Vá lỗ hổng quản lý

Thứ Sáu, 18/04/2025, 16:31 [GMT+7]
In bài này
.

Vụ việc 2 người nổi tiếng là Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs quảng cáo và bán hàng giả liên quan sản phẩm kẹo rau Kera bị khởi tố chưa hết “nóng” lại xuất hiện vụ việc khác gây chấn động dư luận: công an phá đường dây sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa giả. Đường dây này liên quan Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group.

Tính đến khi bị phát hiện vào ngày 11/4, đường dây này đã sản xuất 573 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Theo cơ quan chức năng, trong khoảng 4 năm, từ 2021 đến nay, nhóm này đã đưa ra thị trường tiêu thụ và thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.

Các sản phẩm này được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng, MC, chuyên gia dinh dưỡng đã trực tiếp hoặc gián tiếp quảng cáo thổi phồng công dụng những sản phẩm này. Thậm chí, chúng còn được một số bệnh viện đưa vào danh mục tư vấn sử dụng cho người bệnh!

Sữa là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, sự phát triển của trẻ em và các thế hệ đời sau. Như vậy, người tiêu thụ các sản phẩm sữa giả này là người bệnh, trẻ em và phụ nữ mang thai. Họ chính là những người mà lẽ ra cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt về sức khỏe và phải được dùng những thứ tốt nhất thì lại dùng phải hàng giả. Rất khó để xác định liệu rằng những sản phẩm này đã gây ra tác hại gì cho người đã sử dụng.

Thật bất ngờ khi trả lời báo chí, cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế và Bộ Công thương đều cho rằng hoạt động sản xuất, tiêu thụ các loại sữa này không thuộc… trách nhiệm quản lý của mình. Nguyên nhân, Nghị định 15/2018 quy định, sữa dạng bột được xếp tại danh mục thực phẩm nên quy trình sản xuất và đưa ra thị trường là do DN tự công bố! Nghĩa là, ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự an toàn của sản phẩm đó.

Sau đó, chúng dùng thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng khi vẫn thành lập DN với đầy đủ hồ sơ hợp pháp. Hàng giả chúng không bán hàng theo đường chính ngạch là qua siêu thị, đại lý, cửa hàng mà thông qua việc tổ chức hội thảo chuyên ngành, hệ thống bệnh viện, phòng khám và thông qua mạng xã hội.

Sự việc cũng bộ lộ lỗ hổng pháp lý “chết người”. Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng, khuyến khích DN phát triển sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng các đối tượng xấu lại lợi dụng kẽ hở để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong quá khứ cũng đã từng xảy ra nhiều vụ việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả tương tự.

Thực tế này còn cho thấy, công tác quản lý nhà nước đối với hàng hóa được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là mạng xã hội còn chưa chặt chẽ. Điều đó đòi hỏi các bộ, ngành trung ương cần sớm nghiên cứu sửa đổi quy định và nên thống nhất giao cho một đầu mối quản lý. Cơ quan được giao quản lý sẽ có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, không đùn đẩy như hiện nay. Nói như bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì cần làm rõ đơn vị quản lý để bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thể để hiện tượng “Một mâm cơm 5 người quản lý”!.

Đối với những người nổi tiếng, nghệ sĩ, MC, chuyên gia y tế… đã tham gia tiếp tay quảng cáo cho các sản phẩm sữa giả này, pháp luật cũng cần phải trừng trị nghiêm khắc, không thể để họ chỉ xin lỗi hay nộp phạt là xong!

NGUYỄN ĐỨC

 

 

 
;
.