1. Những ngày qua, hình ảnh cựu chiến binh Trần Văn Thanh, ở TP.Vinh, Nghệ An lái chiếc xe máy chở theo va li, vật dụng sinh hoạt và cắm lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới chạy hơn 1.000km đi qua 10 tỉnh, thành, hướng về TP.Hồ Chí Minh khiến ai chứng kiến đều cảm phục. Ông dự tính sẽ đến TP.Hồ Chí Minh trước ngày 30/4 để kịp xem lễ diễu binh.
Người cựu chiến binh năm nay đã 76 tuổi, từng tham gia chiến đấu ở mặt trận B5 (khu vực Đường 9 và Bắc Quảng Trị) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trước sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông muốn tận mắt chứng kiến sự đổi thay của mỗi vùng đất, mỗi miền quê trên dải chữ S. Ông thực hiện chuyến đi này không chỉ để được tận mắt chứng kiến buổi lễ diễu binh kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam mà còn để thắp nén tâm hương tại chiến trường Quảng Trị - những người đồng đội mãi mãi không trở về. Hành trình xuyên Việt này còn là tâm nguyện lớn để ông được nhìn rõ hơn đất nước mình sau nửa thế kỷ hòa bình.
Đi qua cuộc chiến tranh, không tiếc máu xương để bảo vệ nền độc lập của nước nhà, dù tuổi cao sức yếu nhưng có lẽ hơn ai hết, cựu chiến binh Trần Văn Thanh hiểu được giá trị của hòa bình có ý nghĩa cao đẹp biết chừng nào. Ở đó còn là tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc, là sức mạnh của lòng biết ơn, sự tri ân tới những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường vì độc lập, tự do của dân tộc.
2. Hơn 5h30 sáng, hàng trăm chị em phụ nữ mặc áo đỏ sao vàng, lá cờ đỏ trong tay, xếp thành nhiều hàng ngang ở công viên Bãi Sau. Họ bật bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của cố nhạc sĩ Hoàng Hà và cùng nhau nhảy múa theo điệu nhạc. Tiếng sóng biển vỗ về hòa cùng giai điệu hào hùng, như bước chân đoàn quân giải phóng, giữa khung cảnh cờ đỏ, sao vàng rực rỡ, khúc khải hoàn mừng non sông thống nhất vang lên thật tự hào. “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay. Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi. Một ngày vui giải phóng…”. Niềm vui cũng len lỏi trong mỗi người.
Dọc bãi biển người thì chạy bộ, người thảnh thơi ngắm ánh bình minh đang ló dạng. Trên công trường dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân, lúc này hàng trăm công nhân bắt đầu vào việc bởi những ngày này đang vào cao điểm thi công để dự án hoàn thành đúng tiến độ. Ở đây, chúng tôi gặp một đoàn các cựu chiến binh mặc áo xanh, vai đeo quân hàm, trước ngực gắn đầy huân, huy chương lấp lánh đang dạo quanh, ngắm công trình đang dần thành hình. Được biết các bác, các cô chú về đây để tham dự chương trình gặp mặt những người tham gia kháng chiến tại Bà Rịa-Vũng Tàu trước 30/4/1975 và kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (27/4/1975 - 27/4/2025); 50 năm giải phóng miền Nam với chủ đề “Vững bền một dải non sông” do tỉnh tổ chức. Ngắm nhìn dòng người qua lại, say mê xem đội múa đang biểu diễn, một bác trong đoàn không ngừng nhắc đi nhắc lại, đây chính là vẻ đẹp của hòa bình.
3. Vẻ đẹp của hòa bình - câu nói tưởng như giản dị ấy đã khiến bất cứ ai trong chúng ta cũng không thể nào quên để có được điều này, hàng triệu liệt sĩ đã hy sinh hoặc bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường, anh dũng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Mỗi người dân Việt Nam luôn hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, tháng 12/1976 đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Và để có vẻ đẹp của hòa bình ấy, chúng ta càng phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy tối đa giá trị tinh thần mà ngày chiến thắng 30/4/1975 mang lại, chung tay xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
THẢO PHƯƠNG