NXB Hội Nhà văn vừa xuất bản tập thơ Lặng lẽ tôi của nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa (Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh BR-VT).
Tập thơ gồm 3 phần: Lặng lẽ, Lãng đãng và Tri âm. Ngoại trừ các nhạc phẩm do các nhạc sĩ bạn hữu phổ thơ Lê Thiên Minh Khoa được chọn in đan xen lưu làm kỷ niệm, phần Lặng lẽ gồm 54 bài thơ tự do mà ông gọi là thơ đời thường, phần Lãng đãng 34 bài lục bát, phần Tri âm gồm những chọn lọc từ nhiều lời bình hoặc bài phê bình của các tác giả viết về thơ Lê Thiên Minh Khoa.
Mở đầu phần Lặng lẽ, ông viết:
“Trở về thành phố cũ tìm em
Lặng lẽ mưa bay về ngôi nhà cổ
Phải phiêu bạt qua bao mùa dâu bể
Em sang ngang đã mấy chuyến đò rồi!...
Trở về thành phố cũ tìm nhau
Như Từ Thức trở về cố xứ
Bạn học cũ đứa chân trời góc bể
Đứa tuổi xuân cát bụi lâu rồi!...”
(Lặng lẽ tôi)
Bài mở đầu cũng là bài mang tên tập thơ. Tôi bị cuốn vào cái cảm giác se se từng gặp trong thi tập Thị trấn tôi (NXB Thanh Niên) mà ông đã viết và in từ năm 2002. Vẫn một giọng kể ấy, trầm lắng không ồn ào, hằng quen mà rất nhiều xúc động:
“Chỉ còn tìm đến giáo đường xưa
Mưa tháng Bảy lạnh hơn ngày trước
Không có em, liễu rủ hoa tái nhợt
Thánh giá nghiêng buồn trong tiếng chuông nghiêng!...
Trở về thành phố cũ tìm xưa
Hoa phượng tím tàn rồi, không gặp được
Hoa đào đỏ mùa nầy chưa đến tiết
Tôi tìm xưa mà tôi gặp tôi thôi!...”
(Lặng lẽ tôi)
Bài thơ được viết ở Đà Lạt trong nỗi hoài nhớ trường xưa, bạn cũ, cố nhân, thầy cô ở thị xã Quảng Trị cũ và trường trung học Nguyễn Hoàng xưa, nơi “găm kỷ niệm” thuở học trò của Khoa.
Dường như trong thơ Lê Thiên Minh Khoa, vài nét găm người bạn anh trọng thị, một góc vườn xưa cô vắng rơi hoa, một thoáng tái tê người văn bóng khuất, một bâng khuâng chưa rõ hình hài… đều tô điểm cho thơ Khoa, và Khoa chỉ có thể dụng thơ, mượn thơ như cách duy nhất để gọi tên những nỗi niềm thi sĩ:
“Người đi không ngoái
Bụi mờ tóc râu
Môi hồng bỗng nhợt
Mắt huyền xa ơi!…”
(Biệt ly)
Hay:
“Suối lặng lẽ chảy vào mù sương
Sương lững lờ trôi theo gió thổi
Anh lặng lẽ chảy về em mòn mỏi
Em thành mù sương…
bay…
trôi…”
(Mù sương)
Cái âm hưởng dìu dịu tràn chảy trong phần Lặng lẽ đậm dấu ấn trong nhiều bài thơ cảm thức cố nhân, vết chấm phá quá vãng mơ mê không mặc định, như đứng ngoài sự sắp đặt. Có lẽ bởi thế, nó tạo cho thơ Khoa một cách diễn đạt mềm mại, một bút pháp trữ tình nhiều bản năng, những thoảng buồn ướp men, giọng du dương tự sự dễ chịu, nhi nhiên, giản dị, êm đềm:
“Em áo tím phượng chiều thu tím
Anh bâng khuâng năm ngả bâng khuâng
Bằng lăng tím nhòa bên hồ vắng
Mấy ngả đường hoa tím mù sương”
(Đà Lạt tím)
Lê Thiên Minh Khoa cũng giới thiệu những thử nghiệm thơ ba câu, thơ có sắc thái chính luận hoặc thơ văn xuôi, nhưng những bài thơ hớp hồn tôi nhất là lục bát. Có một chút gì đó như biến ứng mà tôi gọi là “ngôn ngữ Bùi Giáng bắc sang lục bát Lê Thiên Minh Khoa” mà vẫn là Khoa, rất… Khoa:
“Và anh uống rượu bây giờ
Là trăm năm rớt bên bờ tử sinh
Và anh uống rượu một mình
Là anh uống với bóng hình em thôi
Và anh chén rượu mồ côi
Là tôi cộng lại với tôi hai người
Và anh chén rượu em mời
Là em cộng với tôi rồi bằng không
Và anh ngó em tắm rằm
Xiêm y rớt xuống, bóng trăng say mèm”
(Và anh…)
Cái váng vất “ngôn ngữ Bùi Giáng” phiêu trong từng câu tượng hình ngay kia Khoa đã dụng thành. Nó “ngon, thơm, đê mê” như một ly cocktail pha theo cách Lê Thiên Minh Khoa bằng tinh liệu chắt gạn trong kho hương ngôn Bùi Giáng và hương ngôn họ Lê. Hình như, cứ với lục bát là Lê Thiên Minh Khoa thăng hoa, là lơ lửng say.
34 bài lục bát trong phần thứ 2: Lãng đãng, Khoa chỉ coi như những bài thơ viết trong những khoảnh khắc hoa ngôn, những khoảnh khắc tài tử, những khoảnh khắc phóng bút. Nhưng với tôi, 34 bài lục bát trong tập này của Khoa là tinh hoa thơ Lê Thiên Minh Khoa. Chỉ với lục bát hồn Khoa, hoạt ngôn Khoa, thi ảnh, thi hình, tư tưởng, chất giang hồ tài tử mới phát lộ, nhiều bài phong nhiêu liêu trai. Buồn tanh mà ngạo. Êm ái mà sóng ngầm. Đùa cười mà rớt lệ giữa cuộc vui:
“Đôi khi bỏ bể về rừng
Ngó anh cọp ốm, chợt lòng từ tâm
Nửa chừng sương rót lâm râm
Một, hai, ba, bốn, năm châm giọt buồn!...”
(Đôi khi)
Còn xưa mây thả lưng đồi
Còn em mấy độ thu rồi chưa bưa
Nghe chừng ngượng ngập chân đưa Nghe nay nằng nặng, nghe xưa nhẹ hều!…
(Còn xưa)
Có khi, đọc lục bát Lê Thiên Minh Khoa chả cần lời bình. Tôi những muốn thưa rằng có một vườn lục bát Lê Thiên Minh Khoa tươi an nhiên trong cánh đồng thơ Việt. Vườn lục bát của ông luôn luôn hiện lộ và tỏa hương sắc riêng.
HOÀNG QUÝ