Thời gian gần đây, làn sóng các MV ca nhạc kết hợp chất liệu dân gian với âm nhạc hiện đại đang tạo nên một hiện tượng đáng chú ý trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Không chỉ là trào lưu mang tính giải trí, xu hướng này còn mở ra hướng đi mới trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Khoảng 5-10 năm trước, không ít người từng lo ngại rằng âm nhạc Việt Nam đang dần bị “Hàn hóa”, “Tây hóa”, mất dần đi bản sắc riêng. Thế nhưng, sau một thời gian miệt mài sáng tạo, nhiều nghệ sĩ trẻ đã bắt đầu hành trình ngược dòng, tìm về với những giá trị truyền thống để làm mới âm nhạc đương đại. Tiên phong trong xu hướng này có thể kể đến Hoàng Thùy Linh với loạt ca khúc như Để Mị nói cho mà nghe, Bánh trôi nước, Quẻ bói, See tình. Những sản phẩm mang đậm màu sắc dân gian nhưng vẫn hiện đại, sôi động, đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả trẻ, đồng thời góp phần định hình diện mạo mới cho âm nhạc Việt.
Mới đây nhất, MV Bắc Bling của Hoà Minzy tiếp tục làm dậy sóng dư luận với sự kết hợp đầy mới mẻ giữa âm nhạc hiện đại, văn hóa dân gian và yếu tố truyền thống. Với hình ảnh được đầu tư công phu, vũ đạo bắt mắt, kỹ xảo tinh tế cùng những cảnh quay thực tế tại Bắc Ninh, MV không chỉ mang giá trị giải trí mà còn khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc.
Sức hút của những sản phẩm âm nhạc mang đậm tinh thần dân tộc còn đến từ nhu cầu nội tại của khán giả, đặc biệt là giới trẻ, trong việc tìm kiếm những giá trị gốc rễ, thứ làm nên cốt cách và tâm hồn Việt. Trong kỷ nguyên số, khi thông tin lan truyền nhanh chóng và nhiều giá trị bị xáo trộn, âm nhạc có yếu tố dân gian mang đến sự kết nối cảm xúc sâu xa hơn, giúp thế hệ trẻ không quên mình là ai và đến từ đâu.
Tuy nhiên, việc khai thác chất liệu dân gian không thể chỉ là hành động “mượn” một cách máy móc. Mỗi yếu tố truyền thống, từ hình ảnh, âm thanh đến ngôn ngữ đều gắn liền với bối cảnh văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng cụ thể. Nếu không được xử lý tinh tế, việc đưa các yếu tố dân gian vào tác phẩm có thể gây hiểu lầm, làm sai lệch hoặc thậm chí làm tổn thương đến giá trị văn hóa. Đây chính là ranh giới mong manh mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng cần ý thức rõ ràng khi lựa chọn con đường này.
Điều đó đòi hỏi nghệ sĩ không chỉ có óc sáng tạo mà còn cần sự hiểu biết sâu sắc và lòng tôn trọng với văn hóa dân tộc. Một tác phẩm âm nhạc chỉ thực sự mang giá trị văn hóa khi nó được kiến tạo từ sự am hiểu và tinh thần trân quý những gì thuộc về cội nguồn. Khi ấy, âm nhạc mới có thể trở thành chiếc cầu nối quá khứ với hiện tại, đồng hành cùng công cuộc bảo tồn văn hóa trong đời sống hiện đại.
Song hành với nỗ lực của nghệ sĩ là vai trò định hướng của truyền thông. Trong khi mạng xã hội đang ngày càng chi phối mạnh mẽ thị hiếu âm nhạc, thì một bộ phận truyền thông lại có xu hướng chạy theo những trào lưu ngắn hạn, thiên về tính giật gân giải trí mà ít quan tâm đến giá trị nghệ thuật và chiều sâu văn hóa. Sự thiên lệch này không chỉ làm lu mờ những sáng tạo nghiêm túc mà còn có thể khiến công chúng đánh mất khả năng phân biệt giữa giá trị thực và nhất thời.
Đã đến lúc báo chí chính thống và các cơ quan truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Việc chủ động đồng hành với nghệ sĩ, giới chuyên môn để lan tỏa những tác phẩm âm nhạc có chiều sâu sẽ không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc, mà còn giúp định hướng thị hiếu âm nhạc theo hướng tích cực và bền vững.
MINH THIÊN