Vụ việc 2 nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội là Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs - bị bắt tạm giam vì liên quan đến việc buôn bán, quảng cáo sản phẩm kẹo rau Kera không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép, không chỉ là cú sốc với người hâm mộ mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cả hệ thống từ cơ quan quản lý nhà nước đến người tiêu dùng.
Sự nổi tiếng ngày nay không chỉ dừng lại ở nghệ thuật hay nội dung sáng tạo, mà còn trở thành “tài sản thương mại” được tận dụng để bán hàng. Tuy nhiên, khi niềm tin của người tiêu dùng bị dẫn dắt bởi những lời quảng cáo thổi phồng, thiếu kiểm chứng, hậu quả không chỉ là tiền mất, mà có thể là sức khỏe bị đe dọa.
Trong vụ kẹo Kera, hàng chục ngàn đơn hàng đã được bán mỗi tháng, dù sản phẩm không có giấy phép lưu hành, không được kiểm nghiệm bởi cơ quan y tế. Điều này đặt ra câu hỏi lớn: Ai chịu trách nhiệm khi người tiêu dùng bị lừa dối bằng sự nổi tiếng?
Sự việc càng cho thấy khoảng trống trong công tác quản lý, giám sát thị trường thương mại điện tử và mạng xã hội. Câu hỏi đặt ra là: Cơ quan chức năng đã theo dõi sát sao và đủ kịp thời để ngăn chặn các sản phẩm chưa kiểm định nhưng được bày bán tràn lan?
Trong môi trường số phát triển như hiện nay, nếu thiếu công cụ pháp lý mạnh mẽ và chế tài nghiêm minh, những hành vi trục lợi từ mạng xã hội sẽ tiếp tục nở rộ, với nạn nhân là người tiêu dùng.
Do đó, quản lý nhà nước phải không chỉ “đi sau” xử lý vi phạm, mà cần đi trước để phòng ngừa và ngăn chặn. Cùng lúc đó, người tiêu dùng không thể tiếp tục là những người mua thụ động, dễ dãi và cảm tính. Trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào, nhất là những sản phẩm tác động đến sức khỏe, hãy tự hỏi: “Sản phẩm này đã được cấp phép chưa? Người bán có chuyên môn hay chỉ đang chạy theo lợi nhuận? Có bằng chứng khoa học nào xác nhận hiệu quả và độ an toàn không?”.
Sự việc kẹo Kera một lần nữa cảnh báo cả xã hội: Khi mạng xã hội trở thành “chợ”, người bán cần đạo đức, người quản lý cần hành động và người tiêu dùng cần bản lĩnh. Trong bối cảnh xã hội thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều hình thức mua-bán tận dụng công nghệ đòi hỏi người tiêu dùng lại càng phải biết chọn lọc, biết kiểm chứng và dám từ chối khi thấy niềm tin bị lợi dụng. Và hơn hết, đừng bao giờ để sức khỏe của mình trở thành cái giá cho sự nhẹ dạ.
TRIỆU VỸ