Đừng như bảo hiểm tâm linh

Chủ Nhật, 09/02/2025, 17:53 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng Giêng lễ chùa cầu an, mong may mắn kết tụ, xui rủi tan biến là một phần trong văn hóa đời sống của người Việt. Dưới góc độ tôn giáo, hay là văn hóa, thì hái lộc đầu năm, đi lễ cầu an, nhất là trong dịp Rằm tháng Giêng, thể hiện ước muốn chân thiện của con người. Cầu bình an đến với bản thân, gia đình hay lớn lao hơn là cho đất nước thái hòa, dân tộc tiến tới… đều là mong muốn quảng đại, bao la. Vốn dĩ vô cùng đẹp đẽ.

Nhưng do mong muốn thỏa mãn nhu cầu tâm linh cá nhân, một số người khi tham gia lễ hội, hoạt động tôn giáo đã có hành vi thái quá. Từng có những lễ hội, hoạt động tâm linh rơi vào cảnh mất kiểm soát, hỗn loạn. Mấy năm trước, những cụm từ “cướp lộc”, “cướp hoa tre”, “cướp phết”... đã trở nên quen thuộc, với việc hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy vô cùng nguy hiểm.

Sau một thời gian chấn chỉnh và tự điều chỉnh, gần đây, hình ảnh chen lấn, giẫm đạp để cướp lộc một cách dung tục đã ít đi. Ban tổ chức các lễ hội dân gian cũng đã có nhiều cách tổ chức khoa học, bài bản, để hoạt động thể hiện tín ngưỡng, tâm linh của người tham gia lễ hội trở nên nhẹ nhàng, an toàn và văn minh hơn.

Tuy nhiên, những ngày qua, chuẩn bị Rằm tháng Giêng, tại nhiều địa phương trong cả nước, lại nổi lên cảnh nhiều người kéo đến cửa chùa “cúng sao giải hạn”. Có người phải chờ đợi 6-7 tiếng đồng hồ để được toại nguyện. Cũng có người rước thầy về nhà, bày vẽ lễ nghi xa hoa để “cúng sao giải hạn” trong nhiều giờ liền.

Việc đặt nặng tâm linh vào chuyện “cúng sao giải hạn” đã biến tập tục cầu an có tính văn hóa và đúng với Giáo lý Phật giáo, thành những dạng thức của dị đoan, mê tín. Mặc khác, trong Phật Giáo, cũng không đề cập đến chuyện “sao chiếu mạng” như nhiều người lầm tưởng. Do đó, không loại trừ đã có hành vi lợi dụng tâm linh để trục lợi, bày vẽ lễ nghi lãng phí.

Theo các chuyên gia văn hóa “dâng sao giải hạn” bắt đầu phổ biến trong đời sống người Việt từ cuối những năm 1990, khi đời sống kinh tế của người dân khấm khá hơn. Kể từ đó, ngày càng có nhiều người đặt nặng lễ nghi, sẵn sàng chi ra rất nhiều tiền cúng sao, tạo một chỗ dựa tinh thần trong năm mới. Nhưng nếu có thể cúng sao giải hạn, bày biện lễ lớn có thể xóa bỏ được xui rủi, giải được vận hạn, thì có lẽ thế giới đã không còn tai nạn giao thông, thiên tai, địch họa và những rủi ro khác mà con người đang phải hứng chịu.

Ai cũng có quyền thể hiện ý niệm và xây dựng đức tin, có quyền sống với thế giới tâm linh của riêng mình. Nhưng để tâm linh đè nặng, chính là tự tạo áp lực lên cuộc sống của chính mình. Để rồi lại phải bày biện lễ nghi, giải tỏa gánh nặng đó như một thứ “bảo hiểm tâm linh”. Mà có chắc đâu, cầu đã được!

Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã ban hành công điện về thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành địa phương tuyên truyền, vận động không tổ chức các lễ hội tràn lan, lãng phí; loại bỏ các hành vi mê tín dị đoan.

Rõ ràng, loại bỏ các hoạt động mê tín, dị đoan vẫn luôn là “câu chuyện đầu năm” được quan tâm hàng đầu, để cùng hướng đến việc xây dựng một lối sống văn hóa thực sự lành mạnh và văn minh.

HOÀNG NAM

;
.