Nâng cao tính chủ động của chính quyền cấp xã

Thứ Sáu, 07/02/2025, 17:21 [GMT+7]
In bài này
.

Tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 5/2 vừa qua, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của người dân đó là việc đại biểu tập trung thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), trong đó bàn nhiều về vấn đề phân cấp, phân quyền.

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, “cấp xã sẽ rất mạnh” do nhận thêm nhiều chức năng, quyền hạn khi thanh tra và công an cấp huyện sẽ không còn, cùng với đó, một số cơ quan khác cũng sẽ tiếp tục được sắp xếp lại.

Trong bối cảnh cải cách hành chính và xây dựng chính quyền địa phương ngày càng hiệu quả, việc đẩy mạnh phân cấp và trao quyền cho cấp xã đóng vai trò quan trọng. Điều này không chỉ giúp giảm tải cho cấp trên mà còn nâng cao tính chủ động, sáng tạo của chính quyền cơ sở trong quản lý và phát triển địa phương.

Phân cấp, trao quyền hợp lý giúp chính quyền xã chủ động giải quyết các vấn đề địa phương, thay vì phải chờ cấp trên phê duyệt, giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả quản lý. Gần dân hơn, chính quyền cấp xã hiểu rõ nhu cầu thực tế và đề ra chính sách phù hợp; giảm tải cho cấp huyện, tỉnh, giúp các cấp này tập trung vào chiến lược phát triển vĩ mô hơn.

Tuy nhiên, để việc phân cấp, trao quyền cho cấp xã hoạt động hiệu quả còn nhiều thách thức phải giải quyết. Trước tiên cần đảm bảo chất lượng nguồn lực cán bộ cấp xã. Thực tế cho thấy, nếu nhân lực không đủ trình độ chuyên môn hoặc không được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ không kham nổi công việc và trách nhiệm. Chưa kể, ở nơi thiếu giám sát, thiếu minh bạch, phân quyền thái quá dễ dẫn đến lạm dụng quyền lực. Do đó, vấn đề nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã thông qua đào tạo chuyên sâu về quản lý tài chính, quy hoạch, chính sách công... phải được chú trọng.

Bên cạnh đó, bảo đảm nguồn lực tài chính và nhân sự để chính quyền xã có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo cấp xã được trao quyền nhưng không bị lạm dụng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa hoạt động quản lý và kết nối hiệu quả giữa các cấp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy là một nhiệm vụ quan trọng, gắn với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ông khẳng định: "Việc sắp xếp đơn vị hành chính là một nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, gắn liền với thực hiện đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, phát huy hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, giữ vững an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội."

Điều này cho thấy làm tốt phân cấp và trao quyền cho cấp xã không chỉ là bài toán hành chính mà còn là động lực quan trọng để phát triển địa phương bền vững, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và cải thiện đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả mong muốn, cần có những chính sách hỗ trợ đồng bộ, giúp chính quyền cấp xã thực sự đủ năng lực đảm nhận vai trò quan trọng này. Sự chỉ đạo kịp thời từ các cơ quan trung ương, của tỉnh cùng với quyết tâm đổi mới, tinh gọn bộ máy, sẽ là chìa khóa để thúc đẩy chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

TRIỆU VỸ

;
.