Xóa mù công nghệ

Thứ Tư, 02/04/2025, 17:34 [GMT+7]
In bài này
.

Sau một hồi giải thích, hướng dẫn, thậm chí “cầm tay chỉ việc” thì chị Tiên, bán thịt heo tại chợ Chí Linh (Trung tâm đô thị Chí Linh, TP. Vũng Tàu) cũng đã biết sử dụng tài khoản SmartBanking. “Trước giờ khách mua thịt muốn chuyển khoản chị toàn phải nhờ chuyển qua tài khoản của chị Tươi (bán gà – PV) bên cạnh. Khách cũng cảm thấy phiền phức, mà nhiều khi tính toán tiền gà tiền heo cũng lẫn lộn, dễ mích lòng nhau. Giờ thì khỏe rồi”, chị Tiên phân bua và tiện thể còn nhờ tôi hướng dẫn tích hợp thẻ BHYT vào phần mềm VNeID.

Chị Tiên năm nay 45 tuổi, bán thịt heo được 25 năm nay. Cũng như nhiều trường hợp khác, mỗi khi cần chuyển khoản, hay thực hiện các thao tác liên quan đến công nghệ, chị thường nhờ các con hoặc chồng làm giúp. Công cuộc chuyển đổi số nhanh, mạnh mẽ khiến chị gần như bị tụt lại phía sau, phần vì e ngại học hỏi, phần khác lại lệ thuộc những người xung quanh. Có lần tôi bắt gặp một khách hàng gắt gỏng vì muốn chuyển khoản thanh toán tiền mua thịt heo, tuy nhiên ngày hôm đó chị Tươi bán thịt gà bên cạnh nghỉ buổi chợ. Những bất cập, phiền phức trong giao dịch, cuộc sống hàng ngày đã thôi thúc chị học hỏi, cập nhật và “vượt qua chính mình” để làm quen với công nghệ từ những bước đơn giản, dễ làm nhất.

Trường hợp như chị Tiên kể trên không phải là số ít hiện nay. Trong quá trình triển khai, hướng dẫn người dân trong khu phố tích hợp thẻ BHYT vào phần mềm VneID cũng cho thấy, không chỉ người cao tuổi mà một bộ phận trung niên đến nay vẫn chưa rành ứng dụng các tiện ích từ điện thoại thông minh và các ứng dụng số vào cuộc sống. Trước bối cảnh dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… ngày càng trở nên phổ biến thì việc nhanh chóng hướng dẫn, cập nhật kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số là hết sức cần thiết.

Mới đây ngày 26/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số” và ra mắt nền tảng binhdanhocvuso.gov.vn. Hiện nền tảng này đã sẵn sàng vận hành trong tháng 4 này nhằm phổ cập kỹ năng số, giúp người dân khai thác tốt lợi ích của công nghệ, góp phần nâng cao hiệu suất lao động, thúc đẩy sáng tạo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.

Có thể nói, đây là phong trào mang tính đột phá mà cách đây 80 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Bình dân học vụ nhằm xóa mù chữ cho người lớn, đặc biệt là nông dân, công nhân và người lao động nghèo. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân “Chống nạn thất học” ngày 14/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ, như các anh chị em trong sáu, bảy năm nay đã gây phong trào truyền bá quốc ngữ, giúp đồng bào thất học. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi...”, một phong trào chống giặc dốt được phát động rộng rãi trong cả nước, khắp nơi có khẩu hiệu “Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”, “Thêm một người đi học là thêm một viên gạch xây nền độc lập của nước nhà”… Phong trào Bình dân học vụ được coi là bước ngoặt xóa mù chữ, đưa Việt Nam vượt qua rào cản tri thức và hội nhập thế giới.

Và với phong trào “Bình dân học vụ số” được phát động, triển khai rộng khắp trên cả nước cũng được xem là một bước đi quyết liệt nhằm hướng đến một xã hội số đồng bộ từ trên xuống dưới, từ cơ quan công sở, DN đến từng người dân, từ các hoạt động công nghệ chuyên sâu đến hành động đơn giản nhất của cá nhân. Điều này cũng thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

NGÔ GIA

 

 

;
.