộ còn bảng lảng khói. Đi một quãng xa, ngoái đầu nhìn lại bà vẫn còn trông thấy ngôi mộ nhỏ nằm dưới gốc cây bồ đề, nơi đó có hương hồn của người chồng thân thuộc.
Đêm hôm ấy, Út Miu nằm trong vòng tay bà nội. Bà lại kể những câu chuyện chưa bao giờ hết. Về ông, về bà, về cuộc đời chiến đấu. Bà dặn:
- Ai cũng có cội, có nguồn, đừng bao giờ quên lãng cội nguồn nghen con. Quên đi cội nguồn là vong ân bội nghĩa.
Út Miu gật đầu, mỉm cười rồi cuộn tròn trong lòng bà ngủ một giấc thật say...
Truyện ngắn của: HOÀNG KHÁNH DUY