Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 13/5 vừa qua, Chính phủ đã trình đề xuất giảm 2% thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện đang chịu thuế 10% xuống còn 8%, có hiệu lực từ ngày 1/7 và kéo dài đến ngày 31/12/2026.
Đề xuất giảm 2% thuế VAT còn mở rộng đối tượng áp dụng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách, thay vì áp dụng ngắn hạn 6 tháng như những lần trước thì đợt giảm thuế VAT này được đề xuất kéo dài đến 18 tháng. Việc giảm thuế cũng góp phần tạo động lực thúc đẩy, giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 8% năm nay và hai con số giai đoạn tới.
Thuế VAT là viết tắt của thuế giá trị gia tăng, được áp dụng trên giá trị gia tăng của một sản phẩm, dịch vụ từ quá trình sản xuất, lưu thông đến khi tới tay người tiêu dùng, nộp vào ngân sách của Nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hóa dịch vụ. Hay nói cách khác, VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Chính sách giảm thuế VAT 2% được thực hiện từ 2022 đến nay, nhằm hỗ trợ người dân, DN phục hồi sau COVID-19. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá trị khoản hỗ trợ từ chính sách này lên tới 123.800 tỷ đồng trong 3 năm qua. Không giống với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa DN và người tiêu dùng, nên khi giảm cả hai đối tượng này cùng được hưởng lợi.
Cụ thể, đối với người tiêu dùng, trước thực trạng giá nhiều mặt hàng tăng cao thời gian qua, việc giảm thuế VAT góp phần tiết kiệm một phần chi phí. Thử làm một phép tính đơn giản, với hóa đơn mua hàng một lần tại siêu thị trị giá 2 triệu đồng, áp dụng mức thuế 10% thì người mua hàng chịu mức thuế 200 ngàn đồng; với mức thuế VAT 8% sẽ giảm còn 160 ngàn đồng. Số tiền tiết kiệm cho một lần mua hàng không nhiều nhưng giúp người dân tiết kiệm hơn trong chi tiêu sinh hoạt gia đình. Và khi người dân tăng mua sắm sẽ kích thích, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Đối với DN, trong khi kinh tế toàn cầu nhiều biến động, DN đang chịu áp lực từ các biện pháp thuế đối ứng của Mỹ, việc giảm thuế VAT 2% sẽ tạo điều kiện để DN giảm chi phí, tăng lợi nhuận và kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh sức mua giảm. Đặc biệt, với hơn 97% DN tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc các ngành hàng bán lẻ, dịch vụ và sản xuất quy mô nhỏ thì chính sách này được kỳ vọng trở thành cú hích giúp khu vực này tăng trưởng mạnh mẽ. Chính sách giảm thuế VAT 2% lần này còn mở rộng đối tượng áp dụng một số ngành hàng là nguyên liệu đầu vào được xem là trợ lực thúc đẩy DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, để chính sách giảm thuế VAT phát huy tối đa hiệu quả, cần sự đồng hành chặt chẽ giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Đó là tăng cường giám sát thị trường, đảm bảo DN điều chỉnh giá bán phù hợp. Đồng thời, thực hiện đồng bộ với nhiều chính sách khác như tín dụng ưu đãi, công nghệ, thị trường… để DN có khả năng hấp thụ tốt hơn, sử dụng nguồn lực hỗ trợ hiệu quả.
NGÔ GIA