Chỉ đến khi con gái đang học tiểu học mắc bệnh sởi do lây từ con trai chưa đầy 20 tháng tuổi, chị H. mới thấy tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin và tự trách mình đã không dành chút thời gian để đưa con đi chích ngừa.
Chị H. cho biết, lúc sinh con gái lớn, chị về quê ngoại để tiện có người chăm sóc. Con được 8 tháng tuổi thì chị rời quê để đi làm. Do mải mê công việc ở xí nghiệp, con gái nhỏ được gửi trẻ từ rất sớm nên chị đã quên luôn không chích ngừa cho bé. Lúc con gái đi học tiểu học, tuy khu phố có thông báo về chương trình tiêm sởi bổ sung cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên chưa được tiêm ngừa, nhưng cũng lại vì lu bu và chủ quan nên chị đã bỏ qua cơ hội phòng bệnh sởi cho các bé.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến ngày 9/3, toàn tỉnh ghi nhận 1.028 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng 913 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 2/3 số ca mắc chưa được tiêm vắc xin sởi phòng bệnh, ghi nhận trẻ em trong độ tuổi tiểu học cũng mắc sởi. Điều đó cho thấy, những trường hợp tương tự như con chị H. không phải là hiếm, đã góp phần gia tăng số ca mắc sởi trong thời gian gần đây.
Trên thực tế, còn có tình trạng một số bà mẹ trẻ đã tin theo những hội nhóm trên mạng xã hội “quay lưng” với vắc xin, dẫn đến những hệ lụy làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con mình. Chỉ khi con mắc bệnh mới vội vàng làm động tác “thừa” cho con đi chích ngừa vắc xin sởi. Bởi, khi đã tiêm phòng sởi hoặc mắc sởi rồi thì sẽ không bị mắc lại nữa. Đa số mọi người đều có khả năng miễn dịch suốt đời sau khi khỏi bệnh sởi hoặc tiêm vắc xin sởi. Một số rất ít mắc bệnh sởi lần hai và đây được gọi là nhiễm trùng sởi thứ phát, sẽ xảy ra khi phản ứng miễn dịch của người này trước vi rút bị suy yếu theo thời gian.
Vắc xin sởi đang được tiêm ngừa miễn phí ở các trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm tiêm chủng tại cộng đồng cho mọi trẻ em từ đủ 6 đến 9 tháng tuổi và nhóm từ 1 đến 10 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin có thành phần sởi. Để hoàn thành mục tiêu 95% trẻ thuộc đối tượng nói trên được tiêm một mũi vắc xin có thành phần sởi, CDC tỉnh giao trạm y tế xã, phường, thị trấn làm đầu mối. Các trạm phối hợp với các trường tiểu học, nhân viên y tế thôn, ấp, cộng tác viên dân số, trưởng thôn, ấp, khu phố, khu dân cư rà soát, thống kê, lập danh sách trẻ, tránh bỏ sót đối tượng. UBND các địa phương thông báo hằng ngày trên loa truyền thanh về đối tượng, thời gian, địa điểm tổ chức tiêm chủng. Trường học tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi.
Song song các giải pháp trên, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đến các điểm tiêm. Phòng bệnh sởi chỉ đơn giản là tiêm ngừa vắc xin, nhưng có thể giúp trẻ không bị mắc sởi và biến chứng từ sởi đến suốt đời. Vì vậy, không có lý do gì để trì hoãn mũi tiêm cho trẻ. Đó cũng chính là góp phần bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ bùng phát bệnh sởi. Bởi, theo CDC tỉnh, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 42 ngàn trường hợp nghi mắc sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2024. Khu vực miền Nam ghi nhận nhiều ca mắc nhất, chiếm 57% ca toàn quốc.
HẠ VY