KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2018):

Tiếng hát người thương binh

Thứ Sáu, 27/07/2018, 14:34 [GMT+7]
In bài này
.

Trong chiến tranh, những lời ca, tiếng hát giúp người lính có thêm nghị lực băng rừng, vượt suối, vượt qua bom đạn và vơi đi nỗi nhớ nhà. Thời bình, văn nghệ lại tiếp thêm sức mạnh cho những người cựu chiến binh (CCB), thương, bệnh binh, giúp họ thêm yêu đời, yêu cuộc sống.

HÁT VỀ NGƯỜI LÍNH

Thương binh, CCB tham gia Liên hoan tiếng hát thương binh - bệnh binh - cựu chiến binh huyện Đất Đỏ.
Thương binh, CCB tham gia Liên hoan tiếng hát thương binh - bệnh binh - cựu chiến binh huyện Đất Đỏ.

Chiều 23-7, hội trường Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Đất Đỏ rộn ràng tiếng nhạc, tiếng hát của các bác, các cô chú từng khoác trên người màu áo xanh bộ đội. Không váy áo rực rỡ như những liên hoan âm nhạc khác, trang phục chính của những người dự Liên hoan tiếng hát thương binh - bệnh binh - CCB huyện Đất Đỏ là màu xanh của bộ quân phục, của chiếc mũ tai bèo và những chiếc khăn rằn quấn cổ. Khán giản cũng phần lớn mang trang phục của lính. Họ liên tục cổ vũ bằng những tràng pháo tay giòn giã, tiếp thêm động lực cho đồng đội mình trên sân khấu.

Ông Nguyễn Văn Dũng, CCB ở thị trấn Phước Hải cho biết, ông thích văn nghệ, nhưng chưa khi nào biểu diễn trước đám đông. Nhưng lần này, được hát cho những người từng là lính nghe ông cảm thấy rất phấn chấn. Tranh thủ lúc chưa đến lượt, ông nhẩm lại lời bài hát. “Tôi chọn ca khúc Dòng sông quê em, thuộc thể loại ca cổ. Tôi đã tập đi tập lại nhiều lần để diễn xuất sao cho thật tự nhiên trên sân khấu nhưng tôi vẫn thấy rất hồi hộp vì chưa biểu diễn trên sân khấu bao giờ”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, ông Trần Phước Vinh (CCB, ở thị trấn Đất Đỏ) thì rất tự tin vì đã nhiều năm cùng Hội CCB thị trấn tập luyện và giao lưu văn nghệ. “Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, Hội CCB thị trấn Đất Đỏ thường tổ chức giao lưu văn nghệ và chúng tôi đến tận nhà các thương, bệnh binh để mời họ tham gia. Liên hoan này là dịp để chúng tôi giao lưu, gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhau”, ông Vinh cho hay.

Còn tại Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh và người có công Long Đất, phong trào văn nghệ giúp nâng cao đời sống tinh thần của các thương, bệnh binh. Mỗi khi có đoàn khách đến thăm, một trong những nội dung không thể thiếu thường là những cuộc giao lưu văn nghệ giữa các thương, bệnh binh đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm với khách. Ông Trần Văn Ánh, thương binh hạng 1/4 cho biết, văn nghệ giúp ông và đồng đội lạc quan, yêu đời hơn. Ông nói: “Mỗi khi cùng các đồng đội cất cao tiếng hát, chúng tôi tạm quên đi những vết thương đang ngày ngày hành hạ thân thể. Chúng tôi thường hát những ca khúc nói về người lính như: Hãy yên lòng mẹ ơi, Đồng đội, Vết chân tròn trên cát… Những ca khúc ấy như thay chúng tôi nói lên tâm tư, tình cảm của người lính, của các thương, bệnh binh trong thời bình”.

Văn nghệ cũng là liều thuốc giúp thương binh Nguyễn Văn Hoàng quên đi vết thương nơi cột sống khiến ông phải ngồi xe lăn. “Việc di chuyển khó khăn, nên dù muốn, tôi cũng ít ra ngoài. Vì vậy, mỗi lần cùng đồng đội cất lên tiếng hát, tôi thấy vui hơn. Nhiều lúc hứng khởi, chẳng cần âm nhạc, chúng tôi cùng nhau bắt nhịp, hát tập thể trong tiếng vỗ tay rộn ràng và quên đi những đau đớn khi vết thương hành hạ thể xác”, ông Hoàng chia sẻ.

TIẾNG CA YÊU ĐỜI

Các thương, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh và người có công Long Đất giao lưu văn nghệ với một đoàn khách. Ảnh: MINH THANH
Các thương, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh và người có công Long Đất giao lưu văn nghệ với một đoàn khách.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đất Đỏ cho biết, đây là năm thứ hai huyện Đất Đỏ tổ chức Liên hoan tiếng hát thương binh - bệnh binh - CCB nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Liên hoan là dịp để các thương, bệnh binh, CCB - những người từng tham gia kháng chiến gặp gỡ, giao lưu, ôn lại kỷ niệm của một thời hoa lửa. Lời ca, tiếng hát của họ có thể chưa mượt mà, trau chuốt về kỹ thuật, nhưng thể hiện rất thật những cảm xúc, tình cảm, tình yêu quê hương đất nước, tình đồng đội, đồng chí. Cũng tại liên hoan các thương binh, bệnh binh có dịp gặp gỡ, hàn huyên, ôn lại những ngày cầm súng chiến đấu, các thương, bệnh binh, CCB còn động viên nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Theo ông Tống Đức Bình, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh và người có công Long Đất - nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc 58 thương, bệnh binh nặng, phong trào văn nghệ - thể thao được Trung tâm duy trì từ nhiều năm qua. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thao dành cho người khuyết tật, thương - bệnh binh; làm báo tường; mời các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên về biểu diễn, giao lưu nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho thương - bệnh binh. Đặc biệt, dịp 27-7-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, động viên thương, bệnh binh, cán bộ, điều dưỡng tại Trung tâm và đã tặng Trung tâm một bộ karaoke, âm ly, giúp các hoạt động văn nghệ tại Trung tâm được duy trì thường xuyên hơn. Trong những dịp lễ, tết, các thương, bệnh binh và cán bộ, nhân viên của Trung tâm lại cùng hát cho nhau nghe hoặc giao lưu với các đoàn khách đến thăm hỏi, động viên thương, bệnh binh.

Ông Bình nhận xét, nhiều người tuy hát không hay, nhưng rất nhiệt tình tham gia phong trào văn nghệ. Họ hát cho những đồng đội đã ngã xuống, hát cho những đồng đội đang ở bên và hát cho chính mình. “Có những bác, những chú hồn nhiên hát, nhưng chỉ được… nửa bài là dừng lại vì không nhớ lời. Đó là những thương, bệnh binh bị suy giảm trí nhớ do bị thương ở đầu. Những lúc như vậy, hội trường như lặng đi, cả chủ, khách đều xúc động. Thương lắm, bản thân các bác, các chú còn không nhớ tên của mình, thì việc hát được một đoạn của ca khúc, cũng là đáng quý lắm rồi”, ông Bình nói giọng xúc động.

Bài, ảnh: MINH QUANG

;
.