Khi trẻ rơi vào "Brain rot"

Thứ Sáu, 07/02/2025, 15:36 [GMT+7]
In bài này
.

Trước đây, TikTok và Reels đã tạo nên cơn sốt với những đoạn phim ngắn (video short), tiếp sau đó, YouTube và Zalo cũng không ngừng tung ra các video short. Từ khi xuất hiện hình thức này, bọn trẻ nhà tôi có thể dành hàng giờ liền “lướt” video short nhưng rất khó để tập trung đọc hết một trang sách hay xem trọn một bộ phim như trước đây.

Bị cuốn vào video short, khả năng tập trung, tư duy logic và trí nhớ của trẻ dần suy giảm do việc tiêu thụ quá nhiều thông tin ngắn, hời hợt trên Internet. Hiện tượng này được gọi là “Brain rot” (não mục rỗng, hay thối não) - một thuật ngữ vừa được Từ điển Oxford chọn làm từ của năm 2024, nhằm chỉ tình trạng suy giảm trí tuệ và sức khỏe tinh thần do tiếp xúc với các nội dung nhỏ nhặt, độc hại trực tuyến.

Đối với trẻ em, vấn đề “Brain rot” càng trở nên nghiêm trọng. Bộ não non nớt của các em dễ bị ảnh hưởng khi vô tình tiếp xúc với các nội dung không phù hợp như bạo lực, hành vi nguy hiểm hoặc thông điệp tiêu cực. Những video short giật gân, mặc dù dễ tiếp cận nhưng lại thiếu giá trị giáo dục, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy và hành vi của trẻ.

Đối với trẻ vị thành niên, áp lực từ tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế do các influencer, KOLs (người có ảnh hưởng) và quảng cáo đưa ra khiến nhiều trẻ cố gắng thay đổi ngoại hình hoặc phong cách, dẫn đến các rối loạn ăn uống và những hành vi không lành mạnh. Hơn nữa, cảm giác sợ bị bỏ lỡ (FOMO) càng làm gia tăng căng thẳng khi trẻ nhận thấy mình thiếu những trải nghiệm được cộng đồng chia sẻ. Bên cạnh đó, trẻ còn dễ mắc phải các vấn đề thể chất như mất ngủ, đau đầu, mỏi mắt, rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng xương khớp và nguy cơ tiểu đường, béo phì do thiếu vận động…

Nhận thấy tình trạng ngày càng nghiêm trọng, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em. Australia mới đây đã thông qua luật mạng xã hội được đánh giá là “nghiêm ngặt nhất thế giới”, cấm hoàn toàn trẻ dưới 16 tuổi sử dụng các nền tảng như TikTok, Facebook... Các nền tảng này có 12 tháng để thực hiện thay đổi cần thiết, nếu không sẽ đối mặt với mức phạt lên đến 32,5 triệu USD. 

Vào cuối tháng 11/2024, các nhà lập pháp Australia cũng đã phê duyệt một biện pháp cứng rắn, cấm trẻ dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau 12 tháng đối với các nền tảng phổ biến như TikTok, Facebook, Instagram, Reddit và X, trong khi một số nền tảng như WhatsApp và YouTube có thể được miễn trừ do vai trò thiết yếu của chúng trong việc giải trí, học tập hay liên lạc.

Tại Việt Nam, Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 quy định, trẻ dưới 16 tuổi không được tự tạo tài khoản mạng xã hội; cha mẹ hoặc người giám hộ phải đăng ký thay và giám sát nội dung mà trẻ tiếp cận. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em, như phân loại trò chơi theo độ tuổi và cung cấp công cụ kiểm soát cho phụ huynh.

Mặc dù đã có những quy định pháp lý nghiêm ngặt, vai trò của cha mẹ vẫn là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ trẻ khỏi tác hại của mạng xã hội. Cha mẹ cần chủ động đặt giới hạn thời gian cho trẻ xem video và sử dụng các công cụ kiểm soát nội dung có sẵn trên các nền tảng. Đồng thời, hãy hướng dẫn con em lựa chọn những nội dung phù hợp với độ tuổi, tránh xa các video giật gân, bạo lực hay tiêu cực.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thay thế như đọc sách, nghe podcast, giải đố, thể dục thể thao… Các hoạt động thể chất, nghệ thuật và giao tiếp xã hội không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn giảm sự phụ thuộc vào thế giới ảo.

Việc giáo dục tư duy phản biện cũng vô cùng cần thiết. Trẻ cần được học cách nhận biết và phân biệt giữa những nội dung hữu ích và thông tin sai lệch, từ đó tránh bị thao túng bởi các video thiếu giá trị thực tiễn.

ANH ĐÀO

 

;
.