Trái cây hè, đến hẹn lại ế?

Thứ Tư, 28/05/2025, 16:48 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tuần qua, chúng tôi có dịp trải nghiệm các vườn cây ăn trái ở Châu Đức. Vào đầu hè, nên các vườn đang rộ mùa thu hoạch các loại trái cây đặc trưng như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, thơm, mít, xoài… Tuy nhiên, đi đến đâu cũng nghe các nhà vườn than vãn trái cây hè năm nay đang có nguy cơ lỗ vì giá giảm sâu. “Mít Thái chỉ còn 5-8 ngàn đồng/kg, xoài có 20 ngàn/kg, không đủ bù chi phí chăm sóc, phân bón. Gọi thương lái cũng khó vì hiện nhiều loại trái cây miền Bắc như mận, vải cũng vào nhiều”, một chủ vườn cho hay.

Chỉ trong một buổi sáng, xe ô tô đã chất đầy các loại trái cây mùa hè, sạch, an toàn nhưng giá bán chưa bằng 1/3 so với mua ở siêu thị.

Trong khi đó, trên nhiều tuyến đường ở TP. Vũng Tàu cũng đang chất từng đống cam sành đã được bỏ vào bịch (5kg/bịch) với tấm băng rôn “giải cứu cam sành Vĩnh Long, 5 ngàn đồng/kg”.

Qua tìm hiểu được biết, từ đầu năm đến nay, do kim ngạch xuất khẩu lao dốc khiến mít, dưa hấu, thanh long, sầu riêng đồng loạt rớt giá. Thống kê mới nhất của hải quan cũng cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhóm 8 loại trái cây chủ lực và quả hạch đã giảm 23% so cùng kỳ năm ngoái và chỉ mang về hơn 1 tỷ USD. Đặc biệt, sầu riêng giảm sâu nhất, chỉ đạt 183 triệu USD, giảm 61% so với cùng kỳ. Mít cũng chỉ thu về gần 98 triệu USD, giảm 20%...  Các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan và Thái Lan đồng loạt siết chặt chính sách nhập khẩu. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất, đã nâng cao yêu cầu về kiểm dịch và kiểm hóa. Riêng với sầu riêng, Trung Quốc kiểm tra dư lượng Cadimi và chất vàng O (chất gây ung thư), đồng thời áp dụng tỷ lệ kiểm tra 100% khiến chi phí DN đội lên. Cùng với đó, thời gian thông quan kéo dài, trái cây dễ hư hỏng, do đó thương lái cũng chỉ gom hàng cho thị trường nội địa.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tình trạng trên diễn ra trong nhiều năm liền, lặp đi lặp lại. Nghĩa là cứ rộ mùa thu hoạch hè, trái cây lại rớt giá, khó tiêu thụ. Dù thời gian qua nhiều loại trái cây chủ lực đã được quy hoạch, đầu tư khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao để đạt chuẩn an toàn, chất lượng, cấp mã vùng trồng, nhưng hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào vụ rộ mùa lại rớt giá, không bán được, phải vứt bỏ, thậm chí chờ "giải cứu".

Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới đây cũng yêu cầu rà soát lại vùng trồng, tránh mở rộng tràn lan, đồng thời siết chặt quy hoạch để đảm bảo an toàn sản xuất và bảo vệ sinh thái. Về lâu dài, Bộ cho biết sẽ hoàn thiện khung pháp lý liên quan xuất khẩu nông sản, bổ sung quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm nghiệm và giám định. Mục tiêu là chuẩn hóa quy trình kỹ thuật từ sản xuất đến xuất khẩu, đẩy mạnh chế biến sâu để tăng giá trị và giảm phụ thuộc vào thị trường tươi. Các DN cũng được khuyến khích đa dạng hóa thị trường để giảm rủi ro khi một thị trường lớn thay đổi chính sách nhập khẩu.

Trong bối cảnh các nước nhập khẩu ngày càng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đã có nhiều lô hàng bị trả về do không đạt yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cho thấy sự cần thiết trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến và bảo quản. Đặc biệt, vấn đề cốt lõi là phải hình thành chuỗi giá trị liên kết bền vững, đẩy mạnh chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cho trái cây, từ đó giảm sức ép tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch rộ.

NGÔ GIA

 

;
.