Bạn tôi ngang qua Phú Mỹ, muốn mua một sản phẩm OCOP để làm quà. Anh gọi điện hỏi, vì nghĩ tôi là "thổ địa" của vùng. Thật lòng thì tôi cũng biết một điểm, đó là cà phê Nón Lá ở chợ Chu Hải (khu phố Chu Hải, phường Tân Hải, TP.Phú Mỹ). Ngặt nỗi xe của bạn đã chạy quá điểm bán.
Với hi vọng có thể trợ giúp tìm điểm bán sản phẩm OCOP khác, tôi điện thoại hỏi Chủ tịch Hội nông dân TP.Phú Mỹ. Câu trả lời của ông làm tôi thực sự tâm tư: Không có cửa hàng OCOP nào khác dọc QL51. Muốn mua sản phẩm phải đặt trước.
OCOP, viết tắt theo tiếng Anh của cụm từ One commune one product. Hiểu theo nghĩa tiếng Việt là mỗi xã (phường) một sản phẩm. Trọng tâm của chương trình là phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (DN, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Đây là một giải pháp trọng tâm nhằm tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Và quan trọng hơn, giá trị tích tụ trong từng sản phẩm OCOP trở thành niềm tự hào về truyền thống, chiều sâu văn hóa lịch sử vùng đất và tôn vinh trí tuệ, bàn tay khối óc lao động của người nông dân.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các sở ngành, DN, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, chương trình đã có bước tiến đáng kể về quy mô. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 160 sản phẩm của hơn 90 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng thực hiện tốt vai trò kiến tạo, quản lý, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho sản phẩm OCOP. Cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên, liên tục giới thiệu sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống thông qua hội chợ OCOP, hội chợ nông sản, hội chợ thương mại, tổ chức điểm bày bán tập trung, kết nối đưa vào chuỗi siêu thị bán lẻ, phố ẩm thực… DN, hợp tác xã, chủ thể sản phẩm OCOP cũng năng động bán hàng online, ký gửi sản phẩm, tham gia các sự kiện giao thương-kết nối cung cầu…
Không thể phủ nhận nhiều sản phẩm OCOP đã phát huy vai trò “sứ giả văn hóa”, giới thiệu đặc trưng phong tục, tập quán sinh hoạt, bề dày truyền thống của người dân địa phương. Nhờ làm OCOP, người dân nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống vui tươi, dân trí nâng cao, danh tiếng vang xa. Đã có nhiều nông dân, hộ cá thể trở thành tấm gương điển hình vượt khó làm giàu nhờ sản xuất hàng hóa nông nghiệp.
Dù vậy, trở lại tình huống bối rối như tôi đã kể, cho thấy một thực tế vẫn còn điểm nghẽn trong tiếp cận sản phẩm OCOP. Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP đặt tại trung tâm văn hóa-thông tin-thể thao các huyện nhưng rất ít người biết. Mà có biết vào mua sắm thì cũng chưa chắc đã có hàng hóa mong muốn.
Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển du lịch. Bên cạnh thị trường nội tỉnh, khách du lịch sẽ là kênh tiêu thụ chính hàng hóa, dịch vụ cho Bà Rịa-Vũng Tàu. Như vậy, những điểm mua sắm tập trung chuyên bán đặc sản, hàng hóa, sản phẩm OCOP dọc tuyến quốc lộ cửa ngõ là rất cần thiết. Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 tỉnh phải kêu gọi đầu tư trạm dừng chân chất lượng cao tại TP.Bà Rịa.
Với tôi đây là tin vui vì tôi không phải ấp úng trước những cuộc điện thoại bất chợt nhờ chỉ chỗ mua sản phẩm OCOP. Và vui hơn nữa là hàng hóa, nông sản chất lượng của Bà Rịa-Vũng Tàu thêm cơ hội đến tay người tiêu dùng nhiều hơn.
TRẦN HIỀN