Mừng và lo với quy định về dạy thêm

Thứ Năm, 13/02/2025, 16:58 [GMT+7]
In bài này
.

Từ hôm nay (14/2), Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Quy định mới này của Bộ GD-ĐT đã nhận được những luồng dư luận trái chiều, nửa mừng, nửa lo.

Trước hết cần khẳng định: dạy thêm, học thêm là nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của cả nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Học sinh có nhu cầu học thêm để nâng cao kiến thức, cải thiện kết quả học tập và chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, thi học sinh giỏi, xét tuyển vào đại học. Phụ huynh cho con đi học thêm ngoài mục đích nâng cao thành tích học tập còn là cách để quản lý con em mình, tránh để trẻ sa đà vào các trò vô bổ, thiếu lành mạnh. Nhà trường, giáo viên tổ chức dạy thêm thì nhằm cải thiện thu nhập.

Bên cạnh đó, hoạt động dạy thêm, học thêm cũng nảy sinh những tiêu cực, tiêu biểu là học sinh bị ép đi học thêm bởi giáo viên bộ môn hoặc nhà trường. Đây là vấn đề khiến phụ huynh, học sinh bức xúc nhiều năm qua. Lấy lý do củng cố kiến thức cho học sinh, nhà trường vận động phụ huynh cho con đi học phụ đạo, nhưng “lách” bằng cách yêu cầu học sinh làm đơn xin học thêm, có chữ ký xác nhận của phụ huynh. Phụ huynh nào tỏ ý không muốn cho con đi học thêm sẽ được giáo viên chủ nhiệm và nhà trường thuyết phục bằng đủ lý lẽ, không thể từ chối. Thực tế, chất lượng học phụ đạo không cao vì sau đó con tôi và nhiều bạn vẫn phải đến các lớp dạy thêm vào buổi tối. Lịch học kín mít cả ngày và suốt tuần khiến các con rất mệt mỏi.

Có lẽ, những tiêu cực đó là lý do khiến Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29 để chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm. Thông tư này quy định chặt chẽ đối với hoạt động dạy thêm như: không được tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học; giáo viên đang giảng dạy tại trường không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường để thu tiền từ chính học sinh mình đang phụ trách trên lớp. Ba nhóm học sinh được phép tham gia học thêm trong trường mà không phải đóng học phí là: học sinh có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu ở học kỳ trước; học sinh được nhà trường chọn để bồi dưỡng nâng cao; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh hoặc tốt nghiệp theo kế hoạch của trường. Giáo viên muốn dạy thêm bên ngoài phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe khác... Do đó, thời gian qua, hầu hết các nhà trường và giáo viên đều tạm dừng tổ chức dạy thêm.

Thông tư 29 khiến nhiều phụ huynh vui mừng vì con em mình không bị ép học thêm nhưng cũng không ít phụ huynh lo lắng, bởi lẽ sẽ có rất ít nhà trường và giáo viên chấp nhận dạy thêm miễn phí! Một bộ phận phụ huynh, đặc biệt là ở khu vực đô thị lo chuyện gửi con ở đâu khi nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm. Phụ huynh vẫn phải đi làm, không yên tâm khi để trẻ ở nhà tự học và cũng không thể tự kèm con học bài khi về nhà. Ngoài một số ít học sinh có ý thức tự học, đa phần các em vẫn mải chơi, dễ sa đà vào các trò chơi vô bổ trên mạng.

Bộ GD-ĐT đã và đang nỗ lực cải cách giáo dục, giảm tải áp lực học hành nhưng với khối lượng kiến thức phổ thông còn nặng nề như hiện nay, thời lượng học tập trên lớp là không đủ để bảo đảm cho học sinh cạnh tranh vào những trường, lớp công lập có chất lượng tốt hoặc các trường đại học mong muốn. Do vậy, việc quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm để ngăn ngừa tiêu cực là cần thiết, nhưng cũng cần phải có sự điều chỉnh hợp lý, linh hoạt để đảm bảo quyền lợi cho cả học sinh, phụ huynh và giáo viên được học thêm, dạy thêm. Bởi khi nhu cầu có thực, người ta sẽ tìm mọi cách để lách luật, nhất là trong bối cảnh năm học 2024-2025 đang bước vào chặng nước rút với các kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp THPT đang đến gần.

NGUYỄN ĐỨC

 

;
.