TP.Hồ Chí Minh vừa chính thức bỏ địa giới hành chính xã, phường trong tuyển sinh lớp 1 và tuyển sinh lớp 6. Học sinh lớp 1 ưu tiên theo diện “nơi ở hiện tại”; học sinh lớp 6 ưu tiên “nơi ở hiện tại” thuộc địa bàn, đã hoàn thành chương trình tiểu học. Cùng với đó, thành phố triển khai ứng dụng hệ thống bản đồ thông tin địa lý (GIS) để xác định địa bàn tuyển sinh.
Thông tin này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở nhiều địa phương. Bởi tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là vào lớp 1 và lớp 6, luôn là chủ đề “nóng” trong mỗi năm học mới. Tại các đô thị lớn, nơi mật độ dân cư cao, dân số cơ học không ngừng tăng, mức độ cạnh tranh giữa các trường học ngày càng rõ nét, thì vấn đề phân tuyến tuyển sinh càng trở nên phức tạp.
TP.Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước chính thức từ bỏ ranh giới hành chính truyền thống, vốn bộc lộ nhiều bất cập, để chuyển sang xét tuyển theo nơi ở thực tế. Giải pháp này giúp giảm áp lực cho phụ huynh không có hộ khẩu tại địa phương, một bộ phận chiếm tỷ lệ đáng kể ở các khu vực đô thị. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, không ít học sinh dù sinh sống tại địa phương từ lâu nhưng do không có hộ khẩu thường trú, vẫn phải làm hồ sơ xin học trái tuyến với nhiều thủ tục phức tạp. Có trường hợp nhà chỉ cách trường vài bước chân nhưng vẫn không được xét tuyển, gây bức xúc và lãng phí nguồn lực xã hội.
Để việc phân tuyến tuyển sinh theo nơi ở thực tế của học sinh được bảo đảm tính chính xác, TP.Hồ Chí Minh đã sử dụng công cụ GIS. Hệ thống này cho phép xác định chính xác tọa độ nơi ở của học sinh trên bản đồ, từ đó đối chiếu với vùng tuyển sinh của từng trường. Việc này sẽ khắc phục được những hạn chế trong việc xác minh cư trú chủ yếu dựa vào hồ sơ giấy hoặc xác nhận hành chính, dễ dẫn đến tiêu cực hoặc thiếu khách quan.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, việc tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 những năm gần đây phần lớn đã dựa vào nơi ở thực tế của học sinh. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa chính thức loại bỏ hoàn toàn tiêu chí địa giới hành chính trong tuyển sinh như TP.Hồ Chí Minh. Việc phân tuyến hiện nay vẫn là sự kết hợp giữa nơi cư trú thực tế và ranh giới hành chính hiện hành.
Do đó, vẫn còn những “kẽ hở” trong công tác phân tuyến khiến phụ huynh có thể “lách” bằng cách “chạy hộ khẩu” hoặc khai báo địa chỉ cư trú không đúng sự thật nhằm đưa con em vào những trường có chất lượng cao, gần trung tâm hoặc tiện đường đưa đón. Điều này không chỉ tạo ra sự bất công cho những học sinh thuộc tuyến thực sự, mà còn dẫn đến tình trạng quá tải ở một số trường, trong khi các trường khác lại thiếu học sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục toàn hệ thống.
Nếu xét về điều kiện nền tảng, Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn toàn có khả năng tiến thêm một bước trong việc số hóa quy trình tuyển sinh đầu cấp. Trước mắt có thể bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư kết nối với ngành giáo dục, đồng thời ứng dụng công nghệ bản đồ để phân tuyến học sinh một cách khách quan, chính xác và minh bạch hơn. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu trong quản lý công, mà còn là yêu cầu bắt buộc trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Dù vậy, công nghệ chỉ là một phần trong tổng thể giải pháp. Yếu tố then chốt vẫn là ý thức chấp hành của người dân và sự kiên quyết trong quản lý của chính quyền các cấp. Cần có quy định rõ ràng về cách xác minh nơi cư trú hợp pháp để xét tuyển, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp khai báo sai sự thật.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu rằng, mọi trường học trong hệ thống công lập đều bảo đảm chất lượng, không nhất thiết phải chen chân vào một vài trường “điểm nóng” gây áp lực không đáng có.
MINH THIÊN