.

Nghĩ về tên làng, tên xã

Cập nhật: 17:11, 27/03/2025 (GMT+7)

Hiện nay, các địa phương trong cả nước đang tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo hướng tổng số xã, phường sau sắp xếp giảm còn 60-70% so với tổng số lượng đơn vị cấp xã hiện có trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Vấn đề được nhiều người quan tâm chính là tên gọi xã/phường mới sau sắp xếp như thế nào, bởi nhiều tên xã, phường sẽ không còn. Trước đó, năm 2024, một số địa phương đã thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có địa phương đã máy móc ghép tên của 2 xã với nhau thành tên xã mới hoặc lấy một phần tên của mỗi xã cũ ghép thành tên xã mới. Chẳng hạn, 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhập với nhau và được đề xuất tên gọi là Đôi Hậu vì Nhân dân 2 xã không muốn mất tên xã mình. Tên gọi này gây tranh cãi vì không có ý nghĩa nên UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định tạm dừng nhập 2 xã này. 

Trong đời sống văn hóa người Việt, tên xã/phường thường gắn với nhiều thế hệ. Tên làng, xã/phường như một định vị để người đi xa nhớ về quê hương. Nhiều làng, xã chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần và đã có hàng trăm năm, thậm chí là hàng ngàn năm, đã trở thành thương hiệu dễ dàng nhận diện. Bởi lẽ, khi nhắc tới tên làng, xã đó, người ta sẽ biết ở đó có gì đặc trưng. 

Chẳng hạn, xã Tiên Sơn (TX.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có lễ hội Tịch điền Đọi Sơn bắt nguồn từ điển tích vua Lê Đại Hành thân chinh đi cày ở vùng chân núi Đọi vào mùa Xuân năm Đinh Hợi (năm 987) để khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Làng Thắng Tam (nay là phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) có lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam; TT.Long Hải (huyện Long Đất) có lễ hội Dinh Cô Long Hải; địa danh Vũng Tàu gắn với thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng biển từ thời Pháp thuộc...

Điều thú vị ở chỗ, trong quá trình phát triển của đất nước, do yêu cầu hay biến cố lịch sử, có những tên gọi đơn vị hành chính hay địa danh cũ đã được thay thế bằng tên gọi khác. Trải qua hàng chục, hàng trăm năm, tên gọi/địa danh đó vẫn không mất đi nhờ vẫn được nhận diện qua những công trình kiến trúc (đình, chùa, miếu, trường học) hay chợ, đường sá... Và trên hết, trong ký ức của người dân, tên làng, xã đó vẫn tồn tại.

Mới đây, Bộ Nội vụ đã hoàn tất dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cùng tờ trình kèm theo, để chuyển Bộ Tư pháp thẩm định. Trong đó, Bộ Nội vụ lưu ý việc đặt tên cấp xã mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Nhiều địa phương cũng đã đề xuất đặt tên gọi xã/phường mới theo tên gọi xưa, đúng như định hướng của Bộ Nội vụ, đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương. Như vậy, nhiều tên gọi cũ sẽ có thể trở lại hoặc các tên gọi gắn với địa danh hiện hữu sẽ tiếp tục được sử dụng. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, đó là những cái tên như: Vũng Tàu, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Bình Giã, Bình Châu, Long Hải… Bên cạnh đó, gợi ý của Bộ Nội vụ cũng là cơ sở để giữ lại tên một số địa danh tuy còn "non trẻ" nhưng đã trở thành thương hiệu quốc tế về kinh tế, du lịch, như Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc) hay Mũi Né (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). 

Nhưng điều quan trọng hơn cả, chúng ta cần thống nhất quan điểm rằng, dù với tên gọi nào, mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã là hướng đến sự phát triển phồn vinh của địa phương, đất nước. Khi chúng ta ở trong nước thì làng, xã là quê hương, nhưng khi ra nước ngoài, quê hương của chúng ta chính là đất nước. 

Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói: "Khi sáp nhập có tâm lý, tâm trạng về quê hương thì đúng rồi, tôi hết sức chia sẻ. Nhưng đất nước chính là quê hương, chúng ta phải vì sự phát triển chung”.

NGUYỄN ĐỨC

 

.
.
.