Lực đẩy mới của đầu tàu Đông Nam Bộ

Chủ Nhật, 16/02/2025, 16:29 [GMT+7]
In bài này
.

Từ trước đến nay, Đông Nam Bộ luôn duy trì vị trí chiến lược về kinh tế của cả nước. Dù chỉ chiếm 9% diện tích và 20% dân số, nhưng năm 2024, quy mô GRDP của vùng đạt 3,565 triệu tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 733 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 42,2% của cả nước; giá trị xuất khẩu đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Khoảng 8 năm trước, thảo luận trên diễn đàn Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh, có đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta đầu tư thiếu mũi nhọn trong khi các đầu tàu là động lực để chuyển cả vùng, cả nước lại bị bó hẹp khiến đầu tàu mãi chạy bằng hơi nước”. Theo vị đại biểu này, đầu tàu đáng ra phải chạy bằng động cơ nguyên tử.

Không chỉ TP.Hồ Chí Minh, đó là thực trạng chung của cả vùng Đông Nam Bộ vào thời điểm đó, khi hạ tầng giao thông kết nối luôn là điểm nghẽn, cản trở việc phát huy tối đa nguồn lực.

Nhưng chỉ trong vòng khoảng 5 năm nữa thôi, câu chuyện hoàn toàn sẽ khác đi. Vùng Đông Nam Bộ chắc chắn sẽ được thay đầu tàu mới, trên cơ sở “hệ thống truyền động” mạnh mẽ của hàng loạt dự án giao thông kết nối trọng điểm: Dự án Sân bay Long Thành; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; các dự án đường vành đai TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt là dự án vành đai 4. Vành đai 4 là dự án chiến lược kết nối TP.Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Dự án này đi qua 5 tỉnh, thành phố (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Long An) với tổng chiều dài là 159km. Đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23km, có điểm đầu tuyến tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha (Phú Mỹ), điểm cuối trên địa phận huyện Châu Đức. Toàn dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Cùng với dự án Sân bay Long Thành đang gấp rút triển khai, ngay từ đầu năm 2025, đã có nhiều chuyện động mới trên các dự án giao thông trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ. Đồng Nai đã thành lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đồng thời, xúc tiến xây dựng 2 dự án tái định cư lớn, để bố trí tái định cư cho người dân thuộc diện giải tỏa phục vụ dự án. Đoạn cao tốc qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 90% diện tích mặt đường được trải đá dăm, phấn đấu thông xe kỹ thuật trong dịp 30/4/2025.

Cũng ngay trong những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án đường bộ cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương. Trước đó một tuần, ngày 23/1, cao tốc Bến Lức - Long Thành đã chính thức cho lưu thông 2 đoạn đầu và cuối tuyến với tổng chiều dài 9,5km… Cùng đó, Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cao tốc Mộc Bài - TP.Hồ Chí Minh. 

Những chuyển động liên tiếp các dự án giao thông, cho thấy Chính phủ đang dành sự quan tâm đặc biệt đến việc tháo gỡ điểm nghẽn cho Vùng Đông Nam bộ. Thủ tướng Chính phủ khi tham dự Hội nghị điều phối vùng tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào đầu tháng 12 năm ngoái đã khẳng định: Đông Nam Bộ đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đang là điểm nghẽn. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung giải ngân vốn, huy động tối đa nguồn lực thực hiện dự án giao thông kết nối... 

Với tầm nhìn chiến lược gắn với việc phân bổ nguồn lực phù hợp, Đông Nam Bộ đang trước ngưỡng cửa hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ, có tính kết nối cao, tiên phong trong cả nước. Điều này cũng đòi hỏi các địa phương trong vùng vừa phải bắt nhịp nhanh với tiến độ chung, vừa sẵn sàng để đón đầu không gian phát triển mới, đặc biệt là ở nhóm ngành dịch vụ, cảng biển, logistics, du lịch.

HOÀNG NAM

 

 

;
.