Để trẻ em được sống trong tình yêu thương

Thứ Hai, 31/03/2025, 17:25 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày qua, dư luận không khỏi xót xa trước cái chết của bé trai 5 tuổi ở An Giang, nạn nhân của những trận đòn roi tàn nhẫn từ người tình của mẹ ruột.

Vụ việc đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn bạo hành trẻ em và trách nhiệm của xã hội trong việc bảo vệ những đứa trẻ non nớt khỏi những bàn tay tàn ác của người lớn.

Cái chết của bé trai 5 tuổi tại An Giang không phải là trường hợp hiếm hoi. Trước đó, dư luận cũng đã từng bàng hoàng trước vụ việc bé gái V.A. 8 tuổi ở TP.Hồ Chí Minh, cũng bị bạo hành dã man dẫn đến tử vong.

Những vụ việc này khiến chúng ta bàng hoàng, đau đớn, để lại những vết thương tinh thần khó có thể chữa lành cho cả gia đình và cộng đồng.

Điều đáng nói, không chỉ có những vụ việc gây chết người, mà bạo hành trẻ em còn diễn ra âm thầm, dai dẳng trong cuộc sống hằng ngày, từ việc đánh đập, hành hạ thể xác đến việc xâm hại về tinh thần. Những đứa trẻ phải chịu đựng tổn thương về thể chất, mang theo trong lòng những vết sẹo tâm lý có thể ảnh hưởng suốt cả cuộc đời.

Pháp luật đã có những quy định rõ ràng về chế tài xử lý đối với hành vi bạo hành trẻ em, đặc biệt là khi bạo hành gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Tuy nhiên, việc chỉ xử lý sau khi xảy ra sự việc là chưa đủ. Điều cần thiết hiện nay là các cơ quan chức năng phải chủ động hơn trong việc ngăn ngừa tình trạng bạo hành ngay từ khi nó mới xuất hiện.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, gia đình, nhà trường và cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ trẻ em là điều hết sức cần thiết. Những hành vi bạo hành cần phải bị lên án mạnh mẽ, và hơn thế nữa, cần phải có hệ thống pháp luật đủ mạnh mẽ để răn đe, áp dụng nghiêm trong mọi tình huống.

Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần can thiệp kịp thời những trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo hành. Đồng thời, việc xây dựng môi trường xã hội không chấp nhận bất kỳ hành vi bạo lực nào đối với trẻ em là vô cùng quan trọng. Cộng đồng cần chủ động lên tiếng khi phát hiện dấu hiệu bạo hành, đừng để trẻ em phải chịu đựng trong im lặng.

Chúng ta cần nhớ rằng, bảo vệ trẻ em không phải chỉ là trách nhiệm của gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Những đứa trẻ hôm nay chính là tương lai của đất nước. Vì thế, hãy hành động ngay hôm nay để không còn những vụ việc đau lòng xảy ra.

TRIỆU VỸ

;
.