Cái giá của việc nhẹ lương cao

Thứ Sáu, 28/03/2025, 18:45 [GMT+7]
In bài này
.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) vừa triệt phá một tổ chức tội phạm sản xuất trái phép ma túy tổng hợp tại tỉnh Khánh Hòa, thu giữ 1,4 tấn ketamin. Đối tượng cầm đầu là một người đàn ông ở Đài Loan (Trung Quốc). Thật may mắn bởi nếu vụ việc không được phát hiện kịp thời, số ma túy này được đưa ra thị trường tiêu thụ thì không biết sẽ có bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình bị ảnh hưởng.

Điều đáng trách, giúp sức đắc lực cho tổ chức này hoạt động phi pháp lại chính là những người dân địa phương. Những người này chắc chắn biết rõ mình đang làm gì, nhưng vì lợi ích trước mắt, họ đã bất chấp tất cả để tiếp tay cho đối tượng phạm tội. Trước vụ việc này, cơ quan chức năng cũng đã từng phanh phui nhiều vụ việc tương tự khi chính người dân địa phương đã tiếp tay cho các đối tượng người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội trên đất nước mình thông qua việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng cấm.

Một hành vi đáng lên án khác là những người làm thuê cho các đối tượng người nước ngoài thực hiện hành vi lừa đảo chính đồng bào, người thân của mình. Các tổ chức phạm tội thường đặt trụ sở ở nước ngoài, trong đó có Campuchia, khu vực gần biên giới Việt Nam. Bằng chiêu bài “việc nhẹ lương cao”, bọn lừa đảo đã lôi kéo nhiều thanh niên sang bên kia biên giới làm việc cho chúng.

Tuy nhiên, thực tế không như mơ. Qua bên kia biên giới, họ bị bán vào các công ty lừa đảo. Chúng dùng vũ lực, đòn roi để giam lỏng, đe dọa, buộc nạn nhân phải gọi điện hoặc lên mạng làm quen rồi lừa đảo người dân trong nước thông qua hình thức mời góp vốn đầu tư, đánh bạc online hay giả danh lực lượng chức năng gọi điện đe dọa, buộc nạn nhân phải chuyển tiền cho chúng hoặc cung cấp thông tin ngân hàng rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Hậu quả mà những người ham “việc nhẹ lương cao” phải gánh chịu thường rất nặng nề. Nhiều người bị các đối tượng lừa đảo đánh đập, tra tấn, sống trong cảnh bất an, chẳng khác gì nơi ngục tù mà không nhận được đồng lương nào. Thậm chí, chúng còn yêu cầu gia đình nạn nhân nộp tiền chuộc mới thả người. Không ít người trở về trong tình trạng thân tàn ma dại, có người phải bỏ mạng nơi xứ người. Một số trường hợp khác thì bị lực lượng chức năng bắt giữ ngay khi vừa đặt chân về Việt Nam vì giúp sức đắc lực cho các đối tượng lừa đảo. Rồi đây, họ sẽ phải đối diện những bản án thích đáng của pháp luật.

Thực tế cho thấy, không một ông chủ nào tuyển dụng lao động không có tay nghề mà lại trả lương cao hơn lợi nhuận mà người đó có thể mang lại cho họ. Do đó, nếu được thuê làm việc trong trường hợp này, hẳn nhiên đó chỉ có thể là những việc làm phi pháp, bất thường.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hoạt động lừa đảo dưới mác “việc nhẹ lương cao” qua hình thức trực tuyến thời gian gần đây tăng đột biến về số lượng, ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi. Do thiếu thông tin và nôn nóng muốn kiếm tiền, nhiều người bị “sập bẫy” để lại hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội.

Để tránh bị lừa, người lao động cần cảnh giác trước những lời dụ dỗ ngon ngọt và hứa hẹn tốt đẹp; tìm hiểu kỹ nơi mình sẽ đến làm việc, làm công việc gì, ở đâu. Khi cảm thấy nghi ngờ hoặc biết rõ về công việc đang làm, cần mạnh dạn thông tin tới người thân hoặc cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tránh để xảy ra những hậu quả vượt xa tầm kiểm soát hay làm hại chính đồng bào, người thân của mình.

NGUYỄN ĐỨC

;
.