Khi còn là cặp đôi quyền lực nhất Hollywood, Brad Pitt và Angelina Jolie từng chọn Côn Đảo làm điểm dừng chân. Năm 2011, họ cùng sáu người con thuê villa 6.000 USD/đêm tại Six Senses, lặn ngắm san hô, thăm di tích lịch sử.
Nữ minh tinh đội nón lá, lặng lẽ khám phá dấu tích trong hệ thống chuồng cọp kiểu Pháp và kiểu Mỹ. Trước khi rời đi, Angelina Jolie chia sẻ: “Côn Đảo thật sự rất đẹp”.
Đó là lời khen từ ngôi sao toàn cầu, một ngôi sao người Mỹ chính hiệu. Nhưng phía sau chắp nối cả một nghịch lý lịch sử: Nơi được thế giới gọi là “thiên đường nghỉ dưỡng” lại từng mang danh “địa ngục trần gian”, có bàn tay của người Mỹ cải hoán và tạo lập nên.
Khu nghỉ dưỡng sang trọng nơi gia đình Jolie - Pitt từng ở chỉ cách hệ thống nhà tù Côn Đảo chưa đầy 5km - khoảng cách đủ để chiêm nghiệm về sự chuyển hóa của lịch sử. Vẻ đẹp yên bình, trầm lặng của Côn Đảo hôm nay chứa cả một bức tranh đối lập. Một bên là vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của những bãi cát dài phẳng mịn, một bên là những bức tường nhà tù còn thấm máu đấu tranh.
Hôm nay, nhiều du khách phương Tây đến Việt Nam, đến Côn Đảo không chỉ để nghỉ dưỡng, họ đến để chạm vào ký ức. Amanda, giáo viên trung học đến từ Canada, từng dạy học sinh về chiến tranh Việt Nam đã bật khóc khi chứng kiến hình ảnh về xiềng xích Côn Đảo được trưng bày ở Bảo tàng chiến tranh Việt Nam: “Tôi không thể không nghĩ đến những người đã sống và chết trong đó”.
Còn Mark R., du khách Australia từng chia sẻ sau chuyến thăm Côn Đảo: “Tôi đã đọc rất nhiều sách về nhà tù Côn Đảo, nhưng chỉ khi đặt chân đến nơi này, tôi mới thực sự cảm nhận được nỗi đau và sự kiên cường của con người. Không trang sách nào có thể truyền tải hết sự ám ảnh khi đứng trong chuồng cọp, chạm tay vào bức tường đẫm mồ hôi và nước mắt.”
Các thế hệ trẻ phương Tây đến Côn Đảo gần như luôn mang theo những câu hỏi: Vì sao con người có thể tồn tại ở một nơi như vậy. Tại sao người cộng sản phải chịu đựng nỗi đau đó. Tại sao thế giới có nơi ám ảnh đến thế. Tại sao người ta có thể kiên cường như vậy…
Con đường lịch sử sẽ có những thế hệ đi qua. Có người bước trên đó và để lại chứng tích đau buồn vì phản hòa bình, phản nhân văn. Có người bước trên đó, đánh đổi cả xương máu để đòi lại giá trị tự do, hòa bình.
Côn Đảo đang trong những ngày đặc biệt - Kỷ niệm ngày giải phóng. Nơi đây là một trong những địa danh cuối cùng trong bản đồ Việt Nam 50 năm trước im tiếng súng chiến tranh. Hòn đảo của đau thương trong quá khứ đang trở thành biểu tượng cho khả năng hồi sinh. Nơi từng là “địa ngục” đã thành điểm đến với giá trị nhân văn sâu thẳm nhất, mà ai cũng mong ước được đến, để cảm nhận và thấu hiểu.
Côn Đảo lại đang trong một hành trình mới - có thể sẽ lại là đặc khu trong tương lai - nơi đã được chuẩn bị tất cả cho một điều kiện phát triển vượt bậc, trở thành một điểm du lịch đẳng cấp quốc tế. Và điều đó không phải xa xôi, bởi Côn Đảo có vẻ đẹp trời ban của thiên nhiên và còn có những trang sử lưu giữ giá trị nhân văn của quá trình đấu tranh vì hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam.
HÀ AN