An cư, lạc nghiệp

Thứ Năm, 03/04/2025, 16:45 [GMT+7]
In bài này
.

Trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính do Bộ Nội vụ soạn thảo, cơ quan này kiến nghị bố trí nhà công vụ cho công chức sau sáp nhập tỉnh. Mục đích của việc này là giúp họ nhanh chóng ổn định điều kiện làm việc tại trụ sở mới sau khi sáp nhập. 

Theo dự kiến, số tỉnh, thành sau sẽ giảm từ 63 xuống còn khoảng 34 đơn vị. Điều đó có nghĩa, sau khi sắp xếp, mỗi tỉnh sẽ có hàng ngàn cán bộ, công chức phải chuyển từ trụ sở tỉnh/thành hiện tại về tỉnh/thành mới để làm việc.

Trải qua hàng chục năm công tác tại các cơ quan nhà nước, hầu hết cán bộ, công chức đã ổn định về gia đình và chỗ ở tại địa phương đó. Việc chuyển về làm việc ở tỉnh/thành mới sau khi sáp nhập sẽ gây ra ít nhiều khó khăn về nơi ăn chốn ở với công chức. Chưa kể, tại các đô thị lớn - thủ phủ của tỉnh/thành mới, giá nhà đất thường ở mức cao, rất ít công chức có đủ điều kiện tài chính để mua nhà mới, trong khi giá thuê nhà cũng đắt đỏ so với mức thu nhập, lại không mang tính ổn định khi thường xuyên phải chuyển chỗ ở. 

Do vậy, việc bố trí nhà công vụ cho công chức sẽ giúp họ yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cống hiến cho công việc, bởi người xưa có câu “an cư lạc nghiệp”. Và đây cũng nên được xem là một trong những điều kiện để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại khu vực công.

Trước đây, khi chưa sắp xếp lại bộ máy hành chính, các đô thị lớn có thể thiếu quỹ đất/nhà để bố trí nhà công vụ, nhưng giờ đây, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được ngay. Cụ thể, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và bỏ cấp huyện, nhiều trụ sở làm việc dôi dư. Ngoài việc khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như bán đấu giá, cho thuê khi chưa có nhu cầu sử dụng, một số công trình có thể sửa chữa, chuyển đổi công năng thành nhà công vụ cho cán bộ, công chức ở xa. Nguồn vốn xây dựng, sửa chữa nhà công vụ cũng không lo thiếu, khi tỉnh mới thành lập có thể sử dụng nguồn thu từ bán đấu giá hoặc cho thuê các trụ sở dôi dư sau sắp xếp. 

Nhà công vụ là một mô hình quen thuộc, thời bao cấp thường được biết đến với cái tên “nhà tập thể”. Khi đó, điều kiện kinh tế còn khó khăn, phương tiện đi lại hạn chế, giao thông cách trở nên địa phương nào cũng bố trí nhà tập thể cho công chức, viên chức. Nhiều trường học ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nhà tập thể cho giáo viên, dù có khi trường chỉ cách nhà hơn chục cây số. Nhờ có nhà tập thể, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Sau này, nhiều người có nhà mới khang trang nhưng vẫn gắn bó với khu nhà tập thể cũ như muốn lưu giữ ký ức tốt đẹp của một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, Chính phủ và các địa phương đã triển khai chương trình nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, trong đó có đối tượng là công chức, viên chức. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình này còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với việc bố trí nhà công vụ, các tỉnh mới thành lập cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chương trình nhà ở xã hội. Cần có nhiều hơn nữa dự án nhà ở xã hội, nhà công vụ cho công chức thuê hoặc thuê mua. Ngoài ra, mỗi địa phương cần có chính sách hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp dành cho công chức khi mua nhà, như TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện.

NGUYỄN ĐỨC

;
.