Nguy hiểm khi bắt trend tự chữa lành

Thứ Ba, 01/04/2025, 17:05 [GMT+7]
In bài này
.

Năm nay bước qua tuổi 70, nhưng bà T. khá thành thạo sử dụng điện thoại thông minh và thường xuyên lên mạng xã hội để giải trí, tìm hiểu các thông tin chăm sóc sức khỏe. Khi có những thông tin được cho là hay, bà thường ứng dụng với chính mình và chia sẻ cho cả nhà và bạn bè.

Gần đây, trên mạng xã hội rộ lên “trend” (trào lưu) uống nước cốt chanh với lượng lớn khi vừa ngủ dậy vào sáng sớm lúc bụng còn rỗng, bà T. cũng áp dụng. Dù được con cháu khuyên can nhưng bà vẫn nhất quyết phải thử. Những buổi đầu, chỉ 1 trái chanh cho mỗi lần uống nên bà thấy bình thường, cho đến khi nâng dần lên 5 trái chanh thì bà phải vào bệnh viện cấp cứu do có hiện tượng xuất huyết dạ dày.

Điều đáng nói, bà từng có tiền sử viêm loét dạ dày trước đó, nhưng vẫn bấp chấp, "thử nghiệm" uống nước cốt chanh vì tin lời các "bác sĩ" tự xưng trên mạng rằng, nước cốt chanh có thể kiềm hóa cơ thể, giúp trung hòa axít dạ dày, từ đó chữa được bách bệnh.

Chanh là loại trái cây khá lành tính, có nhiều vitamin C và các vi chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nước chanh mang tính axit rất cao, còn được các bà nội trợ dùng để tẩy rửa chén bát và vật dụng nhà bếp để sạch sẽ. Vì vậy, theo các bác sĩ, chanh tuy lành tính, nhưng nếu sử dụng sai cách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Với người khỏe mạnh, khi bụng đói thì không nên uống nước chanh và nếu uống phải pha loãng thay vì uống nước cốt sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Đặc biệt, những người đang mắc bệnh viêm loét dạ dày, trào ngược và các bệnh lý khác về đường tiêu hóa thì không nên uống nước chanh.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội thường nổi lên những trào lưu phản khoa học, nhưng lại được không ít người tin theo một cách mù quáng, dẫn đến những hệ lụy khó lường. Mới đây nhất, một bệnh nhân nữ đã rơi vào tình trạng suy thận nguy kịch, xơ gan nặng, do uống nước một loại lá cây thay nước lọc trong suốt thời gian kéo dài. Bệnh nhân trước đó không có tiền sử bệnh lý gan, thận, nhưng đã phải lọc máu, điều trị tích cực kéo dài, cơ hội phục hồi chức năng gan, thận vô cùng khó khăn.

Thậm chí, do tin theo các "lang băm" trên nền tảng xã hội, nhiều bệnh nhân suy thận tự ngưng điều trị và thay thế hoặc uống kèm thêm các loại lá cây như cỏ mực, đậu đen xanh lòng, cây rễ gió, cây mộc thông… khiến bệnh nặng hơn, không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời.

Theo khuyến cáo từ bác sĩ, các loại lá cây, thuốc Đông y hay lá thuốc Nam dù có lành tính đến mấy, nếu sử dụng sai cách cũng sẽ có “tác dụng ngược”, gây hại cho cơ thể, mà trước tiên là gan và thận. Do tất cả các loại thuốc khi đưa vào cơ thể có hai cách đào thải là đào thải qua gan và đào thải qua thận. Trong trường hợp người bệnh đã suy giảm chức năng gan, thận lại bắt các cơ quan này làm việc thêm nữa, vô tình làm chức năng gan, thận suy giảm hơn.

Thức ăn, nước uống cũng chính là thuốc, vì vậy, để bảo đảm cho sức khỏe của chính mình và người thân trong gia đình, việc ăn gì, uống gì, như thế nào cũng rất quan trọng. Chính vì vậy, rất cần sự cẩn trọng ở mỗi cá nhân, đừng tin một cách mù quáng với những thông tin chưa được kiểm chứng, từ những nguồn thiếu tin cậy trên mạng xã hội.

Về phía cơ quan chức năng, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ cập kiến thức về dinh dưỡng, y tế, sức khỏe cho người dân, cần có giải pháp để quản lý tốt người dùng mạng xã hội. Từ đó, loại bỏ tình trạng lan truyền những cách chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe chưa có kiểm chứng khoa học, gây hại cho cộng đồng như đang diễn ra.

 TIỂU CƯỜNG

 

;
.